Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hà Nội bớt ô nhiễm chỉ nhờ 'ăn may'

Chuyên gia cho rằng để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội không thể chờ cơ may đến từ thời tiết, khí hậu mà cần có giải pháp quyết liệt giảm thiểu nguồn phát thải.

Ha Noi o nhiem khong khi nghiem trong anh 1

Sáng 14/12, thành phố Hà Nội chìm trong bầu không khí đặc quánh. Các tòa nhà cao tầng biến mất sau lớp bụi dày đặc, tầm nhìn xa giảm đáng kể.

Đây là ngày thứ 6 người dân cảm nhận được mức độ ô nhiễm không khí chỉ bằng mắt thường.

Trong khi đó, các chỉ số AQI trên hệ thống của AirvisualPamAir cho thấy mức độ ô nhiễm tại Hà Nội vô cùng nghiêm trọng. Lúc 8h, các điểm trong thành phố ghi nhận AQI dao động 200-300 đơn vị, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người.

Trao đổi với Zing, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng ô nhiễm không khí không phải vấn đề mới. Việc để chất lượng không khí tồi tệ từ năm này qua năm khác là do Hà Nội thiếu quyết tâm trong việc giảm thiểu các nguồn phát thải.

"Thời tiết không phải nguyên nhân"

- Ô nhiễm không khí đã quay trở lại Hà Nội với mức độ đáng báo động trong những ngày qua. Vậy nguyên nhân của đợt ô nhiễm này là gì, thưa ông?

- Như mọi người có thể thấy là tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua rất nghiêm trọng, có những thời điểm chỉ số AQI nhảy vọt lên trên 400 đơn vị, cực kỳ độc hại. Nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân ô nhiễm, trong khi nguồn thải không có gì đột biến, ôtô, xe máy đi lại vẫn bình thường.

Tương tự nhiều lần khác, ô nhiễm không khí đợt này do tác động của yếu tố thời tiết, khí hậu. Những ngày qua, gió lặng, bầu không khí có nhiều sương mù, độ ẩm cao nên chất bụi bẩn bị nén xuống, không khuếch tán đi đâu được.

Ha Noi o nhiem khong khi nghiem trong anh 2

Hà Nội tiếp tục bị bủa vây trong bầu không khí đặc quánh liên tục trong các ngày 9-14/12. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngoài ra, phản ứng nghịch nhiệt khiến các chất thải chỉ loanh quanh một chỗ, do đó chỉ số AQI có xu hướng tăng cao ở những nơi có nhiều công trình xây dựng. Đây là hiện tượng rất hay xảy ra trong các tháng mùa đông ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội.

Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng thời tiết chỉ là yếu tố tác động, không phải nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Nguồn phát thải gây ra ô nhiễm không khí vẫn đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng.

- Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí trong tháng 10 và 11 tại miền Bắc đã có dấu hiệu suy giảm so với năm 2019. Theo ông, nguyên nhân của việc chất lượng không khí được cải thiện đến từ những giải pháp hiệu quả hay từ nguyên nhân khách quan là thời tiết?

- Tôi cho rằng để nhận định tình trạng ô nhiễm không khí có giảm hay không thì phải cần theo dõi mấy năm liền, còn kết quả theo dõi từ năm ngoái đến năm nay cũng chưa nói được gì cả. Như bạn có thể thấy, dù ô nhiễm không khí trong tháng trước đã giảm nhưng tháng này lại tăng cao. Vì vậy luận điểm "ô nhiễm không khí đã giảm so với năm 2019" cần được xem lại.

Ngoài ra, kể cả ô nhiễm không khí có thực sự giảm thì tôi nghĩ nó chỉ đến từ yếu tố khách quan là thời tiết, khí hậu. Chúng ta chưa có biện pháp gì hiệu quả để kiểm soát các nguồn thải.

Tôi nói đơn giản như nguồn thải mà chúng ta nói đến nhiều nhất là từ các phương tiện giao thông. Hà Nội làm gì để kiểm soát khí thải từ xe máy hoặc ít nhất là khuyến khích mọi người thường xuyên tham gia phương tiện giao thông công cộng. Thế thì chúng ta dựa vào đâu để có thể kỳ vọng là ô nhiễm không khí sẽ giảm?

Tóm lại, tôi nghĩ tình trạng ô nhiễm có thể giảm được trong ngày này, ngày kia không phải do những nỗ lực của chúng ta, mà là do ăn may, "nhờ trời".

Phải quy trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm không khí

- Năm 2019, Hà Nội cũng có những thời kỳ ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng. Nhiều cuộc họp của thành phố và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng được tổ chức, bàn về các giải pháp. Sau một năm, ông nhận định tính hiệu quả của các biện pháp này như thế nào?

- Tất nhiên là để giảm thiểu ô nhiễm không khí thì mình cần có nhiều biện pháp và cũng không thể mong là chúng ta làm hôm nay thì ngày mai sẽ nhìn thấy ngay kết quả. Nhưng chúng ta cũng cần phải xem lại thời gian vừa qua, Hà Nội đã làm gì.

Rất tiếc phải nói rằng Hà Nội cũng có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí đấy, nhưng mà ít quá. Tôi chưa thấy được biện pháp nào thực sự hiệu quả, mọi người mới chỉ nói, chứ chưa thấy có thực hành.

Hà Nội chưa đủ quyết tâm và quyết liệt để thấy được vấn đề ô nhiễm không khí đang rất báo động và cần được giải quyết ngay. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ nói mà không làm gì cả, điệp khúc ô nhiễm sẽ còn tiếp diễn trong năm sau và nhiều năm sau nữa.

Ha Noi o nhiem khong khi nghiem trong anh 3

Các tòa nhà cao tầng "biến mất" trong lớp bụi mờ mịt. Ảnh: Duy Hiệu.

- Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định rõ ràng về quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi để tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra ở các địa phương. Theo ông, khi luật đi vào cuộc sống, các quy định này có ý nghĩa như thế nào tới việc thúc đẩy các địa phương thực hiện những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí?

- Tôi nghĩ những quy định này đều có từ trước rồi, việc quy trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm không khí cho người đứng đầu không phải mới. Nhưng vấn đề là chúng ta thực thi nó như thế nào. Đơn giản như quy định về kiểm soát khí thải xe máy đã có trong quyết định của Thủ tướng từ lâu rồi chứ không phải chờ đến Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mới có. Nhưng không ai làm cả.

Những giải pháp này không khó thực hiện, nếu thực sự quyết liệt. Khó ở đây, nếu có, thì là trong tư duy, sự quyết tâm và nhận thức của mọi người, chứ không phải trong thực hiện các giải pháp.

Chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao sức khỏe người dân bị coi nhẹ như thế. Nếu để nói rằng chưa nhận thức đúng về tác động của ô nhiễm không khí thì không đúng. Bao nhiêu người chết và ung thư vì ô nhiễm đều đã được chỉ ra trong rất nhiều nghiên cứu. Nó là số liệu khoa học chứ không chỉ là nói miệng nữa.

Do đó, tôi thấy tình trạng ô nhiễm không khí phải được quy vào vấn đề trách nhiệm, chứ nó không đơn giản là có nhận thức được mức độ nghiêm trọng hay không nữa. Mọi người đều biết nó rất nguy hiểm, chỉ là sức khỏe của người dân vẫn chưa phải vấn đề được thành phố ưu tiên.

- Vậy ông có khuyến cáo gì cho người dân trong những ngày ô nhiễm không khí gia tăng?

- Người dân phải tự tìm cách để bảo vệ mình chứ không thể trông chờ ai. Vào những ngày chỉ số AQI tăng cao, những người nhạy cảm như trẻ em hoặc người có tiền sử về mặt hô hấp cần hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời.

Kể cả đối với các hoạt động thể dục thể thao vào sáng sớm, người dân cũng nên cân nhắc vì ô nhiễm không khí thường tăng cao vào thời gian này. Đặc biệt, các trường học cần lưu ý khi cho học sinh tham gia các tiết học ngoài trời. Đương nhiên việc đi lại, di chuyển thì không thể tránh khỏi nhưng nên được hạn chế để giảm tối đa tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe.

Miền Bắc bước vào đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông

Không khí lạnh sẽ gây mưa cho các tỉnh Bắc Bộ từ trưa và chiều 14/12. Lúc này, khu vực chuyển rét và tiếp tục giảm nhiệt sâu xuống 11-14 độ C trong những ngày tới.

5 ngày rét đậm, rét hại ở miền Bắc diễn ra thế nào?

Từ ngày 15/12, miền Bắc bước vào một đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng là 11-13 độ C, vùng núi 8-11 độ C. Băng giá khả năng xuất hiện ở các khu vực núi cao.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm