Kevin Schindler (cựu tiền vệ Werder Bremen) từng khiến làng bóng Việt giật mình khi chia sẻ nỗi thất vọng vì bị một đội V.League từ chối, dù chơi tốt trong trận đấu thử chân và ghi 3 bàn.
Danh tiếng của cựu á quân Bundesliga hơn nhiều so với mặt bằng ngoại binh V.League, và anh bị loại để nhường chỗ cho một cầu thủ không ghi bàn ở trận đấu đó. Từ lâu, công tác tuyển mộ ngoại binh của nhiều đội V.League luôn bị đặt dấu hỏi.
Denilson chia tay Hải Phòng sau 50 phút thi đấu trước HAGL. Cầu thủ người Brazil không muốn mạo hiểm với chấn thương và đạt thỏa thuận thanh lý hợp đồng sớm. |
Denilson và những "bom xịt" hàng hiệu
Chuyện siêu sao thất bại ở một đội bóng không hiếm trên thế giới, ngay cả với những CLB có đội ngũ phân tích số liệu và tuyển trạch hàng đầu như Real Madrid, Barcelona hay Manchester United. Song, đến và đi như Denilson ở CLB Hải Phòng mùa 2009 là trường hợp xưa nay hiếm. Cầu thủ đắt giá nhất thế giới năm 1998 cập bến đất cảng, thi đấu vài chục phút, ghi một bàn từ quả đá phạt và lặng lẽ rời đi.
Sự xuất hiện của Denilson cách đây 11 năm tạo ra cú hích cho V.League vài tháng sau khi Olympic Brazil của Ronaldinho đến Việt Nam và đá giao hữu ở Mỹ Đình. CĐV luôn thèm khát theo dõi những tên tuổi lớn bằng xương bằng thịt. Trận ra mắt của Denilson, sân Lạch Tray không còn chỗ trống, nhưng sự hiện diện của cựu sao Brazil là quá ít ỏi. Denilson rời đi, để lại những nuối tiếc ngẩn ngơ và cả hoài nghi về tính nghiêm túc của thương vụ chuyển nhượng.
Denilson là cầu thủ nổi tiếng nhất, nhưng không phải “bom xịt” duy nhất. CLB Hà Nội từng mang về Loris Arnaud, cầu thủ khoác áo Paris Saint-Germain trong 6 năm và được định giá 1,08 triệu bảng vào năm 2008 (đây không phải mức giá thấp khi đó). Được kỳ vọng dẫn dắt hàng công CLB thủ đô, song Arnaud chỉ ghi 8 bàn/22 trận và rời đi sau 2 năm.
CLB Sài Gòn cũng từng ăn "bánh vẽ". Mùa 2017, đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng mang về hai tiền đạo Brazil là Marcelo Fernandes (từng chơi bóng ở giải Áo) và Patrick Cruz, đồng đội cũ của Neymar, từng ăn tập ở những đội lớn như Sao Paulo hay Corinthians. Cả hai đều đi sau một năm, mỗi người ghi 7 bàn.
Tuy nhiên, đội Sài Gòn chưa thấm vào đâu so với CLB TP.HCM. Đội bóng của cựu Chủ tịch Lê Công Vinh từng liên hệ với Rodrigo Possebon, cầu thủ được gắn mác thần đồng tại Manchester United. Possebon đến sân Thống Nhất, tập vài buổi rồi chia tay. Dimitar Berbatov cũng được liên hệ. David N’Gog, cựu cầu thủ Liverpool còn đến tập thử vài buổi rồi nhanh chóng xách đồ về nước.
Mới đây nhất, cựu tuyển thủ Thuỵ Điển Viktor Prodell cũng chia tay CLB TP.HCM do dính chấn thương dây chằng trong buổi tập, mới kịp đá đúng một trận. Matias Jadue, cựu tiền đạo Everton, cũng bị cắt hợp đồng vì tái phát chấn thương, còn thương vụ Lee Nguyễn đình đám là dấu hỏi lớn khi CLB Inter Miami khẳng định chưa nhận được lời đề nghị nào.
Berbatov hay Lee Nguyễn là hai trong số những tên tuổi từng được đồn đại tới TP.HCM nhưng đã không cập bến. Đồ họa: Minh Phúc. |
Bao giờ V.League có ngoại binh giỏi?
Thất bại của các ngoại binh tiếng tăm có 2 lý do chính. Thứ nhất là chấn thương, như trường hợp của Prodell hay Matias ở CLB TP.HCM. Vấn đề này liên quan đến cơ sở hạ tầng của CLB với đội ngũ y tế thiếu tin cậy.
Chia sẻ với Zing.vn, chuyên gia Đoàn Minh Xương thẳng thắn đặt câu hỏi: “Liệu ở V.League bây giờ, đội bóng nào dám nói mình có một bác sĩ thể thao đúng nghĩa? Nếu y tế các đội đủ tốt, đã không có hài kịch kiểu Souleymane Diabate của Long An ghi 14 bàn ở V.League 2015 rồi phát hiện ra bị bệnh tim, hay một loạt cầu thủ phải điều trị chấn thương và phục hồi ở PVF, thay vì đại bản doanh CLB”.
Thứ hai, phần nhiều trong các hợp đồng thất bại ở Việt Nam có yếu tố thương mại cao hơn chuyên môn. Có chắc đằng sau những vụ đưa Denilson, Possebon đến Việt Nam không có yếu tố hình ảnh, quảng cáo?
Tất nhiên, không đội nào là không cần PR. Các CLB lớn trên thế giới đều có đội ngũ truyền thông hùng mạnh. V.League muốn lên chuyên, rất cần làm truyền thông bài bản và có những tên tuổi lớn thu hút khán giả. Dẫu vậy, yếu tố cốt lõi vẫn phải là chuyên môn.
Thời Leandro tung hoành ở Hải Phòng, Kesley Alves chơi hay ở Bình Dương còn Samson, Gonzalo tạo dấu ấn tại Hà Nội đã cách rất xa. 10 năm qua, chất lượng ngoại binh V.League không được cải thiện, thậm chí còn có chiều hướng đi xuống, đa số chỉ trụ được một mùa.
Tuấn Anh từng nổi điên với một ngoại binh trong trận HAGL gặp Thanh Hóa mùa trước khi cầu thủ này không hiểu ý, trình độ kém. Ảnh: Minh Chiến. |
Những trường hợp như bộ ba Kayo Dias - Paulo - Gustavo của CLB Viettel bị thải loại sau nửa mùa hay Sidney Riveira, tiền đạo từng đá MLS (giải nhà nghề Mỹ) bị Than Quảng Ninh thanh lý sau 2 trận là phổ biến. Sau 2 vòng mùa này, SHB Đà Nẵng và Thanh Hoá còn trao đổi ngoại binh cho nhau. HAGL cũng là lò xay ngoại binh với 3-4 lượt thay mỗi mùa từ khi đưa lứa Công Phượng, Xuân Trường lên đá V.League.
Dù là đội lớn hay nhỏ, đa số vẫn mập mờ với những hợp đồng có tiếng không có miếng, hoặc an toàn dùng lại cầu thủ của nhau như CLB Hà Nội dùng Omar, Rimario Gordon hay Than Quảng Ninh dùng Jermie Lynch, Diego Fagan. Những cầu thủ đẳng cấp cao như Omar, Lynch là không nhiều.
Bởi muốn có ngoại binh giỏi, các CLB cần rất nhiều tiền. 10 ngoại binh đắt nhất V.League hiện tại có giá 2,5 triệu euro (theo Transfermarkt), gần bằng một phần ba so với 10 ngoại binh đắt nhất Thai League. Muangthong United mang về Heberty với giá 1,92 triệu euro, khoảng 50 tỷ đồng, hơn ngân quỹ hoạt động mỗi mùa của một số đội V.League. Đắt xắt ra miếng, Heberty ghi 59 bàn, kiến tạo 33 lần sau 93 trận cho Muangthong. Các đội V.League khó mơ về một cầu thủ chuyên môn cao như vậy.
“Bóng đá Việt Nam có thành tích tốt, vị thế lên, nhưng vấn đề là chúng ta không trả lương cho cầu thủ ngoại cao bằng Thái Lan, Malaysia. Nguyên nhân thiếu tiền là do các đội V.League chưa lấy bóng đá nuôi bóng đá được”, BLV Quang Huy chia sẻ. Ở đây, câu chuyện lại trở về con gà có trước hay quả trứng có trước. Thiếu ngoại binh giỏi, chất lượng giải đấu không cao, khó thu hút khán giả, không có tiền rồi dẫn đến thiếu ngoại binh giỏi.
Đó là vòng luẩn quẩn, khiến V.League vẫn phát triển mong manh, chưa có tiến bộ nhiều trong những năm qua.
Ở tuổi 35, Đỗ Merlo vẫn là một trong số ít ngoại binh đẳng cấp, “đắt xắt ra miếng” của V.League. Ảnh: Minh Chiến. |
Khi nhiều giải tăng suất ngoại binh, mời cầu thủ Đông Nam Á để tăng sức cạnh tranh, V.League lại có xu hướng hạn chế cầu thủ ngoại (khiến các đội phải nhập tịch để đối phó) để nhường chỗ cho cầu thủ nội, thay vì cố gắng nâng mặt bằng chất lượng giải để cầu thủ nội tự trưởng thành.
Dù vậy, thực tế không thể khác là các đội Việt Nam vẫn cứ phải sống nhờ những “ông Tây”. 248 trên tổng số 532 bàn ở V.League 2019 được ghi bởi cầu thủ ngoại, chiếm 46,6%, dù số cầu thủ ngoại chỉ chiếm trên dưới 15% danh sách đăng ký mỗi CLB. Tầm ảnh hưởng chuyên môn của ngoại binh, yếu tố vô hình khó thống kê, có lẽ còn lớn hơn thế.
100% CLB tại V.League có cầu thủ ngoại, nhập tịch ở những vị trí trọng yếu như trung vệ và tiền đạo. Ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, Hoàng Vissai vẫn là trung vệ số một tại Hải Phòng. Đỗ Merlo đang là hơi thở của CLB Nam Định. HAGL sau vài mùa bất lực với cầu thủ trẻ, cũng phải giao trọng trách phòng ngự cho “Tây”.
Khi các đội lệ thuộc vào ngoại binh dù mặt bằng cầu thủ ngoại chỉ ở mức trung bình khá, chất lượng giải khó được nâng cao.