V.League 2020 chứng kiến sự xuất hiện của tổng cộng 48 ngoại binh và cầu thủ nhập tịch, trong đó có nhiều cái tên "nhẵn mặt" với người hâm mộ như Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson, Diego Fagan hay Pape Omar Faye.
Thoạt nhìn, không khó để liệt kê những điểm chung của nhóm cầu thủ này. Đây đều là những cầu thủ có đẳng cấp, tài năng được khẳng định ở Việt Nam nhưng đều đã ngoài 30 và đang dần bước tới chặng cuối của hành trình sự nghiệp.
Tuy nhiên, có một nghịch lý rằng tuổi tác của những cầu thủ này lại lăn bánh thuận theo tầm quan trọng của họ ở đội bóng chủ quản, mà hai vòng đấu đầu tiên tại V.League 2020 phần nào đã chứng minh điều này.
Ở tuổi 35, Merlo vẫn là một trong những cầu thủ đáng chú ý nhất tại V.League 2020. Ảnh: Minh Chiến. |
Sức mạnh thể chất
Tại Nam Định, Đỗ Merlo ở tuổi 35 vẫn dõng dạc yêu cầu cả đội "cứ dồn bóng về đây, tôi sẽ lo phần còn lại". Ở Than Quảng Ninh, hai "ông già" Diego Fagan và Lastro Neven vẫn lãnh trọng trách nắm giữ tiền tuyến và hậu phương của đội bóng xứ mỏ than.
Tới CLB Hải Phòng, "lão tướng" 36 tuổi Hoàng Vissai đang là mỏ neo vững chắc nơi hàng thủ đội bóng đất cảng, còn với nhà đương kim vô địch CLB Hà Nội, Pape Omar ở tuổi 33 cũng là nhân tố không thể tách rời trong hệ thống chiến thuật của đội bóng thủ đô.
Chưa kể tới Hoàng Vũ Samson (Thanh Hóa), Rabo Ali (Bình Dương) hay Damir Memovic (HAGL), những cái tên nêu trên là những ví dụ thuyết phục về vai trò của nhóm ngoại binh "hết thời" tại V.League 2020. Như những ngọn nến trong đêm, thứ ánh sáng tưởng như dần tắt ấy lại đang có trọng trách soi sáng cả một căn phòng.
Thể chất của cầu thủ Việt Nam đã phát triển rất nhiều trong những năm qua, song vẫn còn một khoảng cách rất xa nếu phải so sánh với các ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Ảnh: Hoàng Linh. |
Trong tổng số 48 ngoại binh và cầu thủ nhập tịch tham dự V.League 2020, chỉ có 7 tiền vệ. Trong khi đó, số lượng tiền đạo và hậu vệ lần lượt là 27 và 14.
Đây đều là những vị trí đòi hỏi khả năng tranh chấp, va chạm liên tục cùng nền tảng thể lực dồi dào. Trên khía cạnh này, cán cân hoàn toàn chênh lệch và nghiêng hẳn về nhóm cầu thủ nước ngoài và nhập tịch.
"Việt Nam có rất nhiều tiền đạo tốt như Tiến Linh, Đức Chinh, Minh Tuấn hay Văn Toàn. Tuy nhiên, trên mặt trận tấn công, tiền đạo ngoại vẫn hết sức quan trọng. Họ có sức mạnh, thể hình, biết tỳ đè và trở thành mục tiêu, giúp những đường lên bóng dễ dàng hơn", hậu vệ Hoàng Vissai chia sẻ với phóng viên Zing.vn.
Những năm qua, với chế độ dinh dưỡng được cải thiện, thể chất của cầu thủ Việt Nam tốt lên trông thấy. Lứa cầu thủ mới có thể hình phổng phao hơn rất nhiều, song theo Hoàng Vissai, chừng đó là chưa đủ để thay thế vai trò của cầu thủ ngoại.
"Tôi không có ý chê bai nhưng cầu thủ Việt Nam không thể so được về thể chất với cầu thủ ngoại và họ cũng hiểu điều này. Các ngoại binh bổ sung sức mạnh và giúp chính những cầu thủ nội chơi cạnh họ thi đấu tốt hơn", cầu thủ này nhận định.
"Nhìn lại trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản tại Asian Cup 2019, các bạn chơi rất hay. Ở các trận gặp Syria, Iraq hay Iran cũng vậy. Tuy nhiên, cầu thủ Việt Nam vẫn thiếu một chút sức mạnh về thể chất để có thể thi đấu sòng phẳng với các đội bóng mạnh ở châu lục", hậu vệ của CLB Hải Phòng phân tích.
Các trận đấu với Iraq, Iran và Nhật Bản tại Asian Cup 2019 cho thấy cầu thủ Việt Nam vẫn phải tiếp tục cải thiện thể chất nếu muốn đối đầu với những đối thủ ở châu lục. Ảnh: AFC. |
Điểm tựa kinh nghiệm
Thực tế, không phải đội bóng nào cũng lấy ngoại binh và nhập tịch làm hạt nhân. CLB Bình Dương có thể coi là một trường hợp ngoại lệ. Cả 4 ngoại binh/cầu thủ nhập tịch của họ đều ngoài độ tuổi 32. Ngoại trừ Rabo Ali, vai trò của Hedipo Conceicao, Youssouf Toure hay Nguyễn Trung Đại Dương đều không thể so sánh với những Merlo, Omar hay Samson ở đội bóng chủ quản.
Tuy nhiên, nhóm cầu thủ này vẫn có vai trò nhất định tại CLB Bình Dương. Đội bóng đất Thủ đang trong giai đoạn chuyển giao, và họ cần những cầu thủ giàu kinh nghiệm để dìu dắt lứa cầu thủ trẻ của CLB.
Anh không còn duy trì phong độ như hồi ở CLB Khánh Hòa nhưng kinh nghiệm, đẳng cấp của cầu thủ người Pháp vẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho các cầu thủ trẻ của Bình Dương. Ảnh: Thế Anh. |
"Kinh nghiệm, đó là điều quan trọng nhất. Thật tốt nếu có cầu thủ trẻ trong đội, nhưng mọi CLB đều cần những cầu thủ kinh nghiệm để dạy cầu thủ trẻ cách chơi bóng ở V.League. Cầu thủ ngoại đã chinh chiến ở nhiều giải đấu, kinh nghiệm của họ chắc chắn nhiều hơn cầu thủ nội", Hoàng Vissai khẳng định.
"Kinh nghiệm thi đấu rất quan trọng. Trong quá khứ, những tiền đạo nội như Công Vinh, Việt Thắng hay Anh Đức, họ được tạo điều kiện thi đấu tối đa và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các tiền đạo ngoại tại V.League", cầu thủ này nhớ lại.
Cùng quan điểm, tiền đạo Fagan cho biết: "Tất cả đều thấy Anh Đức chỉ bắt đầu chơi thứ bóng đá tốt nhất khi đã có tuổi. Tiền đạo trẻ cũng vậy, giống Anh Đức, vấn đề họ cần lúc này chỉ là thêm thời gian. Các tiền đạo Việt Nam đang phát triển tốt, và họ sẽ chơi thứ bóng đá tốt nhất trong khoảng 2-3 năm nữa".
Với nền tảng thể chất vượt trội, kinh nghiệm sẵn có cùng mức lương chấp nhận được, những cầu thủ này đang là lựa chọn an toàn, ngon, bổ, rẻ so với mặt bằng chung của V.League.
Tuy nhiên, sự an toàn và ổn định cũng là hòn đá ngáng đường, kéo chậm quá trình phát triển của giải đấu. Nhìn sang Thai League, người Thái đã thành công khi tất tay với những bản hợp đồng lớn như Heberty Fernandes (Muangthong), Andres Tunez (Buriram) hay Cleiton Silva (Suphanburi). Chất lượng ngoại binh tăng lên đi cùng chất lượng giải đấu, và cuối cùng, hưởng lợi nhiều nhất là các cầu thủ và các đội tuyển quốc gia Thái Lan.
Bài học từ Thai League sẽ giúp các đội bóng V.League rút ra nhiều kinh nghiệm. Mặt trái của sự an toàn, ổn định chính là sự phát triển. Chừng nào các đội bóng chưa dám thoát khỏi vùng an toàn, V.League vẫn sẽ phải nhìn Thai League, và thậm chí là cả các giải đấu khác trong khu vực, bằng con mắt của sự thèm thuồng và ước ao