Black Friday - ngày hội mua sắm của người Mỹ đang được nhiều nước quanh khu vực và châu Á du nhập. Ở Trung Quốc, phiên bản Black Friday chính là Singles' Day (ngày lễ độc thân), ở Hàn Quốc là Beufle và Nga là Cyber Monday (Thứ hai điện tử).
Tại Việt Nam, ngày "Thứ sáu đen" cũng được nhiều đơn vị hưởng ứng, tổ chức trùng với thời gian diễn ra tại Mỹ. Song, kể từ năm 2015, người tiêu dùng Việt có thêm Online Friday (Ngày mua sắm trực tuyến mùa thu), được tổ chức vào ngày 28/8/2015.
Song, hình thức mua sắm trực tuyến còn khá mới lạ với người Việt, khiến các doanh nghiệp cũng không hào hứng bằng bán trực hàng trực tiếp.
Black Friday ở Mỹ là dịp mua sắm được người dân mong chờ nhất trong năm. Bởi trong dịp này, nhiều mặt hàng mới được giảm giá ở mức 30-70%. Vì thế, người dân ở quốc gia này phải dựng lều trước trung tâm thương mại, siêu thị từ tối hôm trước. Họ chen lấn, giành giật thậm chí là dẫm đạp lên nhau để kịp săn hàng giảm giá.
Thay vì săn hàng hiệu giảm trong nước, nhiều người tiêu dùng Việt chấp nhận chịu trả phí mua hộ và vận chuyển cao để mua ở nước ngoài. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Mua hàng Black Friday ở... nước ngoài
Trong khi đó, ở Việt Nam, người tiêu dùng có vẻ ít hào hứng, bởi những tấm poster giảm giá 30-70%, thậm chí 80% đã quá quen thuộc. Những sự kiện giảm giá "thực sự" của các thương hiệu lớn cũng diễn ra liên tục trong năm như "Tuần lễ mua sắm hàng hiệu giảm giá" (tháng 6), "Giảm giá hàng hiệu tại Sofitel" (tháng 9), "Elle shopping fun 2015" (tháng 10)...
Cũng chính vì thế, vào dịp này, nhiều người không hào hứng mua hàng hiệu giảm giá trong nước mà đặt mua từ web bán hàng ở Mỹ.
Chị Trần Thị Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị không yên tâm khi mua hàng giảm giá ở Việt Nam vì rất khó nhận biết được giá trị thực của món đồ. Bên cạnh đó, theo chị Hương, với mức giảm giá ở Mỹ, trừ chi phí vận chuyển về Việt Nam, giá món đồ cũng chỉ ngang bằng, thậm chí rẻ hơn so với mua ở Việt Nam.
Cũng vì thế, chị Hương chấp nhận chịu mức phí mua hộ và vận chuyển lên tới 35% (đắt gấp 2 lần thông thường) để săn hàng giảm giá trên một trạng web bán hàng của Mỹ. Để tiết kiệm chi phí mua hộ, một số bạn của chị Hương còn nhờ chuyển đến địa chỉ nhà người thân ở nước ngoài sau đó gửi về Việt Nam theo đường xách tay.
Bên cạnh đó, cũng với lý do nhiều đơn vị trong nước tung giá khuyến mại ảo để thanh lý hàng tồn, hết mốt; thậm chí là thay giá khiến chị Hương hết hào hứng với Black Friday phiên bản Việt.
Không chỉ khách hàng mà gần đây, nhiều đơn vị kinh doanh Việt cũng tỏ ra thờ ơ với chương trình này. Tại một trung tâm thương mại ở Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), phần lớn các thương hiệu không có đợt giảm giá trong dịp này.
Mặc dù mới khai trương chi nhánh mới, song, anh Nguyễn Văn Thanh, chủ một gian hàng đồng hồ hiệu ở đây cho biết, không tổ chức ngày Black Friday. Bởi năm trước, doanh thu của cửa hàng từ sự kiện này không đáng kể. Cũng theo ông chủ này, ngày hội mua sắm của Việt Nam thực sự vào dịp Tết, vào khoảng thời gian giữa tháng 12 dương lịch cho đến Tết âm lịch.
Giảm giá tới 50% nhưng nhiều cửa hàng thời trang vẫn khó tăng mạnh doanh số. Ảnh: Khánh Linh. |
Trong khi đó, tại Big C Thăng Long (Hà Nội), dù treo biển giảm giá Black Friday tới 50% và đã là gần 11h sáng Chủ nhật nhưng nhiều cửa hàng thời trang vẫn thưa khách. Nhân viên của một cửa hàng thời trang ngay gần cửa ra vào cho biết, các dịp lễ, Tết cửa hàng đều có giảm giá và lần này chỉ giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, do không đẩy mạnh quảng cáo nên lượng khách chỉ đông hơn chứ không tăng vọt. "Yếu tố Black Friday không làm khách hàng hào hứng lắm", chị này nhận xét.
Giảm giá 50-70% ở Việt Nam là ảo
Trong khi đó, ông Lê Đức Anh, đại diện Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, người tiêu dùng Việt săn hàng hàng giảm giá tại các nước trên thế giới là một dấu hiệu đáng mừng. Bởi phần lớn, khách mua sẽ thanh toán bằng thẻ, tạo thói quen mua sắm trực tuyến qua thị trường thương mại điện tử.
"Thực chất, thị trường thương mại điện tử có cái hay là không biên giới, và thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ mua sắm. Họ được trải nghiệm mua sắm nước ngoài, họ sẽ quen với mua sắm trong nước", ông cho hay.
Theo ông Lê Đức Anh, lý do khách hàng Việt ưa chuộng săn hàng giảm giá ở nước ngoài cũng một phần "tình cảm" họ dành cho các thương hiệu lớn, mua sắm chuyên nghiệp. Song, cũng phải kể tới việc các đơn vị trong nước đã đưa ra mức khuyến mại thật hay không, chất lượng hàng hóa như thế nào?
Trong khi đó, ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị điện máy MediaMart khẳng định với Zing.vn: "Black Friday ở Việt Nam là giá ảo. Tôi rất ít tin mức giảm giá tới 50-70% mà nhiều thương hiệu đưa ra". Chuyên gia này phân tích, phần lớn các hàng giảm giá 50-70% ở Việt Nam không có giá chuẩn để so sánh nên rất khó xác định mức giảm giá thật là bao nhiêu.
"Với các loại hàng hiệu, có giá so sánh chuẩn trên toàn cầu, kiểm tra được trên Internet thì người tiêu dùng có thể thấy được điều này. Đơn cử như ngành hàng điện tử mà chúng tôi đang kinh doanh, nếu tivi, tủ lạnh đã có giá chuẩn rồi, giảm 50-70% thì chỉ có lỗ nặng", ông Vũ chia sẻ.