Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên thay tầng tên lửa, tiếp tục phóng theo kế hoạch

Triều Tiên đang di chuyển một thành phần tên lửa mới tới bãi phóng để thay thế cho một tầng tên lửa bị lỗi trong nỗ lực hoàn tất vụ phóng trong tháng này, hãng tin Reuters trích nguồn báo Hàn Quốc cho hay.

Triều Tiên thay tầng tên lửa, tiếp tục phóng theo kế hoạch

Triều Tiên đang di chuyển một thành phần tên lửa mới tới bãi phóng để thay thế cho một tầng tên lửa bị lỗi trong nỗ lực hoàn tất vụ phóng trong tháng này, hãng tin Reuters trích nguồn báo Hàn Quốc cho hay.

Một người lính Triều Tiên đứng canh trước tên lửa tại bãi phóng ở miền Tây đất nước. Ảnh chụp hồi tháng 4/2012.

Cuối tuần qua, truyền thông Triều Tiên thông báo, vụ phóng tên lửa có thể bị trì hoãn mà không tiết lộ lý do. Nhiều nhà quan sát cho rằng, khả năng tuyết rơi nặng hạt chính là nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng buộc phải hoãn việc phóng tên lửa.

Tuy nhiên, vệ tinh vừa chụp được hình ảnh một xe rờ-moóc đang chở tầng thứ 3 của một tên lửa từ một nhà máy ở Bình Nhưỡng tới bãi phóng Tongchang-ri, báo Hàn Quốc Chosun Ilbo dẫn một nguồn tin Chính phủ cho biết.

“Từ các hình ảnh vệ tinh, có thể xác định Triều Tiên trì hoãn vụ phóng tên lửa là vì tầng thứ 3 của tên lửa gặp một số vấn đề trục trặc. Tuy nhiên, việc Triều Tiên đang điều một tầng thứ 3 khác của tên lửa tới bãi phóng dẫn đến nhiều khả năng nước này có thể vẫn phóng tên lửa vào trước ngày 22/12 như đã thông báo”, tờ báo dẫn nguồn tin Chính phủ cho biết.

Trong khi đó, các quan chức tình báo và quân sự của Hàn Quốc từ chối xác nhận thông tin trên với lý do, họ không được phép bình luận hay tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến tin tình báo.

Ngoài ra, về phía Triều Tiên, cũng rất khó để xác minh bất cứ sự kiện nào ở bên trong nước này. Bình Nhưỡng nổi tiếng là một đất nước khép kín bậc nhất thế giới nhằm kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến quân đội và giới lãnh đạo chính phủ.

Triều Tiên được tin là đang phát triển một tên lửa liên lục địa có tầm bắn tới 6.700 km, hoàn toàn có khả năng tấn công vào nước Mỹ. Đây được xem là động thái khôn ngoan của Bình Nhưỡng để tăng lợi thế ngoại giao trên các bàn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.

Cuối tháng trước, Triều Tiên thông báo phóng tên lửa tầm xa để đưa một vệ tinh quan sát trái đất vào không gian trong giai đoạn từ 10/12 đến 22/12 tại một bãi phóng ở miền Tây xa xôi của đất nước gần biên giới với Trung Quốc. Sứ mệnh tháng 12 được thông báo là nhằm kỷ niệm một năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-il, cũng như một năm ngày nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền “chèo lái” Triều Tiên.

Tuy nhiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và đồng minh của họ đều kịch liệt lên án động thái này của Triều Tiên cùng với cáo buộc, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên rõ ràng là vụ thử vũ khí hạt nhân trá hình, vi phạm một lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, sứ mệnh tháng 12 của Bình Nhưỡng cũng được cho là nhằm gây áp lực cho cuộc bầu cử tại Hàn Quốc và Nhật Bản dự kiến diễn ra trong tháng này.

Trước đó, Triều Tiên cũng thông báo phóng vệ tinh để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nhưng thất bại.

Triều Tiên bị cấm thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan đến tên lửa, hạt nhân bởi các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sau khi nước này bất chấp dư luận, tiến hành thử tên lửa hạt nhân vào năm 2006 và 2009.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng khăng khăng họ có quyền phát triển chương trình không gian cũng như chương trình hạt nhân vì mục đích y học và hòa bình.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm