"Quả bom" đã nổ ở Catalonia khi Lionel Messi gửi bản fax yêu cầu được chấm dứt hợp đồng với Barcelona. Đó là điều không ai nghĩ tới. Sự gắn bó giữa cái tên Messi với Barca đã vượt xa những hình dung của người hâm mộ về giá trị tinh thần trong bóng đá.
Nhất là khi ở Nou Camp, những đồng đội cùng thời vàng son với Messi như Xavi, Iniesta, Puyol đều đã chơi cho CLB đến tận cùng sự nghiệp. Ai cũng hình dung kịch bản: Messi sẽ nghỉ hưu tại Barca, như Puyol đã làm hoặc đi “chơi bóng cho vui” ở đâu đó một năm cuối (như Xavi) để làm bước đệm cho kế hoạch trở lại với Barca ở cương vị khác.
Mối lương duyên Messi - Barca đang đi đến hồi kết. Ảnh: Getty. |
Chủ tịch Bartomeu thất bại nếu Messi ra đi
Rất nhiều quan điểm đã được đưa ra để lý giải quyết định gây sốc của Messi. Nhiều người đổ lỗi cho bộ máy điều hành của Chủ tịch Josep Maria Bartomeu. Họ cho rằng 6 năm tại vị của ông là 6 năm khiến cho bộ máy Barca rệu rã hơn.
Những HLV đến rồi đi đều không thể phục hưng được bản sắc và tinh thần Barca, do đó thất bại là đương nhiên. Và việc Eric Abidal bị bãi nhiệm cương vị giám đốc thể thao dường như là minh chứng thêm cho sai lầm của Bartomeu, ít nhất là các quyết định chọn lựa.
Thực tế, có phải Bartomeu là kẻ phá hoại Barca như hình dung của nhiều người hay không? Chúng ta dễ dàng tin vào lập luận ấy, khi nhận thấy sự giận dữ của hội CĐV Barca ở Catalonia cùng những biểu ngữ phản đối ông.
Chức vô địch Champions League gần nhất của Barca và Messi là dưới thời Chủ tịch Bartomeu. Ảnh: Getty. |
Trong thời đại mà post-truth chiếm ưu thế hơn chân xác sự thật này, cái dễ tin ấy cũng là dễ thấu hiểu. Tuy nhiên, hãy thử lục lọi lại xem Bartomeu đã làm được những gì trong 6 năm ở Nou Camp.
Khi Bartomeu tiếp quản CLB từ Sandro Rossell vì những mờ ám trong vụ chuyển nhượng Neymar, Barca thực tế cũng đang bế tắc khi Pep Guardiola không còn ở đó nữa. Ngay ở mùa bóng trọn vẹn đầu tiên mà Bartomeu là chủ tịch (2014/15), Puyol giải nghệ.
Đó là tượng đài, biểu trưng tinh thần, thủ lĩnh của đội bóng, đại ca của một thế hệ. Mất mát đó thực sự khó bù đắp nổi, nhưng Bartomeu vẫn vượt qua nó ngoạn mục.
Đó là mùa giải Bartomeu giải tán một loạt những cái tên không mang lại nhiều hiệu quả và là tàn dư của dự án mà Pep Guardiola bỏ lại, điển hình là Cesc Fabregas và Sanchez.
Ở mùa cuối cùng huấn luyện Barca, Pep Guardiola đưa họ về bằng mọi giá khiến người ta tưởng ông đang xây dựng viễn cảnh lớn, dài hơn. Cuối mùa, ông ra đi và họ ở lại đó để làm gì? Bartomeu phải xử lý đống tàn dư ấy sau 3 năm họ ăn lương CLB, và ông đã có những thay thế xứng đáng.
Mùa giải đó, Barca vô địch Champions League với những nhân tố mới là Luis Suarez, Rakitic, Ter Stegen. Và không chỉ có chức vô địch Champions League đơn thuần, Barca của Bartomeu giành luôn cú ăn ba cộng thêm siêu cúp châu Âu và FIFA Club World Cup. Kéo theo sau mùa giải thành công này, Barca còn có thêm 3 chức vô địch Liga, 3 Copa del Rey. Nếu ai nói Bartomeu phá hoại và thất bại, chắc họ nên rút lại lời.
Tuy nhiên, việc để Messi ra đi lúc này cũng đủ để người ta nói Bartomeu thất bại. Không giữ chân nổi ngôi sao vĩ đại nhất với nhiều người hâm mộ đã là thảm họa của người điều hành CLB.
Tuy nhiên, mấy ai để ý câu chuyện không đơn giản chỉ là như vậy. Tuyên bố của Messi cũng chỉ ra rõ ràng rằng, quyết định của anh là không thể lật ngược, kể cả khi Chủ tịch Bartomeu từ chức.
Messi muốn rời Barca vì không hạnh phúc
Vậy là vấn đề ở đây không chỉ nằm ở phía Bartomeu. Nó là câu chuyện trong mối quan hệ giữa Messi với Barca, mối quan hệ đã đi đến đỉnh điểm của sự chán chường. Messi cảm thấy nản lòng khi Barca để Neymar ra đi. Đó có thể là lý do.
Tuy nhiên, nếu nản lòng vì việc đó, tại sao Messi không ra đi từ năm 2017 hay 2018, khi anh vẫn còn ở tuổi 30? Có thể vì cái giá chuyển nhượng quá cao nên khả năng Messi rời Barca cách đây 2-3 năm là quá khó. Tuy nhiên, cái chán chường vì để mất Neymar cũng chưa đủ để làm tràn chiếc ly chán nản của siêu sao người Argentina.
Có thể, cái chán nản tiếp theo dội vào Messi là những năm La Liga bắt đầu thiếu đối trọng cho anh, khi Cristiano Ronaldo đã cập bến Juventus. Là cầu thủ đẳng cấp số một thế giới, Messi cần những cuộc đua ở cấp độ ấy. La Liga rõ ràng thiếu đi sự náo nhiệt khi Messi mất đi đối thủ lớn.
Messi mất đi đối trọng lớn khi Ronaldo không còn ở Tây Ban Nha. Ảnh: Getty. |
Bây giờ, khi anh bước vào tuổi 33, ngay sau cái tát choáng váng của Bayern ở tứ kết Champions League, anh cảm thấy quá sức chịu đựng của mình. Anh cần một bến đỗ khác.
Barca không thể cứu vãn nổi tình thế và ngay cả việc viện dẫn vào sự quá hạn của điều khoản “quyền lựa chọn ra đi” để cố gắng vớt vát thêm khoản phí chuyển nhượng cũng có vẻ không cứu vãn nổi. Giới phân tích cho rằng FIFA có thể ra phán quyết có lợi cho Messi, và cuộc chia tay giữa họ sẽ không mang lại cho Barca lợi ích tài chính kỳ vọng nào.
Với việc cha của Messi được cho rằng có những liên lạc với Giám đốc điều hành Soriano và huấn luyện viên Pep Guardiola bên phía Man City từ trước đây cả tháng, nhiều người có thể hình dung ra kịch bản Messi ra đi đã được sắp sẵn từ sớm. Nếu không có đại dịch Covid-19, không có việc bóng đá bị ngưng trệ bởi giãn cách xã hội, rất có thể Messi quyết định ra đi từ cuối tháng 5, khi mùa giải kết thúc theo lệ thường.
Tuy nhiên, vì Barca còn phải hoàn tất La Liga và Champions League, Messi phải chiến đấu cho xong trách nhiệm anh mới có thể nói lời chia tay cuối cùng.
Bây giờ, người ta đánh cược với nhau về điểm đến của Messi. Người mong mỏi anh sát cánh với CR7 để tạo ra địa chấn mới cho bóng đá. Người muốn anh tái hợp Neymar để tạo ra PSG thần kỳ. Người lại tin vào khả năng anh đến Man City để tái ngộ ông thầy cũ Pep Guardiola.
Điểm muốn đón Messi thực sự không thiếu, nhưng điểm Messi lựa chọn sẽ chỉ có một. Và khả năng anh muốn đến Man City luôn là lớn nhất. Không chỉ vì Pep Guardiola, Soriano mà còn vì Premier League có hấp lực rất lớn mà nhiều cầu thủ không thể chối từ.
Nếu Messi đến Man City, câu hỏi được đặt ra là anh sẽ đóng góp được gì cho CLB, nhất là khi chơi bóng ở Anh đòi hỏi thể lực dồi dào hơn ở La Liga rất nhiều bởi tốc độ, cường độ va chạm. Liệu Messi có còn đủ sung mãn cho thử thách khắc nghiệt ấy không?
Đó là còn chưa kể đến sự soi mói của truyền thông cũng dễ đẩy anh đến cơn khó chịu khác. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, Messi sẽ mang lại giá trị thương hiệu lớn cho CLB mà anh chọn. Bởi vì anh, sự kiệt xuất của anh luôn là đòn bẩy tuyệt diệu nhất.
Hãy nhìn vào giá trị thị trường của Barca, theo đánh giá của Forbes, vào năm 2010 là 1 tỷ USD và so sánh nó với những gì Fobes mới đưa ra hồi 2019 vừa rồi. Tháng 5/2019. thị giá của Barca theo Forbes là 4 tỷ USD với tiền bản quyền là 1,2 tỷ USD, và giá trị từ doanh thu thương mại là 1,5 tỷ USD.
9 năm Messi ở Barca, thị giá của CLB tăng gấp 4 lần. Có ai hỏi Messi đóng góp bao nhiêu phần công sức ở trong đó?
Khi Messi xuất hiện ở đội hình một Barca vào năm 2006, lúc ấy có những đứa trẻ mới lên sáu, lên tám bắt đầu xem bóng đá. Và đập vào mắt chúng là hình ảnh của EL Pulga bé nhỏ thần kỳ. Bao nhiêu đứa trẻ lên sáu, lên tám của năm 2006 kia đã trở thành fan cuồng của Messi để rồi từ đó chúng yêu mến luôn Barcelona?
Không ai thống kê được, nhưng chắc chắn con số ấy rất lớn. Hôm nay, những đứa trẻ lên sáu, lên tám năm nào đã ở lứa tuổi 20, lứa tuổi tiêu thụ. Chính họ đã góp một phần tạo nên thị giá của Barca lúc này. Nếu phải nói nhờ vào Messi, điều đó không ngoa.
Sau đêm chung kết ở Lisbon, báo chí ngợi ca Bayern hết lời và cũng nhấn vào dòng nước mắt của Neymar rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ cần Messi gửi một bản fax đến Barca, không còn mấy ai nói chuyện chung kết Champions League. Tất cả chỉ là những thông tin về Messi, về Barca mà thôi. Điều đó cho thấy, ở trong văn hóa đại chúng, Messi lớn lao đến mức nào. Người ta nói anh “gánh team” ở Barca nhưng trên truyền thông, phải nói là “Messi cân tất”.
Bản fax dứt tình của Messi với Barca. Ảnh: ESPN. |
Ở Barca, người ta nói nhiều về triết lý “Còn hơn một CLB” ("Més que un club”) với nhiều lớp nghĩa. Tuy nhiên, lớp nghĩa người ta thích lý giải nhất là tinh thần vì màu áo chung, vượt trên mọi giá trị cá nhân. Tuy nhiên, ở trường hợp của Messi, hãy nghĩ đến lớp nghĩa đen đơn thuần và có thể hơi thô vụng. Messi đã chứng minh mình anh có thể “còn hơn cả một CLB” trong mắt của đại chúng. Và anh đã, đang làm điều đó hôm nay.
Mức phí giải phóng hợp đồng của Messi là khoảng 600 triệu euro, tức là xấp xỉ một tỷ USD. Nó tương đương với định giá của Forbes cho Barca năm 2010. Mức giá ấy cũng đủ để mua một CLB ở Premier League. Con số ấy có trùng hợp không, khi ta nghĩ về cầu thủ đang vượt trên cả một CLB, khi anh khiến cả Barcelona hoang mang, khi anh “vùi dập” chức vô địch của Bayern và thất bại của PSG trên truyền thông đại chúng?
Còn Messi ra đi thì những ai yêu Barca đừng nên tiếc nuối gì. Không có ai không chia tay bao giờ. Và CLB có văn hóa, tinh thần, truyền thống đậm đầy sẽ không bao giờ lụn bại chỉ vì một cầu thủ lớn của mình ra đi. Nên chào anh “adios” và chúc anh may mắn. Barca cần tái tạo để sống không Messi vì kiểu gì rồi ngày họ sống không Messi chẳng xảy ra. Mà đằng nào, văn hóa của Catalonia vẫn xoay quanh chủ nghĩa Catalan, một chủ nghĩa ly khai. Thế thì để Messi ly khai cũng chẳng có gì là lạ lẫm.
Và người Barca nên tự hào, khi chỉ có thể ở một CLB có triết lý “Còn hơn một CLB” mới tạo nên cầu thủ “còn hơn một CLB”. Rõ ràng, chỉ có những sự vĩ đại mới có thể sống được trong nhau mà thôi. Và dù có đi đâu đi nữa, trong tim của Messi luôn có Barca, nơi anh đã sống đủ vui, buồn, hờn, giận, vinh quang và cay đắng tận cùng.