“Hiện tại chi phí để chạy quảng cáo ra một tin nhắn Facebook của tôi là 200.000 đồng/tin. Quá cao để có thể có lợi nhuận”, Khánh Đan, chủ Dekat Lingerie, một cửa hàng thời trang nữ tại TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, trên Dòng thời gian của Facebook, hàng loạt các quảng cáo livestream xuất hiện dày đặc với chi phí chỉ bằng 1/3.
Chạy quảng cáo giá rẻ để rửa tiền cho hacker
“Đa phần các quảng cáo livestream trên Facebook hiện nay là hình thức rửa tiền của các hacker”, Huỳnh Đông, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam nhận định.
Thời điểm này, lướt Facebook, đâu đâu cũng thấy quảng cáo livestream bán hàng. |
Theo ông Đông, dân trong ngành gọi đây là chạy quảng cáo invoice (hóa đơn), nói ngắn gọn là "voi". Theo đó, các tài khoản quảng cáo của các công ty, tập đoàn lớn, thường là của nước ngoài sẽ bị hacker chiếm quyền truy cập. Sau đó, những tài khoản này sẽ được bán lại cho những shop online tại Việt Nam với chiết khấu rẻ hơn.
“Dễ hiểu là nếu cần chạy quảng cáo 100 triệu đồng. Bạn sẽ chỉ trả cho hacker 30 triệu để mua lại các tài khoản mà họ hack được từ các công ty lớn”, ông Đông cho biết.
Để tiện chi tiêu cho các công ty lớn, Facebook hỗ trợ mua quảng cáo trước, trả tiền sau. Tùy vào lịch sử chi tiêu và tín nhiệm của công ty, Facebook sẽ cho họ những ngưỡng tài khoản quảng cáo khác nhau. Có ngưỡng quảng cáo lên đến vài triệu USD.
Những tài khoản này được hack bằng nhiều cách khác nhau từ quét mật khẩu theo email đến các web lừa đăng nhập, đánh cắp thông tin.
Những tài khoản có khả năng chi tiêu hàng trăm triệu tiền quảng cáo bị hacker chiếm quyền. |
“Mới đây Facebook đổi giao diện, các hacker ra mắt hàng loạt extension, một dạng tiện ích mở rộng trên trình duyệt Chrome. Công cụ này cho phép người dùng đổi về giao diện cũ tuy vậy cũng lấy luôn quyền truy cập Facebook. Nếu tài khoản đang giữ ngân sách quảng cáo lớn sẽ bị chiếm quyền”, Phú Bình, người chuyên môi giới các loại tài khoản quảng cáo invoice trên một chợ đen cho biết.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp tài khoản invoice cũng âm thầm giao cho người khác chạy quảng cáo. Sau khi chạy hết ngưỡng ngân sách do Facebook cung cấp sẽ báo là bị hack. Đây là một dạng vừa ăn cướp vừa la làng.
Cuối cùng, Facebook là bên mất tiền vì công ty này không nhận được các khoản thanh toán sau khi hiển thị quảng cáo. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn lại bị mất tài khoản quảng cáo, ảnh hưởng đến chiến dịch truyền thông và trở thành mục tiêu của hacker.
Thị trường quảng cáo lũng đoạn
Ngoài ra, việc tài khoản quảng cáo "voi" lọt vào tay kẻ gian cũng khiến thị trường quảng cáo Facebook tại Việt Nam gặp nhiều ảnh hưởng.
“Vì đây là tài khoản bị hack nên mục đích của họ là làm sao để tiêu càng nhiều tiền càng tốt. Một shop kinh doanh rất nhỏ cũng phải chi trên 5 triệu đồng mỗi ngày. Có những shop tôi biết chi đến 500 triệu đồng tiền quảng cáo ‘chùa’ mỗi ngày”, ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, chính vì những tài khoản "voi" này mà giá đấu thầu quảng cáo quá cao, khiến các doanh nghiệp chân chính không thể tiếp cận người dùng một cách hiệu quả.
"Có thời điểm tôi chạy quảng cáo ra một tin nhắn chỉ 10.000 đồng nhưng giờ con số này lên gấp 20 lần. Qua tìm hiểu thì tôi biết mỗi buổi trưa thì các tài khoản invoice sẽ mua quảng cáo. Lúc này, cộng đồng người quảng cáo chân chính sẽ tự tắt quảng cáo để tránh cạnh tranh. NewsFeed không còn chỗ cho nhà quảng cáo đúng luật nữa rồi”, bà Đan cho biết.
Ngoài ra, việc Facebook phải liên tục cập nhật thuật toán, sửa lỗi và siết hạn mức cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm quảng cáo của nhiều thương hiệu.
"Trước đây, mỗi chiến dịch chúng tôi sẽ được chạy trước 20 triệu đồng một tháng. Nhưng giờ đây, Facebook đã hạ hạn mức này xuống còn 10 triệu đồng, buộc doanh nghiệp phải tạo và xin xét duyệt nhiều tài khoản quảng cáo hơn", Hữu Phúc, nhân viên phụ trách quảng cáo của một của hàng bán lẻ di động tại quận 3, TP.HCM cho biết.
Chạy “voi” là con dao hai lưỡi?
“Nghe chạy quảng cáo 10 đồng trả 3 đồng thì ai cũng ham. Nhưng thật sự đây không phải sân chơi cho mọi người”, ông Đông cho biết.
Theo đó, vì lai lịch bất minh của những tài khoản quảng cáo “voi”, việc của hacker là yêu cầu cộng tác viên tiêu thụ tiền càng nhanh càng tốt trước khi bị chủ sở hữu phát hiện. Vì vậy, những tài khoản này thường mua quảng cáo hết công suất, bất chấp số lượt hiển thị và mục tiêu nhắm đến có chính xác hay không.
"Ngành phụ trợ" mua bán trang tick xanh cũng theo các tài khoản invoice mà phát triển. |
“Với những sản phẩm không có công thức bán hàng chuẩn, giá không cạnh tranh thì lỗ là chuyện bình thường vì lượt tiếp cận nhiều nhưng không ra đơn”, ông Bình nói.
Vì vậy, hình thức gian lận này chỉ phù hợp với cách bán hàng livestream để “chốt đơn” ngay tại buổi quảng cáo. Các mặt hàng giá rẻ, hàng nhái, kém chất lượng không cần uy tín hay thương hiệu sẽ ưu tiên dùng cách quảng cáo này.
Ưu điểm của tài khoản invoice là được Facebook tín nhiệm. Từ đó việc xét duyệt quảng cáo dễ hơn, tạo điều kiện cho các shop hàng vi phạm chính sách tiêu thụ hàng hóa dễ dàng. Chỉ trong vài giờ, hàng chục nghìn USD tiền quảng cáo sẽ được chi tiêu bạt mạng.
"Từ đó, hàng gian, hàng giả có cơ hội tiếp cận, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng hơn", ông Bình kết luận.
Ngoài ra, các “ngành phụ trợ” như buôn bán fanpage tick xanh, phần mềm “chốt đơn” cũng nhờ đó mà hưởng lợi.