“Từ năm 1958 đến nay, nhiệt độ cả nước tăng cao hơn 0,89 độ C và nhiều năm gần đây, mùa đông ở miền Bắc ngày càng ấm lên”, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết.
Nhận định của ông Hưởng được thể hiện rõ qua cảm giác mà người dân đang trải qua. Dù đã bước sang tháng thứ 2 của thời kỳ chính đông, miền Bắc vẫn ghi nhận nhiều ngày có nhiệt độ cao, một số thời điểm oi nóng như mùa hè.
Theo số liệu thống kê nhiệt độ từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11, Hà Nội chỉ ghi nhận hai ngày có nhiệt độ xuống thấp dưới 20 độ C là các ngày 20/10 và 25/11.
Những ngày còn lại, khu vực duy trì nền nhiệt cao ngay cả về đêm và sáng sớm khi nhiệt độ thường xuyên trong ngưỡng 25-30 độ C. Riêng ngày 23/10, nhiệt độ cao nhất lên tới 34 độ C, gần chạm ngưỡng nắng nóng.
Các đợt không khí lạnh tác động tới thời tiết miền Bắc cũng rất ít. Trong đó, chỉ có hai đợt lạnh rõ rệt được cảnh báo, còn lại chủ yếu là thời tiết ảnh hưởng bởi hoạt động của áp cao cận nhiệt đới.
Dù đã ở cuối tháng 11, miền Bắc vẫn có nhiều ngày oi nóng khi nhiệt độ cao nhất dao động ngưỡng 28-30 độ C. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhìn lại số liệu trong quá khứ, chuyên gia cho rằng xu hướng mùa đông ấm lên ở miền Bắc được nhìn thấy rõ nhất trong giai đoạn 2018-2020.
Đây là thời kỳ được nhận định có mùa đông ấm nhất trong vòng 44 năm trở lại đây. Trước đó, năm 2016 được xem là năm ấm nhất khi nền nhiệt mùa đông cao hơn 2,5 độ C so với trung bình.
Theo thống kê của cơ quan khí tượng, số đợt không khí lạnh tràn xuống cũng ngày càng giảm trong vòng 60 năm qua. Trong 10 năm (2012-2022), hình thái này giảm từ 29-30 đợt xuống còn khoảng 25 đợt tác động đến thời tiết miền Bắc.
Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi hoạt động của khối không khí lạnh đến từ Siberia.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán, đến khoảng giữa thế kỷ này (năm 2050), nhiệt độ trung bình mùa đông có xu hướng tăng 1,2-1,6 độ C. Đến cuối thế kỷ, mức tăng này sẽ đạt 1,6-2,2 độ C.
Đi cùng nguy cơ nền nhiệt tăng nhanh, số ngày rét đậm, rét hại sẽ giảm 5-15 ngày tại Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong khi miền núi phía Bắc có thể giảm 25-30 ngày. Thời gian có nắng nóng và nắng nóng gay gắt tăng 10-30 ngày ở các khu vực trên.
Như vậy, miền Bắc có thể trải qua những mùa đông có rất ít ngày rét đậm sau năm 2050. Trong khi đó, chuyên gia cảnh báo nguy cơ gia tăng những hiện tượng cực đoan như rét hại diện rộng hay mưa tuyết kỷ lục.
“Kể cả khi ngay bây giờ, chúng ta giảm tất cả loại phát thải thì nhiệt độ vẫn có thể tăng lên khoảng 1 độ C vào giữa thế kỷ. Mùa đông cũng có xu hướng ngày càng ấm lên, ít ngày rét đậm, rét hại nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các hiện tượng cực đoan, mang tính kỷ lục như mưa tuyết”, theo ông Hưởng.
Kịch bản Bộ TN&MT đưa ra cũng cho thấy biến đổi khí hậu khả năng làm thay đổi tần suất, cường độ, quy luật hoạt động của các hiện tượng khí hậu cực đoan từ nay đến năm 2100.
Cụ thể, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ít biến đổi nhưng sẽ tập trung vào cuối mùa. Đây cũng là thời kỳ bão hoạt động chủ yếu ở phía nam, bão mạnh và rất mạnh có xu thế gia tăng.
Nhận định xu hướng chung của mùa đông năm nay, chuyên gia cho biết miền Bắc sẽ có nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5-1 độ C so với cùng kỳ, trong khi số đợt rét đậm, rét hại ở mức tương đương các năm.
Trước mắt, người dân nhiều khả năng trải qua đợt rét đậm, rét hại vào đầu tháng 12. Hiện tượng này sau đó được dự báo tập trung nhiều vào nửa cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2023.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.
How to Avoid a Climate Disaster - Bill Gates. Tỷ phú công nghệ đưa ra góc nhìn của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cả hướng đi rõ ràng, thiết thực để giải quyết chúng trong tương lai.