"Tiến độ đấu thầu để mua hệ thống tên lửa phòng không của Ba Lan sẽ diễn ra nhanh hơn. Chúng tôi sẽ chọn lời chào hàng tốt nhất trong vài tuần tới", Reuters dẫn lời ông Jacek Sonta, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ba Lan.
Ảnh minh họa: IAF |
Trước đó Ba Lan, một thành viên của NATO, sẽ giảm số lượng nhà thầu vào tháng 6. Song cuộc khủng hoảng tại Ukraina và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea khiến giới cầm quyền Ba Lan quyết định đẩy nhanh tiến độ.
Sonta nói thêm rằng Ba Lan muốn ký thỏa thuận cuối cùng về việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa trong năm 2014.
MEADS, một trong số những tập đoàn muốn bán hệ thống tên lửa phòng không cho Ba Lan, nói rằng giá của hệ thống vào khoảng 5 tỷ USD, song các chuyên gia nhận định chi phí cho cả hệ thống phòng thủ tên lửa - bao gồm cả chi phí bảo dưỡng - sẽ lên tới hơn 13 tỷ USD. Quá trình lắp đặt hệ thống sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Ba Lan thể hiện vai trò khá tích cực trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Chính phủ nước này từng yêu cầu NATO thảo luận về tình hình Ukraina cách đây mấy ngày.
Stephen Lynch, một nghị sĩ thuộc Hạ viện Mỹ, hoan nghênh quyết định của Ba Lan.
"Tôi nghĩ những diễn biến ở Crimea cho thấy một điều hiển nhiên là NATO cần phải hành động nhiều hơn nữa để nâng cấp mọi hệ thống phòng thủ, chứ không chỉ riêng lá chắn tên lửa", Lynch phát biểu.
Trong giai đoạn đầu, Ba Lan sẽ lắp đặt 8 hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung. Sau đó họ sẽ bổ sung các tên lửa tầm ngắn và tầm xa.