Ngày 5/1, Hà Nội chìm trong lớp bụi mờ sau nhiều ngày không khí trong lành. Ô nhiễm không khí quay trở lại thủ đô với mức độ nghiêm trọng, kéo dài cả ngày.
Ô nhiễm trước và sau khi đón không khí lạnh
Lúc 16h, ứng dụng PamAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt đạt ngưỡng rất xấu, dao động 200-300 đơn vị. Hôm nay, các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm có chỉ số AQI cao nhất, nhiều nơi trên 300 đơn vị, ngưỡng nguy hại.
Trong khi đó, ứng dụng Airvisual cảnh báo chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 196 đơn vị. Với số liệu này, Hà Nội đứng thứ 3 trong số các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới ngày 5/1.
Trước đó, một số điểm quan trắc cảnh báo chỉ số ô nhiễm không khí lên tới 400 đơn vị, ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe con người khi di chuyển bên ngoài.
Chất lượng không khí Hà Nội duy trì ngưỡng có hại trong ngày 5/1 và được dự báo tiếp tục xấu trong ngày 6/1, trước khi không khí lạnh tràn về. Ảnh: PamAir. |
Với chỉ số AQI trên 200 đơn vị, người dân được khuyến cáo hạn chế tham gia hoạt động ngoài trời, kể cả việc tập thể dục vào sáng sớm. Chuyên gia khuyến cáo trường học nên cân nhắc khi cho học sinh tham gia các tiết học ngoài trời.
Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng tại Hà Nội, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mật độ chất gây ô nhiễm và hiện tượng nghịch nhiệt có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Thông thường, trước và sau khi khu vực đón không khí lạnh, trạng thái sương mù sẽ xuất hiện nhiều hơn do nhiệt độ ở lớp khí quyển đã tăng nhưng bề mặt còn khá lạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Điều này khiến các phần tử khí khó khuếch tán lên cao, bụi bẩn chỉ tồn tại được ở lớp bề mặt gây ra ô nhiễm.
Khi không khí lạnh tràn về xóa tan lớp nghịch nhiệt này, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.
Đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi xe cũ nát
Trong khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nhận định nguyên nhân chính khiến ô nhiễm không khí gia tăng là bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Các yếu tố này kết hợp với thời tiết bất lợi, hiện tượng nghịch nhiệt khiến ô nhiễm không khí gia tăng.
Nhằm kiểm soát, giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí, Bộ TN&MT yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn.
Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe, đơn vị chức năng cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, người dân. Ngoài ra, UBND cấp quận huyện, thị xã cần vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Đáng lưu ý, Bộ TN&MT đề nghị UBND Hà Nội và TP.HCM đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ trên địa bàn.
"Việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng phải được đẩy nhanh, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Thành phố phải thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường", công văn của Bộ TN&MT nêu.
Đây không phải lần đầu tiên ô nhiễm không khí xuất hiện tại Hà Nội với mức độ nghiêm trọng trong mùa đông năm nay. Trước đó, thủ đô trải qua tháng 12/2020 với nhiều ngày chất lượng không khí ở ngưỡng xấu, nhiều nơi ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại.