Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tên lửa Triều Tiên đưa thành công vệ tinh vào quỹ đạo

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Triều Tiên khẳng định, tên lửa tầm xa thứ 2 được phóng đi trong năm nay của Bình Nhưỡng đã đưa vệ tinh tự chế tạo vào đúng quỹ đạo đã định.

Tên lửa Triều Tiên đưa thành công vệ tinh vào quỹ đạo

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Triều Tiên khẳng định, tên lửa tầm xa thứ 2 được phóng đi trong năm nay của Bình Nhưỡng đã đưa vệ tinh tự chế tạo vào đúng quỹ đạo đã định.

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này xác nhận, tên lửa Triều Tiên vừa rời bệ phóng rạng sáng nay. Giống với lần phóng tên lửa hồi tháng 4, Bình Nhưỡng khẳng định lần triển khai tên lửa này hoàn toàn phục vụ mục đích hòa bình, nhằm đưa vệ tinh do nước này tự nghiên cứu chế tạo vào không gian.

 
Vụ phóng tên lửa năm 2009 của Triều Tiên.

Tên lửa của Bình Nhưỡng rời bệ phóng lúc 9h49' tương đương 7h49' giờ Việt Nam. Các nguồn tin quốc phòng xác nhận, tầng thứ nhất của tên lửa đẩy hoàn thành nhiệm vụ và rơi xuống ngoài khơi đảo Okinawa của Nhật Bản trong khi phần thứ 2 rơi xuống ngoài khơi Philippines đúng theo kế hoạch.

Hiện tại, Bình Nhưỡng cũng chưa đưa ra bất kể thông tin nào về vụ phóng tên lửa vừa qua. Trong khi đó, một cuộc họp an ninh khẩn cấp đã được người phát ngôn văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo với báo giới chỉ 30 phút sau khi tên lửa Bình Nhưỡng rời bệ phóng.

 Sơ đồ bay của tên lửa Triều Tiên.

Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh lần thứ 2 trong năm nhân dịp kỷ niệm một năm ngày mất của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Hơn một lần, các nhà chức trách Triều Tiên khẳng định, vụ phóng vệ tinh của họ hoàn toàn phục vụ mục đích hòa bình, nhằm đưa vệ tinh vào không gian để phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, tuyên bố đó không thể làm “yên lòng” giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh sắp sửa diễn ra bầu cử Tổng thống Hàn Quốc và tổng tuyển cử tại Nhật Bản. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho rằng, vụ phóng vệ tinh là động thái thử tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trá hình mà Bình Nhưỡng đang tiến hành. 

Do đó, ngay khi Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa thành công, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và nhiều nước khác đồng loạt lên án và chỉ trích gay gắt động thái của Triều Tiên vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời các nước này tuyên bố sẽ cùng thảo luận biện pháp đối phó.

Cụ thể, Hàn Quốc mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đe dọa đến sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như hòa bình của thế giới. Tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc vừa triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn hàng đầu và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhanh chóng mở cuộc thảo luận về sự kiện trên.

“Vụ phóng rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bản an Liên Hiệp Quốc… và đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới. Dù Chính phủ chúng tôi cùng cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án, Triều Tiên đã bất chấp những cảnh báo và yêu cầu hủy vụ phóng, để tiến hành những hành động khiêu khích. Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc này”, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-hwan tuyên bố.

Tại Tokyo, Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố, hành động phóng tên lửa bất chấp sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế của Triều Tiên là đáng tiếc và không thể chấp nhận được. Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc, Tsuneo Nishida, cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an nhóm họp ngay lập tức để thảo luận với sự kiện trên.

Về phía Mỹ, tương tự như hai đồng minh ruột trong khu vực, Nhà Trắng mạnh mẽ cáo buộc vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vi phạm nghiêm trọng nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an, đồng thời góp phần làm trầm trọng thêm an ninh khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, cũng lên án vụ phóng tên lửa. "Bình Nhưỡng nên tuân thủ các nghị quyết có liên quan của Liên Hiệp Quốc, trong đó yêu cầu Triều Tiên không tiến hành bất cứ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và dừng tất cả các hoạt động liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo", hãng tin Xinhua cho hay.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không quên nhắc nhở các bên liên quan “cần tỉnh táo và kiềm chế để tránh làm ngọn lửa bùng lên khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát”. Đồng thời, Trung Quốc vẫn cho rằng, Triều Tiên "có quyền khám phá không gian một cách hòa bình".

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng ngay lập tức lên án hành động của Triều Tiên khi cho rằng, đó là một điều đáng tiếc vì Triều Tiên đã thách thức cả lời kêu gọi thống nhất và mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.  

Ngoài ra, Philippines, Australia, Anh và nhiều nước khác cũng mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.  

Điểm lại những lần phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên


31/8/1998: Bình Nhưỡng lần đầu triển khai tên lửa đạn đạo tầm xa, được biết đến với cái tên Taepodong-1 (Unha-1) tại bãi phóng Musudan-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong.
4/7/2006: Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm xa Taepodong-2 cũng tại bãi phóng Musudan-ri.
5/4/2009: Triều Tiên phóng tên lửa Unha-2 tại Musudan-ri trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-il và con trai Kim Jong-un, đương kim lãnh đạo Triều Tiên.
13/4/2012: Tên lửa Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 được phóng đi từ bãi phóng Dongchang-ri ở phía bắc tỉnh Pyongan.
12/12/2012: Triều Tiên phóng tên lửa Unha-3 mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 lần thứ 2 trong một năm, đưa thành công vệ tinh vào quỹ đạo.

 

Phương Đăng - Hồng Duy

Theo Infonet

Phương Đăng - Hồng Duy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm