Bốn năm trước, những thất bại nặng nề của HLV Miura trước Thái Lan phản ánh hạn chế của bóng đá Việt Nam so với đối thủ cùng khu vực. Bốn năm sau, chiến thắng của ông Park ở vòng loại U23 châu Á và King’s Cup là bằng chứng cho thấy các giới hạn xưa đã bị vượt qua.
Từ thất bại của Miura tới chiến công của Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã đi một chặng đường dài.
Bối cảnh lịch sử bóng đá Việt Nam 2015 không mang tới điều kiện cần cho HLV Miura đánh bại Thái Lan. Đồ họa: Minh Phúc. |
Bối cảnh trái ngược
Trước Thái Lan, thắng bại của tuyển Việt Nam chưa từng là chuyện riêng của HLV Toshiya Miura hay Park Hang-seo. Nó liên quan tới bối cảnh cụ thể của bóng đá Việt trong từng thời kỳ.
Khi đôi bên gặp nhau hồi năm 2015, bóng đá Thái Lan vừa giành HCV SEA Games 2013, vô địch AFF Cup 2014. Dưới sự dẫn dắt của Kiatisak Senamuang, Thái Lan đang bước vào thời kỳ hoàng kim với đỉnh cao là thành tích bán kết Asian Games 2014. Ở chiều ngược lại, bóng đá Việt Nam vừa gượng dậy tại AFF Cup 2014 sau các thất bại ở AFF Cup 2012 và SEA Games 2013.
Trước trận gặp Iraq tại vòng loại World Cup hồi 2015, đội trưởng Lê Công Vinh thừa nhận: “Việt Nam phải biết mình là ai trước Iraq”.
Khi đội trưởng tuyển Việt Nam nói vậy, ai cũng hiểu thắng Iraq đã trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Thực tế chứng minh điều đó khi Việt Nam của Toshiya Miura chỉ có thể cầm hòa đối thủ dù đã dẫn trước tại Mỹ Đình.
4 năm sau, ông Park tới Việt Nam trong một bối cảnh khác hẳn. Khi ông nhậm chức, bóng đá Việt Nam đã trải qua 4 lần liên tiếp có mặt ở bán kết AFF Cup và SEA Games, còn U20 Việt Nam vừa dự World Cup, điều mà Thái Lan chưa từng làm được. Khác với năm 2015, bối cảnh bóng đá Việt Nam năm 2017 mang tới cho ông Park Hang-seo nền tảng tốt hơn hẳn ở mọi cấp độ.
Khi ông Miura đấu Thái Lan năm 2015, Quang Hải thậm chí còn chưa được lên V.League. |
"Thế hệ vàng" là sự khác biệt
Khi HLV Miura tiếp quản tuyển Việt Nam, Thái Lan vừa trình làng “thế hệ vàng” của Chanathip Songkrasin. Bên cạnh “Messi Thái”, Tristan Do, Sarach Yooyen, Tanaboon Kesarat đều là những nhân tố được Kiatisak phát hiện và đưa tới đỉnh cao.
Kết hợp với các cựu binh như Teerasil Dangda, Kawin Thamsatchanan và Theerathon Bunmathan, người Thái có một bộ khung hùng mạnh, pha trộn giữa các tài năng trẻ và những đàn anh gạo cội, được kết dính và dẫn dắt bởi huyền thoại số một trong lịch sử đội tuyển.
Bên kia chiến tuyến, Công Phượng mới lên tuyển lần đầu khi Việt Nam hành quân tới Bangkok, lứa U19 của Nguyễn Quang Hải chưa thành hình, Đoàn Văn Hậu còn đang ở tuyến trẻ CLB Hà Nội. Ông Miura phải dựa vào vài nhân tố còn sót lại từ thời 2008 và lấy nòng cốt là lứa 1990-1991 của Văn Quyết, vốn được xem là lứa cầu thủ thất bại của bóng đá Việt Nam.
4 năm sau, những gì ông Park có đủ khiến nhiều HLV phải ghen tị.
Thời điểm tôi và ông Park tới Việt Nam rất may mắn bởi đất nước này đang có nhiều cầu thủ xuất sắc.
HLV Chung Hae-seong
Năm 2017, những cầu thủ sau này sẽ là “Thế hệ vàng thứ ba” của bóng đá Việt Nam đều đã có 2-3 mùa bóng ở V.League. Trẻ như Văn Hậu cũng đã có mùa giải đầu tiên.
Họ có đủ kinh nghiệm cả ở cấp độ CLB và tuyển quốc gia. Nguyễn Công Phượng đã là ngôi sao ở đội U23, Lương Xuân Trường giành Quả bóng Bạc 2016 còn lứa U20 vừa được tôi luyện bởi HLV Hoàng Anh Tuấn.
Ông Park được kế thừa trọn vẹn hai lứa U19 hay nhất, với đầy đủ nhân sự ở mọi tuyến. Khi U23 Việt Nam gặp Uzbekistan trong trận chung kết U23 châu Á ở Thường Châu, Phạm Xuân Mạnh là cái tên mới duy nhất. Nhưng anh cũng chỉ được vào sân nhờ chấn thương bất ngờ của Đoàn Văn Hậu ở cuối vòng bảng. 10 vị trí còn lại đều được kế thừa từ các HLV tiền nhiệm.
Nói thế để thấy, lợi thế của HLV Park Hang-seo so với ông Miura lớn hơn rất nhiều ngay từ vạch xuất phát. HLV trưởng CLB TP.HCM Chung Hae-seong thừa nhận: “Thời điểm tôi và ông Park tới Việt Nam cũng rất may mắn bởi đất nước này đang có nhiều cầu thủ xuất sắc”.
Thành tích của HLV Toshiya Miura và Park Hang-seo trước Thái Lan. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tài năng Park Hang-seo
Đương nhiên, những nhân tố khách quan không thể là yếu tố quyết định thành công của HLV Park Hang-seo. Trước U23 châu Á chỉ vài tháng, cũng với lực lượng tương tự, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã thất bại đau đớn ở SEA Games 29. Nếu không có ông Park, lứa trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam khó lòng đạt tới thành công hiện tại.
Phát kiến lớn nhất dưới thời Park Hang-seo, điều khiến ông trở nên hoàn toàn khác biệt với những người tiền nhiệm, là sơ đồ 3-4-3 với ba trung vệ làm hạt nhân. Hệ thống này mô phỏng công thức chiến thắng của tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002, giải đấu mà Park Hang-seo làm trợ lý cho Guus Hiddnk.
Quyết định cho tuyển Việt Nam chơi 3 trung vệ thay vì 2 trung vệ như truyền thống từng khiến Park Hang-seo bị nghi ngờ rất nhiều. Bản thân U23 Việt Nam đã trải qua rất nhiều thử nghiệm, với cả những lần thất bại trước khi hoàn thiện hệ thống này tại U23 châu Á 2018. Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng hay Bùi Tiến Dũng đều từng mắc không ít sai lầm khi thích nghi với hệ thống mới.
Hàng loạt cầu thủ cũ cũng đã được Park Hang-seo sử dụng theo cách mới. Đình Trọng lần đầu được tin tưởng đá chính; Xuân Mạnh, Phan Văn Đức được tìm thấy từ “vô danh”; Đức Huy bất ngờ được bố trí tiền vệ phòng ngự; Duy Mạnh được kéo xuống đá trung vệ đều là những cách dùng người mới của riêng ông Park. Quyết định đưa Quang Hải sang cánh phải, nhô cao trong vai trò hộ công, đã mở đường cho sự ra đời một trong những cầu thủ Việt hay nhất lịch sử.
Phan Văn Đức bước từ bóng tối ra ánh sáng và trở thành ngôi sao dưới triều đại Park Hang-seo. |
Trong khi HLV Miura quá chú trọng tới thể hình, ông Park luôn dành đất cho những cầu thủ nhỏ khéo. Trong khi Hữu Thắng quá lạm dụng lối đá kỹ thuật, ông Park luôn tiết chế vừa đủ. Dưới thời Park Hang-seo, không có chuyện Lương Xuân Trường - Nguyễn Tuấn Anh đá cặp tiền vệ. Ông Park đã tìm thấy lời giải cho sự kết hợp giữa sức mạnh và kỹ thuật. Ở U23 châu Á, Đức Huy thành tấm lá chắn cho Xuân Trường. Trước Thái Lan tại King’s Cup, nghệ sĩ Tuấn Anh phải đá bên cạnh Đỗ Hùng Dũng.
Vai trò của đội ngũ trợ lý cũng tác động nhiều tới kết quả thi đấu. Khi tuyển Việt Nam gặp Thái Lan ở trận mở màn vòng loại World Cup hồi 2015, HLV Miura chỉ có duy nhất một trợ lý Nhật Bản trong ban huấn luyện là bác sĩ Shinichi Kubo. Ông Miura chưa từng được hỗ trợ bởi một trợ lý đồng hương mà chỉ có Ngô Quang Sang và Trần Công Minh.
4 năm sau, HLV Park Hang-seo luôn có “bộ não” Lee Young-jin ở bên cạnh. Càng về sau, nhân sự Hàn Quốc ở đội tuyển càng đông hơn. Trong thời kỳ cao điểm, tuyển Việt Nam có tới 4 chiến lược gia ở đẳng cấp HLV trưởng, gần chục người Hàn Quốc.
Họ không chỉ góp ý mà còn phản biện HLV Park. Họ không chỉ đóng góp chuyên môn mà còn giúp ông Park không bao giờ cô độc ở đội tuyển. Điều ông Park có là thứ HLV Miura chưa từng nhận được. Nhiều người chỉ trích Miura bảo thủ. Nhưng khi đó, ai có đủ chuyên môn để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng trên đôi vai của ông?
HLV Miura dường như luôn cô đơn trong suốt quãng thời gian ở Việt Nam. |
Khác biệt trong ứng xử
Trên thảm cỏ, ông Miura không có những đồng hương tin cẩn. Ngoài sân đấu, ông cũng không nhận được sự ủng hộ của dư luận Việt Nam.
Tháng 12/2014, bài phỏng vấn HLV Miura trên kênh JSport được lan truyền về Việt Nam với tốc độ chóng mặt. Cuộc phỏng vấn là những miêu tả của ông Miura về “một giải V.League kinh khủng”, “thói quen uống bia vào buổi trưa”, “người Việt đến cơ quan lúc 9h và về lúc 16h30”. Những điều đó không sai nhưng nó cho thấy độ chênh rất lớn trong tư duy giữa ông Miura và các cộng sự bản địa. Nó cũng khiến ông gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình làm việc với các cán bộ liên đoàn, những người rõ ràng đã trở nên cảnh giác hơn sau bài phỏng vấn lớn của ông.
Nhưng mâu thuẫn lớn nhất, điều khiến ông Miura gặp nhiều khó khăn nhất vẫn là sự phản đối từ bầu Đức, người khi đó đang là Phó chủ tịch VFF. Không thể đếm hết những lần bầu Đức trực tiếp chỉ trích Miura, người mà ông lẽ ra phải bảo vệ với tư cách lãnh đạo liên đoàn.
Những người hiểu chuyện biết rằng chỉ trích của bầu Đức xuất phát từ việc ông Miura ứng xử với nhóm cầu thủ HAGL. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Ngay khi ông Miura rời vị trí, Tuấn Anh, Xuân Trường từ chỗ chưa từng lên tuyển đã được gọi và cùng nhau đá chính ở trận gặp Đài Loan (Trung Quốc) hồi tháng 3/2016.
Ông Park đương nhiên không đi vào vết xe đổ của HLV Miura. Đích thân bầu Đức sang Hàn Quốc ký hợp đồng với ông. HLV Park cũng được bầu Đức hỗ trợ trả lương gần 2 năm. Đổi lại, ông Park luôn tỏ ra mình là người biết ứng xử linh hoạt. Sự ưu ái đặc biệt của ông với HAGL, những chuyến thăm phố núi sau mỗi giải đấu thành công cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa đôi bên.
Sự gắn bó mật thiết với bầu Đức là một trong các lý do giúp ông Park thành công. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Mối quan hệ tốt đẹp với bầu Đức giúp ông Park củng cố địa vị ở VFF. Quan trọng hơn, nó giúp ông ổn định hậu phương, giúp ông nhận được sự ủng hộ cực lớn từ người hâm mộ, vốn dành rất nhiều tình cảm cho bầu Đức và HAGL.
Bối cảnh bóng đá Việt Nam 2017 cũng ủng hộ ông Park. Giai đoạn ấy, VFF bắt đầu chuyển hướng hợp tác chiến lược từ Nhật Bản sang Hàn Quốc. Là HLV trưởng tuyển quốc gia, ông Park giống như người đại diện của bóng đá Hàn Quốc ở Việt Nam.
Chiều ngược lại, HLV Miura rõ ràng đã thiếu đi sự tinh tế và mềm mỏng trong ứng xử. Sở hữu tính cách Nhật Bản điển hình, được đào tạo trong môi trường kỷ luật của bóng đá Đức, ông Miura dường như chưa bao giờ thích nghi được với môi trường bóng đá Việt có nhiều đặc thù riêng.
Những hạn chế bên ngoài sân cỏ khiến thành tựu của HLV Miura ở Việt Nam bị đánh giá thấp hơn thực tế. Ông là người đầu tiên đưa tuyển Việt Nam trở lại bán kết AFF Cup sau 4 năm, giúp U23 Việt Nam giành huy chương SEA Games sau 6 năm, đưa U23 Việt Nam tới vòng chung kết U23 châu Á đầu tiên, giúp đội Olympic làm châu Á chấn động bằng chiến thắng Iran hồi năm 2014...
Dù vậy, điều kiện khách quan của bóng đá Việt Nam đã không cho phép Toshiya Miura đánh bại Thái Lan, nền bóng đá khi ấy đang ở đỉnh cao. Cột mốc lịch sử chỉ vẫy gọi Park Hang-seo sau đó 4 năm, khi mọi điều kiện cả chủ quan và khách quan đã hội tụ đủ.