Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 2%?

Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh bằng mọi giá không để doanh nghiệp "gãy đổ" nhưng vẫn phải dự báo số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và số lao động mất việc để hỗ trợ kịp thời.

Trong bài phát biểu kết luận Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 sáng 23/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định “cú sốc Covid-19” đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế 6 tháng đầu năm của TP.HCM.

Từ tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 8%, 6 tháng đầu năm 2020, con số này chỉ còn 2%. Ông chỉ ra 2 nguyên nhân khiến kinh tế thành phố giảm sút là do sự suy giảm của ngành dịch vụ và sự gãy đổ của doanh nghiệp vừa, nhỏ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ gãy đổ trong cơn bão Covid-19

Lãnh đạo TP.HCM cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90% cơ cấu doanh nghiệp. Số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 2,14%.

"Đa phần doanh nghiệp của chúng ta là vừa và nhỏ, mà doanh nghiệp này dễ bị gãy đổ trong cơn bão Covid-19 và tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế thành phố", Chủ tịch Phong nhận định.

phuc hoi kinh te TP.HCM anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HCMIC.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) của TP.HCM, ngành dịch vụ chiếm hơn 60%. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến du lịch và các dịch vụ kèm theo như lưu trú, khách sạn.

Ông Phong dẫn chứng lượng du khách nước ngoài năm 2019 của TP.HCM là 8 triệu, thời gian lưu trú bình quân là 3,5 ngày và du khách tiêu trung bình 145-150 USD.

Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 1,3 triệu lượt (giảm 69,3% so với cùng kỳ). Tổng doanh thu du lịch thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt 28,3 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ. Qua đó, Chủ tịch TP.HCM nhận định sự sụt giảm khách du lịch ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Người đứng đầu TP.HCM nhấn mạnh hiện Thủ tướng chưa tuyên bố hết dịch nên mục tiêu từ nay đến cuối năm vẫn là duy trì nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa đảm bảo phục hồi kinh tế. Lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phải bằng mọi cách để đạt được tỷ lệ tăng trưởng 5%, kịch bản cao nhất có thể mà Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM từng tính toán trước đó.

Dự báo lao động thất nghiệp

Từ những phân tích trên, Chủ tịch TP đặt ra giải pháp trước mắt là hỗ trợ để doanh nghiệp thành phố không "gãy đổ".

Ông Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và chủ tịch UBND 24 quận, huyện làm việc với các doanh nghiệp để dự báo số lượng đơn đặt hàng bị cắt giảm, số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và số lao động mất việc.

"Phải có hành động cụ thể bằng cách gặp doanh nghiệp để trao đổi. Nguyên tắc là phải làm hết sức rõ ràng với giải pháp ở từng nơi, từng lĩnh vực. Kinh tế là phải cụ thể chứ không thể nói chung chung là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp", lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh.

Về cải thiện môi trường đầu tư, ông Phong chỉ ra điểm sáng là trong 6 tháng đầu năm, thành phố có hơn 18.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn hơn 246.000 tỷ đồng, đồng thời, thu hút 2,01 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Phong nhấn mạnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ mở ra thị trường lớn cho doanh nghiệp TP.HCM. Ông dẫn chứng 27 quốc gia châu Âu có hơn 500 triệu dân là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Ông kể lại cuộc trò chuyện với Đại sứ EU tại Việt Nam cách đây một năm và nêu cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của hiệp định này. Theo ông, tin vui là nếu trước đây, doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận thị trường EU thì nay, Việt Nam đứng hàng nhất nhì thế giới về cơ hội tiếp cận thị trường này.

Tuy nhiên, tin buồn là 72% doanh nghiệp tham gia vào thị trường EU là doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Từ đó, Chủ tịch Phong chỉ ra tầm quan trọng của việc hoàn thiện môi trường đầu tư để tận dụng cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

phuc hoi kinh te TP.HCM anh 2

UBND TP.HCM họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Ảnh: HCMIC.

Nhiệm vụ thứ 3 được Chủ tịch Phong đặt ra là đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Các đơn vị giải ngân không tốt sẽ bị xem xét điều chỉnh vốn năm nay và năm tiếp theo thành phố sẽ tính toán lại để giao vốn cho phù hợp.

Chủ tịch TP quán triệt tinh thần là tháng 10 phải giải ngân trên 80% và đến cuối năm phải giải ngân trên 95% như đã cam kết với Chính phủ. Sở Kế hoạch Đầu tư được giao lên danh mục các dự án sẽ khởi công trước 15/10 và theo dõi từng ngày. Ông Phong nhấn mạnh đây là trách nhiệm của chủ tịch, thủ trưởng đơn vị và yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư nêu trách nhiệm rõ ràng.

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đạt mức tăng trưởng GRDP 2%. Cụ thể, khu vực dịch vụ tăng 0,67%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,88%; khu vực nông nghiệp tăng 3,11% và thuế sản phẩm tăng 1,04% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 614.000 tỷ đồng, giảm 3,7% so cùng kỳ.

Còn theo Sở Tài chính, chi ngân sách tăng 22,25%. Đầu tư công có kết quả giải ngân thực tế đạt 43,08% kế hoạch vốn được giao.

Về quy mô, 6 tháng đầu năm, thành phố đã đóng góp khoảng 25% GDP, khoảng 27% ngân sách cả nước.

Thủ tướng muốn TP.HCM 'làm mạnh dạn nhưng không gây thất thoát'

Nhấn mạnh TP.HCM có vị thế lớn nhất nước, là bộ mặt quốc gia, Thủ tướng mong muốn địa phương làm việc với tinh thần mạnh dạn, nhưng không tiêu cực, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

5 lãnh đạo Chính phủ về từng địa phương thúc giải ngân vốn đầu tư công

7 đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng, 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn ở các bộ, địa phương.

Thu Hằng - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm