Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Mỹ quyết dội 'cơn mưa' tên lửa lên Syria?

Dù chính quyền Syria bác bỏ sự liên quan trong cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học khiến hơn 100 người chết, sự kiện này chính là cái cớ để Mỹ phát động cuộc không kích hôm 6/4.

Tình hình ngoại giao từng có vẻ tươi sáng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Với sự giúp đỡ của Nga, ông đã củng cố quyền lực của mình và trấn áp các nhóm phiến quân. Mỹ cũng tuyên bố lật đổ ông không còn là ưu tiên.

Tuy nhiên, vụ tấn công hóa học xảy ra hôm 4/4 đã khiến tình thế thay đổi. Năm 2013, sau khi cuộc tấn công hóa học tồi tệ nhất xảy ra cũng tại Syria, Mỹ đã cân nhắc hành động quân sự nhằm vào quốc gia Trung Đông nhưng cuối cùng thì không có quyết định nào được đưa ra. Sau gần 4 năm, với sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mọi chuyện đã khác.

Mỹ không còn kiên nhẫn với Assad

Bình luận trên Sputnik, nhà phân tích người Iran, Mosib Naimi, cho rằng đồng minh và những người ủng hộ ông Assad sẽ nghĩ cuộc tấn công hóa học hôm 4/4 là “bước đi điên rồ”, dù chính quyền Syria bác bỏ sự liên quan trong vụ việc này.

Theo New York Times, những năm gần đây, sau khi giành ưu thế trên chiến trường, chính phủ Syria tìm cách đạt được chiến thắng bằng việc tập trung tấn công các khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

tan cong hoa hoc o Syria anh 1
Tổng thống Syria Bashar al-Assad gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga vào ngày 21/10/2015. Ảnh: Getty.

Các lực lượng chính phủ dồn ép phe chống đối trên khắp đất nước về tỉnh Idlib, nơi xảy ra vụ tấn công hóa học.

Bằng các thỏa thuận đầu hàng, họ đã bị vây hãm tại đây, nơi sự hiện diện của các nhóm có liên hệ với Quaeda được quân đội Syria dùng làm cái cớ để đánh bom khu vực này, bất kể sự an toàn của thường dân.

Theo Tiến sĩ Monzer Khalil, giám đốc y tế tỉnh Idlib, mục tiêu của những chiến thuật cực đoan này là chứng tỏ sức mạnh của chính phủ và làm đối phương mất tinh thần.

“Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy mình đã bị đánh bại. Cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục đứng nhìn các cuộc ném bom dội xuống dân thường, giết chết trẻ em và các nhân viên y tế mà không làm gì cả”, Tiến sĩ Khalil trả lời trên New York Times.

Những người chỉ trích cựu tổng thống Barrack Obama, trong đó có ông Trump, nhận xét việc Mỹ không đáp trả các cuộc tấn công cũng được cho là sử dụng vũ khí hóa học năm 2013 đã khiến mầm mống của sự việc tương tự được nuôi dưỡng. Ngày 4/4, hơn 100 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là bằng khí độc thần kinh sarin.

Jihad Yazigi, nhà kinh tế học thuộc phe đối lập cho rằng điều này càng được củng cố gần đây khi các quan chức chính quyền Trump tỏ ý chấp nhận việc Assad tiếp tục nắm quyền. Sự tung hoành của chính quyền Assad “đã cho thế giới thấy sự bất lực và yếu đuối của phương Tây”, Yazigi viết.

Cái cớ cho cuộc tấn công

Hình ảnh của Trung tâm Truyền thông Edlib, nhóm hoạt động chống lại chính phủ Syria, đã làm rung chuyển thế giới khi cho thấy có thể một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã giết chết ít nhất 100 người, trong đó có 20 trẻ em, ở miền Tây Syria.

Đáng tiếc, hình ảnh đau lòng của những bệnh nhân tuyệt vọng, trẻ em gào khóc, xác người la liệt ở Syria đã trở nên quá quen thuộc.

Theo lời kể của các nhân chứng, cuộc tấn công xảy ra vào khoảng trước 7h sáng. Hôm đó, nhóm quan sát của khu vực này đã phát hiện máy bay Su-22 của Syria được cho là bay vòng quanh thị trấn Khan Sheikhoun và cảnh báo người dân qua bộ đàm.

Cuộc tấn công đã nhắm trúng một bệnh viện và một trụ sở phòng vệ dân sự. Các bác sĩ nhận thấy nạn nhân có triệu chứng tương tự như những người bị nhiễm chất độc sarin trong cuộc tấn công hóa học ở vùng ngoại thành Damascus gần 4 năm trước.

Hình ảnh và video từ Khan Sheikhoun, phía nam thủ đô Idlib, cho thấy trẻ em và người lớn đi khập khiễng. Một số người phải vật lộn để hít thở, những người khác dường như đang sùi bọt mép.

tan cong hoa hoc o Syria anh 2
Bức ảnh này do Trung tâm Truyền thông Edlib, một nhóm hoạt động chống chính phủ Syria, cung cấp hôm 4/4, cho thấy các nạn nhân của vụ tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib, miền bắc Syria. Ảnh: AP.

Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad "không nghi ngờ gì" là người đứng sau hành động tàn ác này.

Ông Trump kêu gọi Nga và Iran ngăn chặn sự tái phát của những gì mà nhiều người gọi là tội ác chiến tranh. Trong khi đó, sau cuộc tấn công quân sự hôm 6/4 với gần 60 tên lửa Tomahawk dội xuống Syria, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói rằng "không có chỗ" cho ông Assad trong tương lai của quốc gia Trung Đông.

Phe đối lập của Syria đổ lỗi cho các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad, nói rằng vụ tấn công làm mất niềm tin vào các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Assad, người từng tuyên bố đã từ bỏ tất cả vũ khí hoá học cách đây 4 năm, nói rằng chính phủ của ông không gây ra cuộc tấn công. Quân đội Syria phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đồng thời đổ lỗi cho "các nhóm khủng bố" đã sử dụng "các chất độc hóa học".

Lầu Năm Góc công bố ảnh hiện trường sau khi tấn công Syria Ngay sau khi dội hàng chục tên lửa Tomahawk vào Syria, Bộ quốc phòng Mỹ đã công bố những hình ảnh hiện trường của cuộc tấn công đầy bất ngờ trong ngày 7/4.

Trump: 'Đó là cái chết từ từ và khủng khiếp với rất nhiều người'

Trong bài phát biểu về cuộc không kích của Mỹ ở Syria tối 6/4, Tổng thống Donald Trump kêu gọi "các quốc gia văn minh cùng tham gia vào nỗ lực chấm dứt tàn sát và đổ máu ở Syria".

Nga sẽ phản ứng thế nào sau vụ Mỹ dội tên lửa vào Syria?

Thế giới thức giấc và hay tin Mỹ phóng hơn hàng chục tên lửa hành trình vào Syria, nhưng đây không phải điều thực sự bất ngờ khi Tổng thống Trump đã quả quyết sẽ hành động.

Tuyết Mai (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm