'Mỹ không thể xem thường tên lửa của Triều Tiên'
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là bằng chứng cho thấy khả năng tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt bước tiến triển mới. Điều này khiến chương trình hạt nhân của Triều Tiên thêm nguy hiểm và trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.
Mặc dù quốc gia bị cô lập này còn phải xử lý thách thức rất lớn về mặt kỹ thuật thì mới có thể gắn được đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa, song sự kiện ngày 12/12 đánh dấu một nấc thang quan trọng trong khả năng quân sự chiến lược tiềm tàng của Triều Tiên.
James Schoff, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nói: "Vụ phóng tên lửa này chắc chắn sẽ làm tăng sức mạnh của lời nói 'chúng tôi có tên lửa có thể tấn công nước Mỹ'. Sau một vụ phóng tên lửa thành công như vậy thì người ta khó có thể phủ định câu nói này".
Hồi tháng 10, Triều Tiên từng tuyên bố có trong tay tên lửa có thể tấn công vào đất liền của nước Mỹ. Khi đó, dư luận cho rằng đây chỉ là một tuyên bố khoác lác. Masao Okonogi, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên của Đại học Keio, nhất trí cho rằng vụ phóng tên lửa sẽ nâng Triều Tiên lên gần hơn vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Washington.
Okonogi nói: "Đưa được vệ tinh lên quỹ đạo đồng nghĩa với việc có công nghệ để đưa đầu đạn tới một khu vực đã được nhắm mục tiêu. Giờ đây, Triều Tiên không chỉ trở thành mối đe dọa đối với các quốc gia láng giềng mà còn là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là vệ tinh đó có được đặt đúng vào nơi đã định trên quỹ đạo hay bị chệch mục tiêu".
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết họ cần thời gian để nghiên cứu một cách đầy đủ vụ phóng tên lửa ngày 12/12. Ngay cả khi Triều Tiên đạt được mục tiêu mà họ công bố là đưa được vệ tinh lên quỹ đạo, thì một số nhà phân tích cũng thận trọng cho rằng không nên phóng đại những khả năng quân sự mới của nước này. Việc thu nhỏ một vũ khí hạt nhân để đưa vào một đầu đạn mà đầu đạn đó lại phải vừa với một tên lửa đạn đạo là một thách thức rất lớn về mặt kỹ thuật, đó là còn chưa kể liệu tên lửa đó có thể vận chuyển chính xác đầu đạn được hay không.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một ẩn số, song kho plutonium hiện có của quốc gia này được ước tính là đủ để sản xuất 6 - 8 quả bom nguyên tử. Ham Hyeong-Pil, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên sẽ nhanh chóng tìm cách cải thiện độ chính xác của loại tên lửa vừa phóng và hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn. Ham nói: "Cá nhân tôi cho rằng chẳng bao lâu nữa Triều Tiên sẽ làm chủ hai công nghệ nói trên, một khi họ khắc phục được một số lỗi kỹ thuật và tiến hành thêm 2 - 3 vụ phóng nữa. Tình hình thực sự đáng ngại. Tôi cho rằng Mỹ không thể không xem đây là một mối đe dọa hữu hình thực sự".
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án
Ngày 12/12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn cấp về vụ phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh của Triều Tiên, hành động mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã chỉ trích là "khiêu khích" và vi phạm các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo. Sau cuộc họp kín, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vì cho rằng vụ phóng này vi phạm rõ ràng các nghị quyết số 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn về phản ứng đối với hành động của Triều Tiên và sẽ kiên quyết hành động nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ phóng mới.
Năm 2006 và 2009, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua các nghị quyết cấm Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần này thông qua một nghị quyết mới lên án Triều Tiên và mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc thông qua một nghị quyết như vậy phụ thuộc rất nhiều vào hai nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết là Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ tiếp tục phát triển chương trình nghiên cứu không gian, khẳng định đây là quyền hợp pháp của Triều Tiên phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Vietnamplus