Từ thịt viên, bánh ngọt đến súp và hải sản, Thụy Điển được biết đến với nền ẩm thực đa dạng và thịnh soạn. Đất nước này cũng nổi tiếng về chất lượng cuộc sống, khi đứng đầu về mức độ hạnh phúc, bình đẳng và sự gắn kết xã hội, theo Conversation.
Đó cũng có lẽ là lý do tin tức trên Reddit và Twitter về việc người Thụy Điển không mời những vị khách nhí dùng bữa tối đã gây xôn xao trên mạng xã hội.
Một tài khoản đã kể lại kỷ niệm khi đến nhà một người bạn chơi, cả gia đình người bạn đó đã ăn tối cùng nhau, trong khi anh được yêu cầu đợi ở phòng bên trong lúc họ dùng bữa.
Nguyên do phía sau
Một số người Thụy Điển ủng hộ những nhận định này, nói rằng những vị khách không báo trước thường không được tính đến trong kế hoạch chuẩn bị bữa ăn. Việc không mời những đứa trẻ này dùng bữa là "vì sự tôn trọng" đối với cha mẹ của chúng, do họ có thể đã chuẩn bị bữa tối, qua đó tránh lãng phí thức ăn.
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng cho rằng đây là “chuyện thường thấy” ở Thụy Điển. Chủ đề này đã được tranh luận dưới hashtag #Swedengate trên Twitter và làm dấy lên những cuộc thảo luận về lòng hiếu khách ở nước này.
“Tôi nhớ mình không thực sự quan tâm chút nào đến việc được mời ăn. Tôi chỉ tiếp tục chơi và có một khoảng thời gian yên tĩnh, vui vẻ trong khi gia đình khác ăn tối”, Linda Johannson - một người Thụy Điển - viết trên tờ Independent khi đề cập đến vấn đề này.
Thụy Điển được biết đến là một quốc gia yên bình và có nền ẩm thực phong phú. Ảnh: Financial Times. |
Việc ăn uống đã được đưa vào thực tiễn văn hóa. Đồ ăn và việc ăn uống có những ý nghĩa văn hóa, vốn áp đặt quy luật về những gì được ăn, khi nào, như thế nào và bởi ai. Các nhà nhân chủng học xã hội từ lâu đã nghiên cứu cách mọi người ăn uống và mối liên hệ của vấn đề này tới chuẩn mực văn hóa.
Vào những năm 1960, công trình nghiên cứu của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss về những người Brazil bản địa đã nêu bật thói quen văn hóa ăn sâu vào việc chuẩn bị thức ăn và cách những thực tiễn này có thể phản ánh hệ thống kiến thức của một nền văn hóa.
“Trong tất cả xã hội, chia sẻ thức ăn là một cách thiết lập sự gần gũi. Ngược lại, việc từ chối chia sẻ là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của khoảng cách”, nhà nhân chủng học nổi tiếng người Anh Maurice Bloch cho biết.
Điều này dễ dàng quan sát được trong cuộc sống khi con người thường thích đi ăn với bạn bè, thay vì người lạ.
Ý nghĩa của một lời mời dùng bữa
Cuộc tranh cãi #Swedengate chứng minh cách các chuẩn mực văn hóa điều chỉnh hành vi và tạo ra kỳ vọng. Ở Australia và dường như hầu hết quốc gia khác, theo Conversation, lời mời dùng bữa nên được đưa ra khi người khác hiện diện ở đó.
Tuy nhiên, Lévi-Strauss cho rằng việc ăn uống với người khác dựa trên cơ sở có đi có lại: Việc tiếp đãi khách sẽ được đền đáp bằng một lời mời dùng bữa khác.
Những người dùng Twitter cho rằng cũng không nên mời trẻ dùng bữa ở các nước Bắc Âu khác, khi thực hiện so sánh với các nước “hiếu khách” hơn ở châu Âu và châu Á.
Vấn đề này cũng được kết nối với văn hóa Viking Bắc Âu từ thời cổ đại và cách một bữa ăn hoặc món quà sẽ tương tự một món nợ. Điều này phản ánh rằng sự khác biệt trong thực tiễn ăn uống có thể làm nổi bật những ý nghĩa khác biệt gắn với việc chia sẻ bữa ăn giữa các cộng đồng.
Văn hóa không mời khách ăn tối chắc chắn không phải là chuẩn mực chung ở tất cả nền văn hóa Bắc Âu.
Người Thụy Điển thường không mời vị khách nhí dùng bữa. Ảnh: Fauxels. |
Trong nghiên cứu được biên tập viên Conversation thực hiện giữa các gia đình Iceland sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bà đã quan sát cách bản thân được chào đón trong bữa ăn.
Tại một buổi tụ họp, bà ngồi cạnh một gia đình 7 người, xung quanh một chiếc bàn ăn lớn. Tại một bữa tiệc chia tay, một vài người quen biết nhau quây quần bên chiếc bàn bốn chỗ. Sự gần gũi giữa những người này thể hiện tính thân mật và gắn kết của xã hội.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi người cũng ngồi ăn chung. Một phụ nữ mà biên tập viên đã phỏng vấn nhớ lại quyết định bước ra khỏi nhà hàng khi một nhân viên ngân hàng có liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế đến.
“Tôi chỉ nhìn anh ấy và bước ra ngoài. Chúng tôi không tha thứ hay quên. Hầu hết mọi người sẽ không la hét hay làm bất cứ điều gì, chúng tôi lịch sự hơn một chút. Chúng tôi bỏ đi”, nhân vật này cho biết.
Lời đề nghị hoặc từ chối một bữa ăn có thể nói lên các mối quan hệ xã hội. #Swedengate cho biết lời mời có thể phụ thuộc vào tiền lệ, kỳ vọng của phụ huynh hoặc lãng phí thực phẩm.
Các chuẩn mực vùng miền đã tồn tại trong tất cả nền văn hóa trong suốt lịch sử. Từ chối mời dùng bữa không nhất thiết phải là một hành động không hiếu khách. Điều đó đôi khi chỉ phản ánh các chuẩn mực văn hóa, vốn có thể gây tranh cãi như đã thấy qua #Swedengate.
Những phán đoán vội vàng về thực phẩm và cách ăn uống không phải lúc nào cũng chính xác. Theo đó, ý nghĩa sâu xa hơn luôn luôn ẩn sau những bữa ăn.
Có lẽ điều thú vị nhất liên quan đến #Swedengate không phải cuộc tranh luận này cho mọi người biết những gì về Thụy Điển, mà là những gì nó cho chúng ta biết về bản thân.