Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đọc lại nội dung phim để kiếm hàng nghìn USD trên Facebook

Đọc lại toàn bộ nội dung phim là cách mà nhiều nhà sáng tạo nội dung dùng để kiếm tiền từ việc vi phạm bản quyền.

"Thời gian qua, lướt mạng xã hội bất kể nền tảng nào cũng thấy review phim khiến tôi rất khó chịu. Những bộ phim định xem đều bị spoil (tiết lộ -PV) cả", người dùng N. Huỳnh bức xúc.

Hàng triệu lượt xem từ vi phạm bản quyền

Theo ông Huỳnh, các nội dung tự xưng là review phim thực chất là một dạng vi phạm bản quyền. Theo đó, các cảnh phim được cắt xen trên nền âm thanh của một người kể chuyện.

"Ban đầu tôi xem review để ra rạp coi phim. Tuy vậy, những nội dung này kể quá chi tiết khiến tôi không còn muốn ra rạp xem phim nữa", ông Huỳnh cho biết.

review phim anh 1

Bộ phim Ký Sinh Trùng được kể lại toàn bộ thu hút hơn 6 triệu lượt xem.

Thế nhưng, những nội dung này lại thu hút lượng lớn lượt xem. Trang Facebook ÔngB***Phim chỉ mất 1h để có hơn 40.000 lượt xem và 4 tháng để có gần 1 triệu lượt theo dõi. Hiện trung bình mỗi video trên trang này thu hút hơn 3 triệu lượt xem. Video cao nhất trên trang có hơn 12 triệu lượt xem.

Các nền tảng khác như YouTube, TikTok cũng tràn ngập nội dung. Kênh TikTok Review***2020 có hơn 2 triệu lượt thích, 130.000 theo dõi khi đăng tải các nội dung núp bóng review phim này.

Núp bóng review phim

Ông Ngô Thanh Phong, người sáng lập chuyên trang đánh giá phim Cuồng Phim cho biết có ba dạng video về phim gồm teaser, trailer và review.

"Teaser là video thông báo về sự xuất hiện của phim với mục đích gây tò mò, phấn khích chứ không có nội dung. Trailer là dạng video giới thiệu nội dung chính của phim, gây kích thích khiến mọi người muốn xem. Trong khi đó, video review là đánh giá chủ quan của người xem sau khi thưởng thức phim. Người review sẽ nói về những yếu tố chính làm nên một bộ phim như kịch bản, diễn xuất, cảnh quay…", ông Phong cho biết.

review phim anh 2

Nội dung review phim trá hình đang tràn ngập các nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook...

Theo ông Phong, trong các video review, người đánh giá có thể spoil một nội dung chút để dẫn chứng cho những ý đánh giá. Tuy vậy, những video này cần có cảnh báo spoil để người xem cân nhắc, không để ảnh hưởng trải nghiệm xem phim về sau.

"Như vậy, những nội dung video tự nhận là review phim trên thực chất là kể lại toàn bộ nội dung của phim. Điều này khiến người xem không cần đến rạp vẫn có thể nắm được toàn bộ cốt truyện, gây tổn thất lớn cho các đơn vị làm phim", ông Phong nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Phong, người dùng mạng xã hội khi vô tình xem phải những video như vậy, trải nghiệm xem phim của họ sẽ không còn nguyên vẹn nữa. "Đây thực chất là một dạng vi phạm bản quyền núp bóng review phim", ông Phong cho biết.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà sản xuất

Ngoài kể trước nội dung phim, những nội dung này còn pha thêm những tình huống bên ngoài để tăng sự hấp dẫn nhằm thu hút lượt xem. Tuy vậy, theo bà Phạm Thiên Trang, biên kịch tại TP.HCM, việc này là xuyên tạc nội dung tác phẩm.

"Việc này khiến nội dung của sản phẩm dẫn bị đánh giá sai lệch", bà Trang cho biết.

Theo đạo diễn Tuấn Kiệt, Giám đốc sản xuất tại Kites Entertaiment, những nội dung review phim núp bóng trên có thể khiến khán giả thất vọng về toàn bộ nội dung phim, gây tổn thất cho nhà sản xuất.

"Vì tác giả clip thuật lại câu chuyện phim theo lối diễn giải đơn điệu, xoá sổ hoàn toàn vai trò tác giả của biên kịch và đạo diễn khiến khán giả không còn hứng thú với nội dung phim. Họ sẽ không ra rạp nữa", ông Kiệt nói thêm.

Quan trọng nhất là những cảnh trong video được cắt từ bộ phim đầy đủ mà không mua bản quyền và quyền sử dụng của những người làm ra bộ phim.

"Với các bên sở hữu như nhà sản xuất phim, ekip làm phim, đạo diễn, nhóm nhà phát hành phim, các nhà tài trợ... thì hình thức này đúng nghĩa là một dạng spoil phim, vi phạm bản quyền nghiêm trọng", ông Kiệt phân tích.

Cách lách luật mới để trục lợi

Dưới góc nhìn của những người kiếm tiền từ mạng xã hội, đây lại là một dạng nội dung trá hình béo bở mà một số nhà khai thác nội dung nhắm đến, đặc biệt là trên nền tảng Ads Breaks của Facebook và TikTok.

Ad Breaks là nền tảng cho phép người sáng tạo video trên Facebook đủ điều kiện có thể kiếm tiền nhờ hiển thị quảng cáo ngắn khi phát video.

review phim anh 3

Trong khi cơ quan chức năng đang nỗ lực ngăn chặn phim lậu thì những khái niệm mới đang được tạo ra nhằm vi phạm bản quyền.

Điều kiện để kiếm tiền từ Facebook Ad Breaks là fanpage đạt 10.000 lượt theo dõi. Đồng thời, video trên fanpage phải đạt 30.000 lượt xem, tối thiểu 1 phút cho video dài 3 phút. Các video trên đồng thời phải phù hợp tiêu chuẩn cộng đồng.

Những video với tương tác cao sẽ được Facebook xét duyệt kiếm tiền từ quảng cáo. Doanh thu mỗi fanpage đăng video đều đặn có thể lên đến 100.000 USD/tháng. Vì vậy, các nhà sản xuất nội dung đang có xu hướng chuyển dần hoặc phân phối nội dung trên cả hai nền tảng là YouTube và Facebook.

Tuy vậy, chính sách bản quyền của nền tảng video Facebook vẫn còn sơ khai, lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những nhà sáng tạo nội dung "lởm" tha hồ kiếm tiền từ vi phạm bản quyền.

Giới kiếm tiền online gọi đây là reup (đăng tải lại) kiểu mới. Nguồn video thường được lấy từ những nền tảng khác rồi đăng lại trên Facebook với chiến lược "ai đăng trước là của người đó".

"Có thể Facebook đang cố ngó lơ việc này để làm giàu cho kho nội dung video của mình", Trọng Nhân, nhà sáng tạo nội dung trên nhiều nền tảng chia sẻ.

Trong khi đó, với TikTok, sự mập mờ giữa review phim và vi phạm bản quyền đang tạo lỗ hổng lớn cho nhiều người kiếm tiền từ việc đọc lại toàn bộ nội dung phim.

Nhận vơ bản quyền video kiếm tiền tỷ trên Facebook tại VN

Dù mới phát triển, nền tảng video của Facebook đã bắt đầu bộc lộ những kẽ hở, tạo điều kiện cho một nhóm người kiếm hàng tỷ đồng mỗi tháng từ nội dung vi phạm bản quyền.

Đoạn Lãng

Bạn có thể quan tâm