Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao khi từ chối nên khéo léo và lịch sự?

Có rất nhiều cách để từ chối, từ chối khéo một cách lịch sự, thông thường sẽ nhận được sự thông cảm từ đối phương.

Giai Di là cô gái tôi quen khi còn học đại học, chúng tôi học cùng khoa, sống chung một tầng ký túc, cho đến tận bây giờ khi nói về quá trình quen biết của cả hai, tôi vẫn cảm thấy có đôi chút kỳ lạ.

Hôm đó ký túc xá mất điện nên tôi chạy lên sân thượng hóng gió, tôi nhìn thấy một cô gái đang ngồi trong góc thở dài thườn thượt. Mang theo trách nhiệm của một “người chị em thân thiết”, tôi bước tới và ngồi cách cô ấy không xa.

Sau khi cả hai ngồi im lặng một lúc lâu, cô ấy đột nhiên nói: “Bạn học ơi, cậu có cảm thấy yêu đương mệt mỏi không?” Không đợi tôi trả lời, cô ấy đã tự nói tiếp, “Mình cảm thấy rất mệt, bây giờ mình mù mịt quá.”

Cô ấy tự giới thiệu mình tên là Giai Di, bạn trai đang học tại Học viện Phát thanh Truyền hình, cách trường của chúng tôi không xa. Trước đây mỗi khi tan học, bạn trai đều đến tìm cô ấy, hai người ăn cơm cùng nhau xong thì sẽ hẹn hò ở công viên gần trường, hoặc là đến quảng trường đi dạo. Tháng ngày trôi qua thật ngọt ngào.

Tu choi anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: SHVETS production/Pexels.

Nhưng gần đây bạn trai quen biết với một vài đàn anh, thời gian ở bên cô ấy ngày càng ít đi, những nơi mà bạn trai xuất hiện cũng ngày càng phức tạp. Có lần anh ta còn uống say ở một quán bar nhỏ gần trường, xích mích với một số sinh viên trường khác. Vì lý do này, Giai Di rất tức giận, không muốn bạn trai tiếp xúc quá nhiều với bọn họ nữa.

Bạn trai cho rằng đây là các mối quan hệ xã giao của anh ta, không muốn Giai Di can thiệp quá nhiều. Tuy nhiên thỉnh thoảng có một số nơi bạn trai vẫn đưa Giai Di đi cùng, chẳng hạn như sinh nhật bạn gái của đàn anh, hoặc đội bóng của đàn anh giành được cúp thi đấu cấp trường.

Lần nào Giai Di cũng không muốn đi, nhưng lần nào cũng đều cả nể đồng ý lời mời của bạn trai, để rồi mỗi lần quay về cô ấy đều cảm thấy bản thân vô cùng khó chịu.

Giai Di biết rõ bản thân vốn không hề thích kiểu xã giao này, cũng không hợp với hoàn cảnh như vậy.

“Có phải cậu muốn từ chối, nhưng lại sợ bạn trai giận không?” Cuối cùng tôi cũng hiểu ra nguyên nhân khiến cô ấy cảm thấy “yêu đương mệt mỏi” rồi. Thực ra chính là cô ấy không biết phải từ chối lời mời của bạn trai như thế nào, sợ từ chối sẽ khiến bạn trai tức giận hoặc không vui, thậm chí lo sợ sẽ khiến mối quan hệ của họ tan vỡ.

Giai Di gật đầu, ngập ngừng nói: “Anh ấy nói hôm nay là sinh nhật của một đàn chị, mấy người bạn của họ cũng sẽ đi, muộn chút có lẽ sẽ tới gọi mình. Mình thật sự không muốn đi nữa, bọn mình đã rất lâu không hẹn hò riêng rồi.” Cô ấy phàn nàn, “Lần trước một người bạn của anh ấy còn hỏi anh ấy sao mặt mình cứ xị ra không chịu cười, có phải là cãi nhau với anh ấy nên không vui không. Những lời xã giao như vậy quá nhiều, mình thật sự rất mệt.”

“Thay vì ép bản thân làm những chuyện không vui, chi bằng cậu hãy nói thẳng với anh ấy, tuy nhiên cần phải điều chỉnh cách biểu đạt, khéo léo nhắc nhở anh ấy.” Dùng lời nói của người anh em chí cốt, tôi lại bắt đầu đưa ra chủ ý tồi rồi.

Thấy Giai Di như hiểu như không, tôi bắt đầu tiến hành “tẩy não” cho cô ấy. Tôi bày tỏ với cô ấy một cách chắc nịch rằng, yêu đương là chuyện vô cùng hạnh phúc, cậu không thể khiến bản thân ấm ức hay khiến mối quan hệ của mình rơi vào bế tắc vì sự cả nể và rụt rè của cậu được.

Khi chúng tôi đang trò chuyện vui vẻ thì điện thoại của Giai Di đổ chuông, cô ấy nhìn tôi rồi nhíu mày. Tôi nhanh chóng ra ám hiệu cô ấy có thể thử từ chối một cách khéo léo.

Ở đầu bên kia điện thoại, Giai Di chưa kịp nói gì thì bạn trai đã chủ động lên tiếng: “Em đang ở đâu thế? Anh đến đón em, đàn chị và mọi người đều tới nơi rồi.”

“À thì...” Tôi gật đầu với Giai Di, làm động tác cổ vũ cho cô ấy, cô ấy hít một hơi thật sâu, sau đó nói: “Xin lỗi, em không muốn đi. Anh đừng nổi nóng, nghe em nói hết đã.” Không cho bạn trai cơ hội ngắt lời, Giai Di lấy hết can đảm nói, “Em biết anh muốn giới thiệu bạn bè của anh với em, nhưng em thật sự không thích những nơi như vậy. Mỗi lần đến đó em đều cảm thấy bản thân thật lạc lõng, các anh chơi việc của các anh, còn em thì ngồi đó một mình. Mỗi lần quay về em đều cảm thấy rất mệt, chắc anh vẫn còn nhớ lần trước bạn anh hỏi anh câu gì chứ? So với việc ép bản thân tới đó, em không vui, mà các anh cũng chưa chắc đã chơi hết mình, vì vậy em thấy em vẫn không nên đi thì hơn.”

Bạn trai chỉ nói một câu đơn giản “Vậy anh đến đó ngồi một lát” rồi cúp máy luôn.

Sau khi ngắt điện thoại, Giai Di vừa căng thẳng vừa sợ hãi, cô ấy lo lắng bạn trai sẽ tức giận vì không hiểu được lời từ chối khéo của cô ấy. Ai ngờ, chưa đầy nửa tiếng sau, bạn trai lại gọi điện thoại đến nói rằng anh ta đang ở dưới ký túc xá của chúng tôi, đợi Giai Di xuống tầng để đến với thế giới của riêng hai người họ, anh ta cũng nhân tiện xin lỗi Giai Di: “Xin lỗi em, anh chỉ mải để ý đến bản thân mà không quan tâm đến cảm nhận của em.”

Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại, có rất nhiều cách để từ chối, từ chối khéo một cách lịch sự, thông thường sẽ nhận được sự thông cảm từ đối phương, người quan tâm bạn cũng sẽ quan tâm đến cảm xúc của bạn.

Mộ Vân Chi/NXB Dân Trí - Bách Việt Books

SÁCH HAY