Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) vừa đưa ra nhận định trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra hai ngày 15 và 16/2 tại Sunnylands, California. Theo đó, đây là lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN được tổ chức trên đất Mỹ, và nối tiếp đà phát triển về quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập vào tháng 11/2015.
Mặc dù nội dung bàn thảo chính của hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề lớn, trong đó có cả an ninh biên giới, quốc phòng, nhưng với quan hệ giao thương sẵn có của Mỹ và ASEAN, hợp tác thương mại và kinh tế cũng được coi là một điểm nhấn quan trọng.
Tổng thống Obama phát biểu khai mạc tại Hội nghị Mỹ - ASEAN. Ảnh: AFP. |
“Trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, việc mở cửa thị trường và tạo dựng sự kết nối cho các doanh nghiệp mang ý nghĩa quan trọng, để có thể tận dụng những cơ hội kinh tế mới... Với Mỹ, đó là việc thâm nhập vào các nền kinh tế đang tăng trưởng gấp hai lần tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Với các nước ASEAN, điều này có nghĩa là chạm tay vào một thị trường tiêu thụ rộng lớn vẫn có khả năng tiếp tục gia tăng chi tiêu, cũng như tiếp cận một thị trường cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng giúp các nền kinh tế ASEAN nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất", nhà kinh tế học thương mại Doug Lippoldt của HSBC nói.
Một yếu tố quan trọng trong cải thiện quan hệ thương mại hai chiều giữa hai khu vực là Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một siêu hiệp định với sự tham gia của 12 nước trong đó có 4 nước ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, cùng với Mỹ là một thành viên.
Đại diện cho 40% sản lượng và 25% xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của toàn thế giới, TPP sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị. Nó không chỉ mang ý nghĩa nâng tầm mối quan hệ giữa các nước thuộc TPP, mà còn mở ra cơ hội tham gia của các nước khác trong khối ASEAN.