Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Mỹ không thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên?

Hiệu ứng từ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không chỉ giúp củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ trong nước mà còn lan rộng ra thế giới với việc Mỹ sẽ không thể xem thường khả năng quân sự của đối thủ.

Vì sao Mỹ không thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên?

Hiệu ứng từ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không chỉ giúp củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ trong nước mà còn lan rộng ra thế giới với việc Mỹ sẽ không thể xem thường khả năng quân sự của đối thủ.

Tên lửa  Unha-3 của Triều Tiên được phóng từ bệ phóng được đặt ở làng Tongchang-ri, miền Tây nước này hôm 12/12. Bức ảnh được hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA tiết lộ.

Sứ mệnh tháng 12 thành công của Triều Tiên đã đánh dấu khoảng thời gian ngắn nhất chưa từng có giữa hai lần thử tên lửa tầm xa của nước này. Bốn cuộc thử nghiệm trước đây xảy ra vào các năm 1990, 2006, 2009 và tháng 4/2012. Điều đó không chỉ chứng tỏ lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nóng lòng muốn củng cố quyền lực trong nước mà còn cho thấy, Bình Nhưỡng thực sự nghiêm túc về việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa chứ không phải chỉ đơn giản lợi dụng các vụ phóng tên lửa để đạt được các nhượng bộ viện trợ từ cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, với sự thành công của sứ mệnh tháng 12, các nhà khoa học Triều Tiên có thể chứng tỏ, họ có khả năng tìm ra và khắc phục các sai sót phức tạp về mặt kỹ thuật của tên lửa và do đó, việc đánh giá thấp họ là hoàn toàn sai lầm. Sau vụ phóng tên lửa, không có gì phải bàn cãi khi quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở trong nước cũng như thanh thế của Bình Nhưỡng ở nước ngoài đã tăng lên mạnh mẽ.

Các nhà khoa học Triều Tiên theo dõi vụ phóng tên lửa hôm 12/12 thông qua màn hình giám sát tại Trung tâm giám sát vệ tinh ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Bức ảnh được KCNA tiết lộ cùng ngày.

Trong khi đó, việc Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo mà nhiều người cáo buộc là vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng đồng nghĩa với sự thất bại của chính sách Triều Tiên của Mỹ trong hai thập kỷ qua. 

Nhiều người cho rằng, Tổng thống Obama đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi hồi tháng 4, ông không cảnh báo bắn hạ tên lửa của Triều Tiên mà chỉ lên án và cáo buộc, sứ mệnh tháng 4 của Bình Nhưỡng là hành vi khiêu khích cao độ nhằm ngăn chặn nước này theo đuổi vụ phóng tên lửa thứ 2. 

Chưa hết, khi Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa hồi tháng 4 và kể cả tháng 12, Tổng thống Mỹ cũng chỉ sử dụng các biện pháp răn đe cũ, chưa bao giờ đủ để buộc Triều Tiên hủy bỏ các sứ mệnh tranh cãi của họ. Giờ đây, sau vụ phóng tên lửa thành công, Triều Tiên đã chứng tỏ, họ đang tiến dần hơn đến khả năng đánh vào lục địa Mỹ.

Chính quyền Obama bắt đầu lâm vào tình cảnh bế tắc tương tự như các chính quyền tiền nhiệm Bush và Clinton khi các chính sách Triều Tiên đã không phát huy hiệu quả để ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của nước này. Nói cách khác, các biện pháp trừng phạt hiện nay của Washington rõ ràng đã thất bại để ngăn Triều Tiên tiếp cận các công nghệ tên lửa, hạt nhân.

Chính quyền Obama đang lâm vào tình trạng bế tắc tương tự các chính quyền tiền nhiệm Bush và Clinton để đối phó với chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Trong ảnh, Tổng thống Obama đứng giữa, cựu Tổng thống Bush đứng bên phải và cựu Tổng thống Bill Clinton ở bên trái.

"Có một xu hướng ngầm đang diễn ra ở Mỹ đó là thái độ xem thường các vụ phóng tên lửa đến từ các quốc gia được xem là có nền công nghệ và kỹ thuật lạc hậu. Nhiều người đang đặt câu hỏi rằng, liệu Washington có thể tìm ra cách tiếp cận mới để ngăn chặn mối đe dọa đến từ Triều Tiên hay vẫn sẽ ngồi yên đợi nước này trở thành mối đe dọa hạt nhân thực sự cho lục địa Mỹ?", ông Victor Cha, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế bình luận sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo.

Trên thực tế, từ năm 2006, nhiều báo cáo được gửi đến chính quyền Bush cánh báo, Triều Tiên đã trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân và nay, sau tất cả, Washington đang đối mặt với nhiều áp lực để tìm ra các phương pháp mới hiệu quả để đối phó với chương trình tên lửa, hạt nhân Triều Tiên khi chiến lược trừng phạt đã thất bại.

"Bình Nhưỡng đã đạt được bước tiến vượt trội trong công nghệ tên lửa, hạt nhân. Do đó, nếu cứ tiếp tục áp dụng các biện pháp tiếp cận cũ, không hiệu quả để đối phó với Triều Tiên sẽ là chiến lược không khôn ngoan và thiếu thực tế", ông Daryl Kimball, thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nhấn mạnh.

Tuy nhiên, về phía chính quyền Obama, cũng như chính quyền Bush, vẫn duy trì chính sách Triều Tiên dựa trên sự kêu gọi hợp tác từ Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng. Về mặt lý thuyết, Washington cho rằng, Bắc Kinh cũng như họ, không mong muốn Triều Tiên sở hữu các tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân nguy hiểm. Do đó, Bắc Kinh sẽ hợp tác với họ để ngăn chặn Bình Nhưỡng.

Năm 2003, Washington từng khởi động các cuộc đàm phán 6 bên với kỳ vọng đặt dấu chấm hết cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Lúc đó, cựu Tổng thống Bush lạc quan tuyên bố, Bắc Kinh đã đồng ý tham gia đàm phán. Cuối năm đó, Bush phấn khởi chào đón Thủ tướng của Trung Quốc tới thăm Nhà Trắng và nhấn mạnh Washington và Bắc Kinh là "đối tác đối ngoại".

Nhưng trái với kỳ vọng của Mỹ, Trung Quốc không hề gây áp lực hoặc gây sức ép không đáng kể đối với chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.

Năm 2006, sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh từng ngừng viện trợ nhiên liệu cho đồng minh ruột. Động thái này của Bắc Kinh chắc chắn "làm khó" Bình Nhưỡng khi 90% dầu của nước này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ngừng viện trợ nhiên liệu cho Bình Nhưỡng trên thực tế chỉ là chiêu Bắc Kinh dùng để nhắc nhở đồng minh ruột về vị trí và ảnh hưởng của họ trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, động thái này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi và chưa từng lặp lại lần thứ 2.

Ngoài ra, dù Trung Quốc có thể chấp nhận để Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên nhưng đó chỉ là về mặt hình thức giấy tờ. Trên thực tế, Trung Quốc luôn có cách để phá vỡ các quy định và không ngừng viện trợ cho đồng minh ruột.

Nay, sau khi Triều Tiên hoàn thành sứ mệnh tháng 12, giới chức Mỹ vẫn tuyên bố, họ đang ra sức tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ hơn của Trung Quốc để áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn sau khi đất nước bị cô lập nhất thế giới quyết phóng tên lửa bất chấp dư luận quốc tế. Theo đó, các biện pháp trừng phạt mở rộng và cứng rắn hơn có thể bao gồm cấm du lịch và đóng băng tài sản cá nhân của giới chức Triều Tiên, thắt chặt sự kiểm duyệt hàng hóa của nước này.

"Điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là chúng ta phải có một cuộc thảo luận song phương nghiêm túc với Trung Quốc", Nghị sĩ Cộng hòa Mike Rogers, người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ tuyên bố.

Về phía Trung Quốc, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, hòa vào giai điệu chung của cộng đồng thế giới, họ cũng lên tiếng lên án và chỉ trích đồng minh. Nhưng Trung Quốc chỉ đơn giản bày tỏ sự hối tiếc rằng vụ phóng đã xảy ra và kêu gọi các bên "bình tĩnh". Đồng thời, họ cũng không quên nhấn mạnh: "Triều Tiên có quyền để phát triển chương trình không gian hòa bình bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".

Từ đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, bất chấp các nỗ lực của Mỹ, sẽ không có gì thay đổi trong quan điểm của Trung Quốc đối với Triều Tiên sau sứ mệnh tháng 12. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ không giúp Mỹ ngăn chặn đồng minh ruột.

"Tôi không cho rằng, Bắc Kinh sẽ ủng hộ hay hợp tác với bất cứ nỗ lực nào nhằm tăng cường và siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vì quan ngại điều đó sẽ gây ra bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc chắc chắn sẽ không có hành động rõ ràng và kiên quyết", Cai Jian, một chuyên gia về Triều Tiên của ĐH Fudan ở Thượng Hải cho biết.

"Trung Quốc sẽ không làm gì vào lúc này bởi dù họ phản đối các động thái khiêu khích của Triều Tiên nhưng điều mà họ quan tâm hơn hết là sự ổn định của chế độ Bình Nhưỡng. Bắc Kinh xem Triều Tiên hiện nay là đối trọng chiến lược đối với Hàn Quốc và Mỹ. Do đó, họ muốn duy trì chế độ Bình Nhưỡng hiện tại", ông Cai tiếp tục bình luận.

Còn nhà phân tích Daniel Pinkton của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế ở Seoul nhấn mạnh, Bắc Kinh cũng quan ngại, các biện pháp trừng phạt cứng rắn, mở rộng của Liên Hiệp Quốc đe dọa sự tồn vong của chế độ Bình Nhưỡng, sẽ làm phức tạp tình hình an ninh khu vực.

"Triều Tiên có thể thực hiện các động thái còn khiêu khích hơn thế nữa. Bình Nhưỡng từng không ngại khởi động các cuộc pháo kích dọc khắp biên giới của họ với Hàn Quốc, đánh chìm tàu hải quân Cheonan, thử nghiệm vũ khí hạt nhân và triển khai tên lửa sát sườn láng giềng. Có rất nhiều kịch bản họ có thể làm để thể hiện thái độ không bằng lòng đối với bất cứ biện pháp cứng rắn nào của Liên Hiệp Quốc", ông Daniel nhấn mạnh.

Cuối cùng, các chuyên gia đồng tình, lúc này, rõ ràng Washington có rất ít lựa chọn để gây sức ép với Bình Nhưỡng hòng buộc nước này chấm dứt chương trình hạt nhân khi các cuộc đàm phán 6 bên để thảo luận về vấn đề giải trừ quân bị trên bán đảo Triều Tiên cách đây 4 năm bị đình trệ trong bế tắc còn các biện pháp trừng phạt dù có mạnh mẽ đến mấy cũng không thể lay chuyển ý chí theo đuổi công nghệ tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng khi họ vẫn có Trung Quốc đứng sau ủng hộ.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm