Phụ nữ Triều Tiên mang hoa tới tượng chủ tịch Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA |
Giáo sư Seok Hyang Kim tại Đại học Phụ nữ Ewha là học giả chuyên hợp tác với Bộ Thống nhất Hàn Quốc trong các vấn đề Triều Tiên. Gần đây bà là thành viên trong phái đoàn Hàn Quốc đến thăm Bình Nhưỡng để tìm hiểu sâu hơn về đời sống của người dân ở đây.
Nhận định về bình đẳng giới tại Triều Tiên, Kim cho biết vị thế của nam giới luôn cao hơn ảnh hưởng của người phụ nữ. "Nếu bạn là nữ giới, nhà nước sẽ cho rằng bạn không có quyền lực, và tất nhiên không quan trọng", giáo sư Kim trả nói với kênh SBS (Australia) vào ngày 29/8.
Kim tiết lộ về ba tiêu chuẩn đức hạnh của người phụ nữ Triều Tiên: Họ phải quán xuyến việc nhà thật tốt, có một công việc ổn định để giúp đỡ tài chính cho gia đình và phải luôn kính trọng người đàn ông chính trong gia đình như chồng hoặc bố. "Phụ nữ không được thể hiện ý kiến trái ngược với chồng hoặc bố. Họ luôn là người bề dưới, phải giữ im lặng và tỏ ra lễ độ, vâng lời", Kim nói.
Là đại diện nữ trong phái đoàn Hàn Quốc, bà Kim đọc được suy nghĩ từ ánh mắt của các quan chức ở Bình Nhưỡng: “Tại sao bà ấy có thể là một đại biểu? Bà ấy chỉ là phụ nữ nên không thể giữ vị trí quan trọng này”.
Một số người cho rằng một người đàn ông rất quyền lực đứng sau Kim và họ quyết định tìm hiểu thân thế bố của bà. Tuy nhiên, sau khi biết thân phụ của nữ giáo sư chỉ là một mục sư đã về hưu, giới chức Triều Tiên tiếp tục tìm thông tin về vai vế của chồng bà Kim. “Tôi nghĩ họ rất thất vọng vì tôi không lập gia đình”, giáo sư nói.
Khi tiếp xúc với hơn 100 quan chức và phụ nữ tại Triều Tiên, Kim hiểu rằng định kiến giới ở Triều Tiên rất nặng nề. “Họ đều nói vai trò người phụ nữ chỉ là bảo đảm việc nhà thật tốt, kiếm tiền để giúp gia đình, nhưng không thể trở thành trụ cột trong nhà”.
Một số phụ nữ Triều Tiên cũng nói với Kim: “Bà chỉ là một phụ nữ, sao có thể trở thành chủ gia đình được? Vị trí đó chỉ dành cho đàn ông thôi”. Bà Kim cho biết những phụ nữ này tỏ ra chấp nhận cuộc sống và không có thái độ phản đối.
Một trong những điểm “tích cực” của phụ nữ khi không nằm trong tầm ngắm của chính quyền là họ có thể buôn bán ở chợ đen (để tránh phải nộp thuế cho nhà nước). “Nếu bạn là đàn ông mà kinh doanh không rõ ràng thì nhà chức trách sẽ sờ gáy ngay”, Kim nói.
Luật Bình đẳng giới mà Bình Nhưỡng thông qua vào ngày 30/7/1946 là một trong những dấu hiệu của sự cải thiện về quyền phụ nữ. Nó chấm dứt những hủ tục như hôn nhân sắp đặt, chế độ đa thê, chế độ vợ lẽ hoặc việc mua bán phụ nữ, cưỡng ép bán dâm. Luật cũng quy định phụ nữ Triều Tiên được thừa kế và phân chia tài sản nếu họ ly hôn.
Đến thập niên 1990, khái niệm quyền phụ nữ chuyển thành nghĩa vụ của phụ nữ và lòng trung thành với các nhà lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il. Chosun Neosung, tạp chí dành cho phụ nữ duy nhất ở Triều Tiên, không đề cập đến “quyền phụ nữ” giai đoạn ấy, mà nhấn mạnh vào “tinh thần làm việc hăng say” như dấu hiệu thể hiện sự trung thành với chính quyền.
Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ đều ở “chiếu dưới” tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng tôn vinh hai người phụ nữ quan trọng của cố lãnh tụ Kim Il Sung - gồm thân mẫu Kang Ban Sok và phu nhân Kim Jong Suk. Bình Nhưỡng cho rằng họ là hình mẫu để nữ giới cả nước noi theo.