Mọi ứng viên cảnh sát Indonesia đều phải trải qua màn kiểm tra trinh tiết bắt buộc. Ảnh: Asianews |
Giống như hàng nghìn ứng viên nữ muốn gia nhập lực lượng cảnh sát Indonesia, Sari, 24 tuổi, phải trải qua thủ tục kiểm tra trinh tiết bắt buộc. Nó là một phần trong việc tuyển dụng nữ cảnh sát, CNN đưa tin. Sari không phải tên thật của nhân vật.
Sari chia sẻ cô phải kiểm tra tại bệnh viện Cảnh sát ở thành phố Makassar trong năm 2008 cùng 20 tân binh khác. Họ phải cởi bỏ quần và nằm trên bàn, nơi bác sĩ thực hiện thủ tục kiểm tra trinh tiết bằng tay.
Sáu năm sau lần kiểm tra bắt buộc, Sari cho biết cô vẫn thấy bị tổn thương. “Tôi sợ rằng trong quá trình kiểm tra trinh tiết, người ta đã khiến tôi không còn là con gái. Bạn tôi đã ngất xỉu vì quá đau”, Sari kể lại với CNN trong cuộc phỏng vấn.
Cảnh sát Indonesia áp dụng việc kiểm tra trinh tiết hàng nghìn phụ nữ muốn gia nhập lực lượng này từ đầu năm 1965 bất chấp nó trái với các nguyên tắc của cảnh sát bao gồm “phân biệt đối xử” và “nhân đạo”. Thậm chí, cộng đồng quốc tế còn coi đây là sự vi phạm nhân quyền, cần phải bị ngăn chặn vì nó “tàn ác và vô nhân đạo”, vi phạm điều 7, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và điều 16 của Công ước chống tra tấn mà chính phủ Indonesia đã phê chuẩn.
Nhiều người cáo buộc việc kiểm tra trinh tiết nữ ứng viên vi phạm nhân quyền và là hành động vô nhân đạo. Ảnh: Time |
Sri Rumiati, một giảng viên cảnh sát đang giảng dạy tại Đại học Cảnh sát Jakarta, từng trải qua việc kiểm tra trinh tiết năm 1984. Hoạt động trong ngành cảnh sát, bà nhận thấy rõ những bất cập của việc này và đấu tranh để loại bỏ nó. Tuy nhiên, người ta không dừng hành động này vì coi kiểm tra trinh tiết là cách thức hiệu quả để ngăn gái mại dâm gia nhập lực lượng cảnh sát.
Tổng thanh tra Moechgiyarto, một quan chức cảnh sát cấp cao của Indonesia, hôm 18/11 xác nhận việc cảnh sát kiểm tra tinh tiết nữ ứng viên. Thay vì lên án hành động này, ông Moechgiyarto lên tiếng bảo vệ việc kiểm tra vì coi đó là cách thức để “đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức” của cảnh sát và coi những người thất bại là gái mại dâm. “Nếu cô ấy (ứng viên) là gái bán dâm, chúng tôi không thể để cô ta lọt vào hàng ngũ của mình”, ông Moechgiyarto khẳng định.
Tuy nhiên, cảnh sát không phải lực lượng duy nhất áp dụng những cuộc kiểm tra trinh tiết. Trong tháng 8/2013, H.M. Rasyid, quan chức phụ trách giáo dục của huyện Prabumulih ở miền nam Sumatra, đã phát động cuộc kiểm tra trinh tiết bắt buộc với các nữ sinh trung học nhằm ngăn tình trạng “quan hệ tình dục trước hôn nhân và mại dâm”. Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, khiến Bộ trưởng Giáo dục Indonesia Mohammad Nuh phải can thiệp.