Không kích Syria là quyết định quân sự quan trọng nhất của Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông. Trước đó, ông đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công bằng khí độc ở Syria, khẳng định chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad "vượt giới hạn". "Thái độ của tôi đối với Syria và Assad đã thay đổi đáng kể".
Trước đó, dấu hiệu rõ ràng khác từ chính quyền Trump là phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley. "Nếu LHQ tiếp tục thất bại trong việc đưa ra hành động tập thể thì Mỹ buộc phải tự tiến hành", bà nói.
Tổng thống Trump quả quyết sẽ hành động về tình hình Syria. Ảnh: NYPost. |
Đo lường phản ứng của Nga
Một câu hỏi lớn sau khi Mỹ không kích Syria là Nga sẽ phản ứng như thế nào? Khác biệt lớn nhất của quyết định không kích Syria từ thời ông Obama (năm 2013) với thời của ông Trump chính là sự hiện diện của quân đội Nga cùng hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ các máy bay Mỹ.
Chính quyền Trump có thể trấn an phía Nga rằng những cuộc không kích chỉ nhằm trừng phạt Assad về việc sử dụng vũ khí hóa học. Trên thực tế, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Washington đã thông báo trước cho Nga về kế hoạch không kích.
Vụ không kích cũng có thể tạo thêm cho Mỹ lợi thế để đưa ra thỏa thuận với người Nga nhằm tìm kiếm giải pháp kết thúc nội chiến ở Syria.
"Thông điệp chính trị của vụ không kích chính là chứng tỏ ông Trump đang sử dụng cách tiếp cận mới hoàn toàn khác với người tiền nhiệm", Andrew Tabler, chuyên gia về Syria tại Viện Washington, nói với Washington Post.
Ngay cả một số cựu quan chức thời Obama cũng thúc giục một hành động. "Nếu ông không hành động tức là ông như muốn nói Assad có thể sử dụng vũ khí hóa học lúc nào tùy thích. Asssad đã từng 'kiểm tra' ông Obama, và bây giờ ông ấy tiếp tục 'thử lòng' Tổng thống Trump", Phil Gordon, giám đốc cao cấp về Trung Đông trong chính quyền Obama, nói.
Hệ thống Panstri-S1 của Nga có khả năng bắn hạ máy bay đặt tại Palmyra, Syria. Ảnh: CNN.
|
Phóng tên lửa hành trình để vượt mặt Nga
Lẽ ra Mỹ có thể không kích phủ đầu vào các cơ sở quân sự hoặc thậm chí trụ sở lãnh đạo của Syria. Nhưng một rào cản lớn là Nga đang triển khai các thiết bị phòng không ngay trong lòng Syria giúp nước này kiểm soát phần lớn không phận của đồng minh.
Việc Nga tăng cường phòng không ở Syria đã bắt đầu từ khi Moscow tuyên bố ủng hộ Tổng thống Assad vào năm 2015, rồi đặt các hệ thống phòng thủ S-300, S-400 hiện đại ở Hmeimim, Latakia và Tartus.
Để né tránh Nga, Mỹ có thể triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình như F-22 hay B-2 Spirit nhưng đây được cho là giải pháp tốn kém và bị hạn chế về số lượng máy bay.
Bên cạnh đó, yếu tố phức tạp khác là một số chuyên viên Nga có thể tham gia cùng các lực lượng người Syria. Tổng thống Trump chắc chắn không muốn liều lĩnh làm người Nga nào thiệt mạng để tránh xung đột leo thang.
Do vậy, giải pháp đã được lựa chọn là phóng tên lửa hành trình từ các tàu khu trục Mỹ đã được triển khai ở Địa Trung Hải.
Đây cũng từng là giải pháp mà Tổng thống Obama cân nhắc vào tháng 8/2013, cũng trong bối cảnh một vụ tấn công hóa học đã xảy ra ở Syria. Tuy nhiên, Syria ngay sau đó đã đồng ý với Nga về từ bỏ vũ khí hóa học khiến ông Obama rút lại ý định hành động quân sự.
Tổng thống Trump tỏ rõ với Tổng thống Assad và Nga rằng ông sẽ hành động hoàn toàn khác với người tiền nhiệm. Ảnh: Telegraph. |
Lập vùng cấm bay và vùng an toàn
Mỹ có thể đề xuất thiết lập vùng cấm bay đối với không quân Syria, nhưng điều này còn tùy thuộc phần lớn vào sự hợp tác của Nga. Bởi không quân Nga hiện cũng đang bay rất nhiều ở bầu trời Syria với cùng loại máy bay. Do vậy việc xác định ai đang ở trên không là điều rất khó ngay cả với hệ thống radar hiện đại.
Một vùng cấm bay có nghĩa là ngay cả Nga cũng phải chấp thuận kiềm chế hoạt động. Hoặc Mỹ sẽ nhận ra nó rất khó thực thi trừ phi họ sẵn sàng bắn hạ máy bay Nga, một điều bất khả thi.
Một kế hoạch khác là Mỹ có thể tuyên bố và thiết lập vùng an toàn. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi tháng 3 từng khẳng định Washington ủng hộ ý tưởng lập ra "vùng ổn định tạm thời" dành cho người tị nạn Syria, nhưng ông không nêu cụ thể hơn.
Trước đây, chính quyền Obama lưỡng lự trong việc lập "vùng an toàn" do các yêu cầu quân sự đi kèm để bảo vệ các khu vực đó tránh khỏi quân đội Syria hoặc có thể là cả quân đội Nga. Trong khi biện pháp này vừa không có hiệu quả phủ đầu mạnh tay mà lại tốn kém và khó thực hiện.
Vào tuần tới, Ngoại trưởng Tillerson sẽ gặp người đồng cấp Nga để thảo luận chi tiết về tình hình Syria.
Câu hỏi lớn nhất của chính quyền Trump lúc này là điện Kremlin của ông Putin sẽ phản ứng thế nào sau vụ tấn công. Ảnh: The Hill. |
Cử lực lượng mặt đất?
Hồi tháng trước, một quan chức Mỹ cho biết các lực lượng của nước này bao gồm đặc nhiệm và lính thủy đánh bộ đã có mặt ở Syria. Họ hỗ trợ các chiến binh địa phương tấn công vào Raqqa, thành trì của phiến quân IS ở bắc Syria.
Tuy nhiên, một khả năng phát động quân sự mặt đất quy mô lớn là điều khó xảy ra do bài học từ cuộc chiến Iraq năm 2003. Chính quyền Trump sẽ nhanh chóng nhận ra chiến dịch sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng sa lầy không bao giờ kết thúc, chưa kể khả năng lính Mỹ có thể xâm phạm vào nơi quân đội Nga đang đóng.
Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, từng khẳng định: "Mỹ hiển nhiên không muốn bị lôi vào một cuộc chiến trên bộ lâu dài khác. Chúng ta còn nhiều cách để gửi tín hiệu đến chính quyền Assad".