Nga không phải thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng hợp tác thương mại giữa hai phía đạt 500 tỷ USD trong hai thập niên qua. Nga cũng là thành viên của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8). Hiện tại, Moscow đóng vai trò không nhỏ đối với nền kinh tế thế giới nên các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này sẽ gây ra những tác động trái chiều, CNN nhận định.
Mỹ và phương Tây liên tiếp cáo buộc Nga xâm phạm lãnh thổ Ukraina thông qua quyết định sáp nhập bán đảo tự trị Crimea, vùng lãnh thổ Moscow chuyển giao cho Kiev trong năm 1954. Bất ổn chính trị ở Ukraina khiến người dân Crimea bỏ phiếu thông qua quyết định sáp nhập với Liên bang Nga sau 60 năm chia cắt.
Lãnh đạo Nga - Mỹ liên tiếp thông qua các lệnh trừng phạt quan chức đối phương. Ảnh: Reuters. |
Nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho chính phủ lâm thời Ukraina, phương Tây liên tiếp cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và gọi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp pháp. Tuy nhiên, liên minh quân sự hùng mạnh nhất hành tinh NATO không thể sử dụng vũ lực ở Crimea, nơi Nga đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen.
Đáp trả lại quyết định sáp nhập Crimea của Moscow, Mỹ và Tây Âu quyết định trừng phạt kinh tế nhằm vào các thành viên cấp cao của chính phủ Nga và Crimea vì ủng hộ hợp nhất. Những người nằm trong danh sách trừng phạt, bao gồm cả Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, sẽ bị phong tỏa tài khoản ngân hàng ở Tây Âu và Mỹ đồng thời hạn chế đi lại tới các quốc gia EU và Mỹ.
Vai trò của Nga ngày càng trở nên quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế. Ảnh: Blogspot. |
Tuy nhiên, ngay sau quyết định trừng phạt của phương Tây, Nga đã đưa ra hành động đáp trả. Moscow đưa 9 quan chức của Mỹ vào danh sách trừng phạt, bao gồm Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez, các thượng nghị sĩ Harry Reid, John McCain, Mary Landrieu và Daniel Coats.
Đây không phải lần đầu tiên Moscow trả đũa phương Tây bằng các biện pháp trừng phạt. Năm 2012, Nga cấm công dân Mỹ nhận con nuôi là trẻ mồ côi nước này nhằm đáp trả Washington khi họ thông qua đạo luật Sergei Magnitsky, tên một vị luật sư thiệt mạng trong lúc bị giam giữ ở Moscow, nhằm cản trở thương mại của Nga.
EU sẽ xáo trộn nếu Nga ngừng cung khí đốt. Ảnh: Neftegaz.ru. |
Nga và EU đang duy trì quan hệ thương mại khá sâu sắc, liên quan trực tiếp tới nền kinh tế của các bên. Nếu EU quyết tâm trừng phạt Nga, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả khá nặng nề, có thể làm tổn thương nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng của Liên minh châu Âu.
Trong hai thập kỷ tái lập quan hệ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, giá trị thương mại của Nga và EU đạt tới 500 tỷ USD. Sẽ không bên nào chịu thiệt thòi ít hơn khi cuộc chiến tranh thương mại nổ ra. Ở thời điểm hiện tại, 15% GDP của Nga thu về nhờ xuất siêu sang EU.
Trong khi đó, EU phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ phía Nga. Moscow cung cấp 25% khí đốt cho EU. Dù các quốc gia có kho nhiên liệu dự trữ nhưng nếu Nga cắt đột ngột nguồn cung khí đốt, nó vẫn đẩy các nước EU vào cuộc khủng hoảng. Động thái này tác động trực tiếp tới nguồn cung năng lượng sưởi ấm và duy trì hoạt động các nhà máy ở châu Âu.
Thế giới đang thay đổi theo xu hướng toàn cầu hóa, tạo ra những mối liên kết qua lại ngày càng tăng giữa các quốc gia trên nhiều phương diện, trong đó có kinh tế. Mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đều tạo ra những tác động đa chiều đối với những nền kinh tế khác nhau.