Sáng 11/12, Hà Nội chìm trong màn sương mờ đục. Không khí chứa bụi bẩn kết hợp với sương mù bủa vây cả thành phố khiến tầm nhìn giảm, nhiều người đi đường có thể cảm thấy cay mắt nếu không trang bị đồ bảo hộ như kính, khẩu trang.
Lúc 7h, ứng dụng quan trắc Airvisual cảnh báo AQI trung bình tại Hà Nội lên cao đến 269 đơn vị, ngưỡng độc hại. Với chỉ số này, Hà Nội đứng thứ 3 trong top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, chỉ sau 2 thủ đô của Afghanistan và Kyrgyzstan.
Trong khi đó, ứng dụng PamAir đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức nguy hiểm cho sức khỏe con người. Lúc 8h, AQI ở các điểm đồng loạt cảnh báo "tím" với chỉ số chất lượng không khí trên 300 đơn vị, ở tất cả quận, huyện của thành phố.
Hà Nội lọt top 3 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới lúc 7h sáng 11/12. Ảnh: Airvisual. |
Các quận nội thành như Long Biên, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, tiếp tục nằm trong danh sách những nơi có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất Hà Nội khi AQI có lúc vượt trên 400 đơn vị. So với ngày 10/12, chỉ số này tăng đột biến ở nhiều nơi.
Trước đó, Hà Nội trải qua một số đợt ô nhiễm trong mùa thu đông nhưng chỉ số AQI chỉ dừng lại cảnh báo ở ngưỡng nguy hại.
Theo khuyến cáo, chỉ số AQI trên 300 đơn vị là báo động không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người khi ra đường hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.
Trao đổi với Zing, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho biết ô nhiễm không khí tại Hà Nội trở nên nghiêm trọng do tác động của hiện tượng nghịch nhiệt.
Cụ thể, thời tiết trong những ngày qua tương đối lặng gió, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhau lớn, các chất bụi bẩn có trong không khí khó khuếch tán lên cao nên người dân dễ dàng cảm thấy không khí rất nặng nề vào ban đêm hoặc sáng sớm.
Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội tăng cao đến ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe con người sáng 11/12. Ảnh: PamAir. |
Theo ông Tùng, thời tiết là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm. Tác nhân của ô nhiễm không khí vẫn đến từ các nguồn phát thải như hoạt động giao thông, xây dựng trong thành phố.
"Bụi bẩn thực chất vẫn luôn tồn tại bởi các nguồn phát thải chưa được giảm thiểu. Những ngày gió mạnh giúp khuếch tán các chất bẩn lên cao, không khí trong lành. Cũng có những ngày lặng gió, chất bẩn bị nén xuống, quanh quẩn ở trong thành phố", ông Tùng nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng yếu tố sương mù, độ ẩm cao góp phần làm các chất ô nhiễm bị nén xuống nhiều hơn, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng. Với diễn biến thời tiết những ngày tới không có sự thay đổi, ô nhiễm không khí tại Hà Nội vẫn còn nghiêm trọng và kéo dài.
Nói thêm về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, ông Tùng cho rằng Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong việc giảm thiểu các nguồn phát thải, bởi thành phố không thể chờ đợi cơ may đến từ những ngày có thời tiết thuận lợi.
Mọi biện pháp về giảm nguồn phát thải từ phương tiện cá nhân, công cộng, các công trình xây dựng trong thành phố,... cần phải được làm ngay, làm quyết liệt và kiên trì, mới có thể trả lại cho Hà Nội bầu không khí trong lành.