Trong hai thế kỷ, Thụy Điển đã lựa chọn đứng ngoài các liên minh quân sự. Quyết định nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tuần trước đã chấm dứt điều đó và làm thay đổi cơ bản tình hình an ninh của quốc gia Bắc Âu, theo Wall Street Journal.
Điều đó cũng thách thức khái niệm trung lập, vốn là trụ cột trong bản sắc dân tộc của Thụy Điển trong nhiều năm.
Nó cũng đặt ra đặt ra bài toán phức tạp với nhiều người dân nước này: Làm thế nào để đất nước có thể dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu về hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân với tư cách là thành viên của một liên minh quân sự, nơi sức mạnh phần lớn dựa vào vũ khí hạt nhân?
Tính trung lập gắn liền với bản sắc dân tộc
Tuần trước, Thụy Điển, cùng với nước láng giềng Phần Lan, đã nộp đơn xin gia nhập NATO.
Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự" ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển tiến tới gần NATO hơn bao giờ hết. Ở cả hai nước, dư luận vốn luôn chống lại tư cách thành viên NATO, đã quyết liệt ủng hộ điều này.
Thụy Điển đã không tham gia vào cuộc chiến nào trong hai thế kỷ. Chính sách không liên kết bắt nguồn từ quan điểm rằng nước này có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc xây dựng hòa bình và giải trừ quân bị, nếu vẫn trung lập trong các cuộc xung đột toàn cầu.
Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5. Ảnh: AFP. |
Robert Dalsjö, Giám đốc nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, cho biết đối với nhiều người dân, tính trung lập tạo thành một giá trị đạo đức và có tác động về mặt cảm xúc khiến việc gia nhập NATO gây tranh cãi hơn so với ở Phần Lan.
Trong cuộc thăm dò mới nhất, 58% người Thụy Điển ủng hộ nước này gia nhập NATO, tăng so với 37% hồi tháng một. Trong khi đó, 76% người Phần Lan muốn đất nước của họ tham gia liên minh quân sự.
Sự trung lập cũng được đề cập trong lịch sử Thụy Điển. Trong khi Phần Lan đã phải chiến đấu để giành độc lập cách đây một thế kỷ, Thụy Điển đã có được hòa bình.
Ngoài ra, thế kỷ XX cũng chứng kiến sự hình thành của nhà nước phúc lợi Thụy Điển, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cánh tả Xã hội Dân chủ. Họ củng cố khái niệm trung lập như một đức tính quốc gia.
“Tính trung lập đã gắn liền với bản sắc dân tộc và quan niệm về việc Thụy Điển có thể là một lực lượng vì điều tốt đẹp trên thế giới”, Christine Agius, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), cho biết.
Chính sách của Thụy Điển bắt đầu lung lay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Năm 1995, nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và cử một tiểu đoàn hỗ trợ sứ mệnh gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu tại một số quốc gia.
Những sứ mệnh đó cho thấy ảnh hưởng của phe cánh tả cũ đang suy yếu dần, nhưng nước này vẫn cân bằng trạng thái không liên kết với việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO.
Thụy Điển cũng xây dựng một ngành công nghiệp vũ khí lớn mạnh. Với dân số 10 triệu người, quốc gia này là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 13 trên thế giới, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Ngày nay, Thụy Điển chi khoảng 1,3% GDP cho quốc phòng, tăng từ mức khoảng 1% vào năm 2014.
Chính phủ Thụy Điển gần đây đã công bố mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất của nước này trong bảy thập kỷ. Giới chức cho biết nước này có thể đạt ngưỡng chi tiêu 2% vào năm 2030, cao hơn nhiều thành viên NATO hiện tại.
Đối với một số người Thụy Điển, việc gia nhập NATO sẽ chỉ chính thức hóa thực tế rằng nước này trong nhiều thập kỷ đã trở nên gắn bó chặt chẽ hơn với NATO. Trong khi đó, những người phản đối việc trở thành thành viên NATO lại đang tiếc nuối rằng một lịch sử về sự trung lập đã không còn tồn tại.
Hạn chế sự độc lập nếu gia nhập NATO
Trong khi đó, những người khác cho rằng việc gia nhập NATO sẽ hạn chế sự độc lập của Thụy Điển trong chính sách đối ngoại và buộc nước này phải tuân theo các chuẩn mực giữa các cường quốc lớn hơn.
“Sẽ rất khó để Thụy Điển có thể thể hiện tiếng nói về việc xây dựng hòa bình và giải trừ quân bị với tư cách là thành viên NATO”, Linda Åkerström, trưởng bộ phận giải trừ quân bị của Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển, cho biết.
Lực lượng Thụy Điển chưa tham gia cuộc chiến nào trong hơn 200 năm qua. Ảnh: AFP. |
Thụy Điển đã tìm cách thể hiện mình như một quốc gia hàng đầu về hỗ trợ nhân đạo khi phân bổ một lượng lớn viện trợ nước ngoài và chào đón nhiều người tị nạn hơn hầu hết quốc gia châu Âu khác.
Vào năm 2014, quốc gia này đã thông qua “chính sách đối ngoại nữ quyền”, trong đó có mục tiêu bình đẳng giới đối với lực lượng vũ trang.
“Thụy Điển có thể mất một chút độc lập trong NATO”, bà Agius cho hay.
Thủ tướng Magdalena Andersson cũng tìm cách trấn an người Thụy Điển rằng đất nước sẽ không mất quyền tự chủ.
“Chúng ta từ lâu đã là tiếng nói mạnh mẽ cho việc giải trừ quân bị, hòa bình, tự do, nhân quyền, chống lại áp bức. Chúng ta cũng sẽ mang theo điều đó bên mình trong tương lai”, bà Andersson phát biểu vào tuần trước.
Áp lực cũng xảy ra với Thụy Điển khi nước này gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp, tài trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm bị Ankara liệt vào danh sách “phần tử khủng bố”, đặc biệt là nhóm chiến binh đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG). Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hôm 20/5 đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ phát tán thông tin sai lệch.
Cộng đồng người Kurd tại Thụy Điển có thể lên tới con số 100.000 người. “Thụy Điển hoàn toàn không nên làm theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là Thụy Điển luôn giữ vững lập trường của mình”, bà Åkerström nói.
Vào năm 2016, Thụy Điển đã phê chuẩn một thỏa thuận, theo đó lực lượng nước này sẽ hỗ trợ hậu cần cho quân đội NATO trên lãnh thổ của mình trong các cuộc tập trận hoặc xung đột.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist cho biết Thụy Điển sẽ không bao giờ gia nhập NATO trong nhiệm kỳ của ông. Vào giữa tháng 4, sau 15 phút tóm tắt về “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, ông đã thay đổi quyết định.
“Khi tình hình thay đổi, chúng ta cũng phải thể hiện lập trường”, ông Hultqvist nói với một tờ nhật báo Thụy Điển.