Chiều ngày 15/7/2014, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way) bị sự cố hướng sang Hong Kong, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 18 km, gây gián đoạn việc cung cấp dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Theo thông báo từ FPT Telecom, một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet thuê chung tuyến cáp quang AAG, việc trao đổi thông tin đi nước ngoài thông qua các dịch vụ web, e-mail, thoại, video… của người dùng bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng. FPT cho biết đã sử dụng tuyến cáp khác trên đất liền để "giảm tải" cho tuyến AAG đang gặp sự cố.
Tuyến cáp AAG (màu xanh lá, hai đoạn rẽ nhánh vào VN) có chi phí thuê rẻ hơn 1/3 so với các tuyến cáp quang biển trong khu vực. |
Trong quá trình hoạt động từ năm 2009 đến nay, tuyến cáp quang biển AAG đã vài lần gặp sự cố tại khu vực giữa Hong Kong - Việt Nam - Singapore. Lần gần nhất là đầu tháng 3 năm nay. Trong sự cố ngày 15/7 vừa qua, vị trí cáp đứt thuộc phân đoạn đi Hong Kong. Phân đoạn kết nối với trạm Singapore vẫn hoạt động bình thường.
Theo TeleGeography, hiện tại khu vực biển Đông có khá nhiều tuyến cáp quang tương tự AAG, như FEA (Flag Europe - Asia, Thái Lan đang thuê), SeaMeWe-3, APCN-2 (đều cho Philippines thuê), SJC và EAC-C2C (đang cung cấp cho Indonesia). Đặc điểm chung của các tuyến cáp quang này là đều kết nối đến Hong Kong và Singapore, sau đó chuyển tiếp đến các tuyến quốc tế khác.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đinh Như Khoa, Trường phòng Khai thác dịch vụ trực tuyến VDC2 cho rằng, AAG sở dĩ được các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam chọn thuê vì có chi phí rẻ nhất trong số các tuyến cáp quang biển hiện có trong khu vực. Tuy không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Khoa cho biết chi phí thuê đường truyền ra quốc tế các tuyến cáp quang khác có giá đắt hơn gấp 3 lần so với AAG. Đây cũng là một trong những lí do khiến chi phí thuê bao Internet tại Việt Nam rẻ hơn so với trong khu vực.
Cùng quan điểm với ông Khoa, ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc của Netnam, cũng cho rằng vì đây là tuyến cáp giá rẻ, nên nhà cung cấp AAG đã cắt giảm đi những hoạt động dự phòng (tuyến cáp phụ, các đợt bảo trì, kiểm tra). Do đó, khi sự cố xảy ra, AAG phải mất thời gian khởi động lại hệ thống dự phòng.
Tương tự như những lần tuyến cáp AAG gặp sự cố trước đó, các nhà cung cấp Internet tại Việt Nam đã phải tạm thuê các tuyến cáp lân cận với chi phí gấp 3 lần để duy trì dịch vụ cho người dùng. "Nhiều người dùng Internet tại Việt Nam tỏ ra giận dữ trước các sự cố đứt cáp và đòi bồi thường, đền bù... nhưng ít ai biết rằng đây là sự cố thuộc về một nhà cung cấp trong khu vực, và các ISP tại Việt Nam chỉ là người đi thuê lại đường truyền về phục vụ cho nhu cầu trong nước", một chuyên gia trong ngành viễn thông chia sẻ.
AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Tại Việt Nam, các ISP như FPT Telecom, Viettel, VNPT, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế. Đến nay, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG. Ngoài Việt Nam, tuyến cáp quang AAG cũng rẽ nhánh vào Philippines, Brunei, Malaysia...