Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ "nhiều lần nhấn mạnh không thoải mái với các cuộc tiếp xúc giữa Thụy Điển với những cá nhân và các tổ chức khủng bố”, yêu cầu Thụy Điển ngừng việc hỗ trợ chính trị, tài chính và vũ khí cho các tổ chức khủng bố, Reuters đưa tin.
Ông Erdogan cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp, tài trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm bị Ankara liệt vào danh sách “phần tử khủng bố”, đặc biệt là nhóm chiến binh đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG).
Viết trên Twitter, thủ tướng Thụy Điển đánh giá cao cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan, nói hai bên sẽ tăng cường quan hệ song phương, bao gồm các vấn đề hòa bình, an ninh và chống khủng bố.
Trò chuyện với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto, ông Erdogan cho biết việc ngó lơ các tổ chức khủng bố gây ra mối đe dọa cho một đồng minh trong NATO là không phù hợp với tinh thần hữu nghị và liên minh.
Sau khi chính thức nộp đơn vào NATO ngày 18/5, Tổng thống Phần Lan Niinisto (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Andersson đã đến Mỹ gặp Tổng thống Joe Biden ngày 19/5. Ảnh: Reuters. |
“Là đồng minh của NATO, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết với an ninh của nhau và mối quan hệ của chúng ta từ đó sẽ phát triển hơn nữa. Phần Lan lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện. Đối thoại chặt chẽ vẫn được tiếp tục”, ông Niinisto cho biết sau điện đàm.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng trò chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, khẳng định lại lập trường Ankara sẽ không có thái độ tích cực với đơn gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, trừ khi hai nước này đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ trong những vấn đề cơ bản, đặc biệt là chống khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phản đối sau khi Thụy Điển và Phần Lan cùng chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào hôm 18/5. Để trở thành thành viên, hai nước này phải nhận đồng thuận từ toàn bộ 30 nước NATO, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ.