Sáng 12/12, Hà Nội tiếp tục chìm trong màn "sương" mờ đục. Tình trạng ô nhiễm không khí tiếp diễn, chưa có dấu hiệu thuyên giảm so với những ngày qua.
Lúc 8h, ứng dụng PamAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt đạt ngưỡng có hại, dao động 150-250 đơn vị. Hôm nay, các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm có chỉ số AQI cao nhất, đều trên 200 đơn vị.
Trong khi đó, ứng dụng Airvisual cảnh báo chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 179 đơn vị. Với số liệu này, Hà Nội đứng thứ 5 trong số các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới ngày 12/12.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Hà Nội ghi nhận AQI cao đến mức báo động. Trước đó, một số điểm quan trắc cảnh báo chỉ số ô nhiễm không khí lên tới 400 đơn vị, ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe con người khi di chuyển bên ngoài.
Với chỉ số AQI trên 200 đơn vị, người dân được khuyến cáo hạn chế tham gia hoạt động ngoài trời, kể cả việc tập thể dục vào sáng sớm. Chuyên gia khuyến cáo trường học nên cân nhắc khi cho học sinh tham gia các tiết học ngoài trời.
Chỉ số chất lượng không khí tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt cảnh báo ngưỡng có hại và rất có hại, sáng 12/12. Ảnh: PamAir. |
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí ở khu vực miền Bắc tăng cao vào các tháng mùa đông. Kết quả quan trắc tại các trạm đo không khí tự động cho thấy bắt đầu từ cuối tháng 10 trở lại đây, chất lượng không khí có diễn biến xấu đi so với những tháng trước đó.
Đặc biệt trong tháng 11 và 12, Tổng cục Môi trường đánh giá một số đợt ô nhiễm không khí đã xuất hiện tại Hà Nội và các đô thị phía bắc.
"Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI cho thấy tại Hà Nội, khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức kém, đặc biệt tập trung một tuần vừa qua", báo cáo của Tổng cục Môi trường nêu.
Đơn vị cũng cho biết giá trị thông số bụi mịn PM2.5 thường cao nhất vào ban đêm và sáng sớm. Một số nghiên cứu lý giải điều này xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên tục trong 4 ngày qua. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước tình hình này, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động trong những ngày ô nhiễm không khí tăng cao như hạn chế ra ngoài vào buổi sáng sớm và ban đêm, đóng các cửa chính, cửa sổ vào thời điểm ô nhiễm tăng cao, đeo khẩu trang chống bụi đảm bảo tiêu chuẩn khi ra đường.
Trong khi đó, trao đổi với Zing, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho biết ô nhiễm không khí tại Hà Nội trở nên nghiêm trọng do tác động của hiện tượng nghịch nhiệt.
Thời tiết trong những ngày qua tương đối lặng gió, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhau lớn, các chất bụi bẩn có trong không khí khó khuếch tán lên cao nên người dân dễ dàng cảm thấy không khí rất nặng nề, đặc biệt vào ban đêm hoặc sáng sớm.
Dù vậy, ông Tùng nhận định thời tiết là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm. Tác nhân của ô nhiễm không khí vẫn đến từ các nguồn phát thải như hoạt động giao thông, xây dựng trong thành phố.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong việc giảm thiểu các nguồn phát thải, bởi thành phố không thể chờ đợi cơ may đến từ những ngày có thời tiết thuận lợi.
Mọi biện pháp về giảm nguồn phát thải từ phương tiện cá nhân, công cộng, các công trình xây dựng trong thành phố... cần phải được làm ngay, làm quyết liệt và kiên trì, mới có thể trả lại cho Hà Nội bầu không khí trong lành.