“Chúng tôi kêu gọi công dân Israel không bay tới Istanbul. Nếu không có lý do thiết yếu, đừng bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu đã đến đó, hãy trở lại Israel càng sớm càng tốt”, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid hôm 13/6 cảnh báo.
Căn cứ cho lời kêu gọi là “một số nỗ lực của Iran nhằm thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhắm vào người Israel trong kỳ nghỉ”, theo ông Lapid.
“Tôi cũng muốn gửi đi thông điệp tới Iran. Bất cứ người nào hãm hại công dân Israel sẽ không thể thoát tội. Cánh tay nối dài của Israel sẽ tóm được chúng, bất kể chúng ở đâu”, vị ngoại trưởng nhấn mạnh.
Vị trí của Israel và Iran tại Trung Đông. Đồ họa: New York Times. |
Từ đồng minh tới thù địch
Trong các xung đột tại Trung Đông, mâu thuẫn giữa Iran và Israel ẩn chứa nguy cơ bùng nổ lớn nhất, theo Bloomberg.
Lãnh đạo Iran từng đe dọa hủy diệt Israel và cũng bị nghi đang theo đuổi vũ khí hạt nhân để củng cố lời đe dọa ấy. Trong khi đó, Israel - nước nhiều khả năng đã có vũ khí hạt nhân - cam kết làm mọi cách để ngăn Iran đạt mục tiêu.
Trước khi trở thành kẻ thù không đội trời chung, Iran và Israel từng là đồng minh từ thập niên 1950, dưới sự trị vì của vị quân vương cuối cùng tại Iran, Vua Mohammad Reza Pahlavi. Tình hữu nghị ấy đột ngột chấm dứt sau cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran vào năm 1979.
Lãnh đạo mới của Iran có lập trường bài trừ Israel mạnh mẽ, lên án đối phương là đế quốc tại Trung Đông. Iran cũng hỗ trợ các tổ chức vũ trang chống đối Israel, như Hezbollah ở Lebanon và tổ chức Hamas của người Palestine.
Trong khi đó, Israel coi khả năng Iran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa sống còn đối với mình. Nước này được cho là đứng đằng sau chiến dịch phá hoại chương trình hạt nhân của Iran.
Thời gian qua, Israel và Iran giao tranh ngấm ngầm trong bóng tối với những đòn tấn công âm thầm trên bộ, trên không và trên biển, trong đó một số lần là thông qua chiến tranh ủy nhiệm.
Ôtô xếp hàng chờ đổ xăng tại Tehran, thủ đô Iran vào ngày 27/10/2021, một ngày sau vụ tấn công mạng vào hệ thống phân bổ nhiên liệu của Iran. Ảnh: AP. |
Nhưng các cuộc đụng độ đã trở nên công khai hơn. Căng thẳng giữa hai bên bị đẩy lên cao sau một loạt sự kiện gây chú ý mà Iran đổ lỗi cho Israel, như vụ tấn công mạng làm tê liệt trạm xăng dầu khắp Iran vào tháng 10/2021.
Gần đây hơn, Iran khẳng định Israel đứng đằng sau vụ ám sát Hassan Sayad Khodayari, đại tá Vệ binh Cách mạng Quốc gia Iran, người đã bị tay súng đi môtô bắn chết giữa phố hôm 22/5. Israel từng cáo buộc đại tá Khodayari lên kế hoạch tấn công công dân nước mình trên khắp thế giới.
Sau khi tổng thống Iran thề báo thù vụ ám sát đại tá Khodayari, Hội đồng An ninh Quốc gia Israel hồi cuối tháng 5 đã liệt kê Thổ Nhĩ Kỳ là nước “rủi ro cao” vì Tehran có thể tìm cách hãm hại công dân Israel tại đây.
Âm mưu nhắm vào công dân Israel
Israel bị cho là đã không kích vào sân bay quốc tế Damascus của Syria vào tuần trước, khiến 2 đường băng hư hỏng nặng. Sân bay này nằm về phía nam thủ đô Syria, nơi hoạt động thường xuyên của các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn, bao gồm Hezbollah.
Israel hiếm khi bình luận về từng vụ không kích riêng biệt, nhưng quốc gia này đã thừa nhận thực hiện hàng trăm vụ tại Syria. Quân đội Israel cho rằng các đòn đánh này là cần thiết để ngăn Iran có được bàn đạp tại cửa ngõ vào Israel.
Thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Quốc gia Iran duyệt binh tại Tehran. Ảnh: Reuters. |
Cũng trong phát biểu hôm 13/6, Ngoại trưởng Lapid cho biết một số người Israel gần đây đi tới Thổ Nhĩ Kỳ đã trở về nước mà “không biết họ đã được cứu mạng”.
Vài giờ sau phát biểu của ông Lapid, Hội đồng An ninh Quốc gia Israel nâng mức cảnh báo đi lại đối với Istanbul lên mức 4, mức cao nhất. Các khu vực khác của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở mức 3.
Cùng ngày 13/6, đài phát thanh Kan của Israel khẳng định đặc vụ Iran đã lên kế hoạch bắt cóc công dân Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ vào một tháng trước nhưng âm mưu bị phá sau khi Ankara nhận thông tin từ Israel.
Trong khi đó, tờ Yediot Ahronot của Israel dẫn một quan chức an ninh ẩn danh cho biết có một số “ổ đặc vụ” của Iran lên kế hoạch nhắm vào du khách Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Lapid cảm ơn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ “vì công sức họ dành cho việc bảo vệ mạng sống công dân Israel” nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.
Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm nghỉ dưỡng ưa thích của người Israel, kể cả trong hơn một thập kỷ quan hệ hai nước rạn nứt. Những tháng gần đây, hai quốc gia này đã hàn gắn quan hệ. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cao tầm quan trọng của Israel đối với ngành du lịch của nước này.