Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao Hungary đứng ngoài nỗ lực gây sức ép lên Nga?

Sự phụ thuộc về năng lượng và mối quan hệ tốt giữa thủ tướng Hungary với Tổng thống Vladimir Putin khiến Budapest đứng ngoài nỗ lực của phương Tây nhằm gia tăng sức ép lên Nga.

quan he giua nga va hungary anh 1

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu cố gắng thống nhất để trừng phạt kinh tế Nga vì chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, Hungary là nước đứng ngoài cuộc.

Mặc dù Thủ tướng Viktor Orban không phản đối những lệnh trừng phạt của EU lên Nga, ông cho biết Budapest sẽ không ngần ngại ngăn chặn các biện pháp nhằm vào lĩnh vực dầu và khí đốt của Moscow.

Lập luận rằng người Hungary không nên đối mặt với giá hóa đơn tăng cao chỉ vì những lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng, ông Orban tin mình đủ khả năng để “điều hướng” mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo Time.

Trong một tuyên bố chính thức, ông Orban nói rõ ông không muốn đối đầu với Nga.

“Chúng tôi không nhìn cuộc xung đột này bằng con mắt của Mỹ, Pháp hay Đức. Chúng tôi nhìn nó bằng con mắt của Hungary. Và theo quan điểm của Hungary, điều quan trọng nhất trong cuộc xung đột này là hòa bình và an ninh của người Hungary. Để làm được điều này, chúng ta phải đứng ngoài cuộc chiến”, ông nhấn mạnh.

Nguồn năng lượng đáng tin cậy

Hungary và Nga từng có mối quan hệ không mấy tốt đẹp trong quá khứ. Tuy nhiên, khi ông Orban lên nắm quyền vào năm 2010, sự tin tưởng dần chiếm ưu thế.

Ông Orban tuyên bố chính sách “Mở cửa phía đông” nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của EU và bắt đầu gặp gỡ song phương với Tổng thống Putin nhiều hơn hầu hết lãnh đạo châu Âu khác.

Thủ tướng Hungary là người đã vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với Moscow trong suốt nhiều thập niên qua, đồng thời cũng là một trong số ít lãnh đạo phương Tây có quan hệ gần gũi với ông Putin.

Trong nhiều năm, ông Orban coi Nga thành một “nguồn năng lượng đáng tin cậy”. Cuộc khảo sát dư luận trên khắp Đông và Trung Âu năm ngoái của Globsec cho thấy khác với các nước trong khu vực, Hungary coi Nga và Trung Quốc là những đối tác chiến lược quan trọng hơn Mỹ.

quan he giua nga va hungary anh 2

Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp nhau hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, ông Orban không có ý kiến nào mạnh mẽ và chỉ miễn cưỡng ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow. Ông cho rằng “việc loại trừ Nga khỏi châu Âu là không hợp lý; an ninh trong khu vực chỉ có thể đạt được nếu có Nga”.

Ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Orban ca ngợi năm 2021 là “năm thành công nhất trong quan hệ giữa Budapest và Moscow”. Hungary đã nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 Sputnik (dù EU không phê duyệt vaccine này) và ký thêm một thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn mới.

“Hungary luôn nhận được sự tôn trọng từ ông Putin và chúng tôi luôn dành sự tôn trọng cho Nga và nhà lãnh đạo của nước này”, ông nói.

Sự tiếp cận của ông Orban với ông Putin một phần được thúc đẩy bởi sự hợp tác chặt chẽ về năng lượng giữa hai nước. Khoảng 80% khí đốt sử dụng ở Hungary nhập khẩu từ tập đoàn năng lượng Gazprom, cao hơn gấp đôi so với mức nhập khẩu trung bình của EU từ Nga.

Nhà sản xuất điện lớn nhất ở Hungary là nhà máy điện hạt nhân Paks, một cơ sở do Liên Xô thiết kế và ông Orban thảo luận cùng ông Putin để mở rộng thêm. Cơ sở này đang tạo ra khoảng 1/2 lượng điện tại Hungary.

Nga đã cung cấp các khoản vay trị giá 10 tỷ USD để tài trợ cho việc mở rộng nhà máy, một dự án do công ty điện hạt nhân của Nga, Rosatom dẫn đầu.

“Mọi người cần phải hiểu rõ rằng chừng nào chính phủ này còn nắm quyền, thì giá năng lượng sẽ giảm xuống”, Gergely Gulyas, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, tuyên bố năm 2021.

Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, tính tới tháng 2, Hungary có giá điện thấp nhất và giá khí đốt thấp thứ ba cho người tiêu dùng trong khối 27 thành viên châu Âu.

Trong khi giá ở các nơi khác đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong năm qua, Hungary vẫn giữ giá ổn định.

Vào đầu tháng 2, khi phương Tây liên tục cảnh báo trừng phạt Nga, ông Orban đến Moscow để củng cố “mối quan hệ năng lượng với Nga”.

Ông nhận được lời hứa từ ông Putin rằng Hungary, không giống các quốc gia châu Âu khác, không cần phải lo lắng về việc thiếu khí đốt tự nhiên.

Vào thời điểm đó, ông Orban mô tả các yêu cầu an ninh của ông Putin là “bình thường” (dù Hungary là thành viên NATO) và các lệnh trừng phạt là vô nghĩa.

Tổng thống Nga đã đáp lại sự ủng hộ này, nói với ông Orban rằng Nga thường không đứng về phía nào trong các cuộc bầu cử. Nhưng “ông đã làm rất nhiều, cả vì lợi ích của Hungary và Nga. Tôi hy vọng sự hợp tác giữa chúng ta sẽ tiếp tục”, ông Putin nói.

Hungary không muốn quan hệ xấu với Nga

Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, mặc dù Hungary cùng EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, nước này nhiều lần từ chối để vũ khí liên quan tới Ukraine đi qua lãnh thổ của mình. Chính sách này khác với các thành viên NATO có chung biên giới với Kyiv như Ba Lan, Romania và Slovakia.

Hungary cũng phản đối cấm vận năng lượng Nga. Ngày 6/4, nước này cho biết đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để thanh toán nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng rúp, TASS đưa tin.

Tuyên bố này tiếp tục đi ngược lại lập trường chung của EU, khi bác bỏ đòi hỏi của Nga khi mua khí đốt từ nước này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto cũng nói rằng việc đưa ra bất kỳ lệnh cấm nào vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, bên cạnh dầu và khí đốt, của Nga là "lằn ranh đỏ" đối với chính phủ Hungary, vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

quan he giua nga va hungary anh 3

Thủ tướng Viktor Orban vẫy tay trước đám đông ủng hộ ông vào hôm 1/4. Ảnh: AP.

Trong Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Brussels ngày 7/4, ông Orban khẳng định Hungary muốn đứng ngoài cuộc xung đột. “Chúng tôi đứng về phía Hungary. Chúng tôi nhìn tình hình với cái đầu của Hungary và từ góc độ của Hungary”, ông nói.

Chính nỗ lực tạo thế cân bằng giữa phương Tây và Nga trong cuộc chiến ở Ukraine của ông Orban đã được nhiều cử tri ủng hộ trong lần bầu cử vừa qua.

"Nhìn xem, (ông Orban) lên án cuộc chiến, nhưng chống lại các lệnh trừng phạt vì điều đó có thể gây ra nhiều thiệt hại cho chúng tôi", cử tri Erzsebet Lakatos, 66 tuổi, nói. "Chúng ta không cần phải có quan hệ xấu với Nga".

Hôm 3/4, đảng Fidesz của ông Orban đã giành chiến thắng với cách biệt lớn. Ông Orban sẽ nắm quyền thủ tướng Hungary trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.

TASS đưa tin Điện Kremlin ngày 4/4 thông báo Tổng thống Putin chúc mừng chiến thắng của Thủ tướng Orban, đồng thời hy vọng xây dựng “mối quan hệ đối tác” giữa Nga và Hungary.

Peter Kreko, Giám đốc Chính trị Capital ở Budapest, hồi tháng 2 từng nhận định năng lượng giá rẻ là một trong những điểm chính trong chính sách của đảng Fidesz. “Đảng thể hiện rằng trong khi phần còn lại của châu Âu đang chết cóng hoặc trở nên nghèo khó vì giá năng lượng, Hungary không hề hấn gì”, ông nói.

Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ năng lượng chặt chẽ giữa Hungary và Nga, cùng những vấn đề “hục hặc” giữa ông Orban và EU đã tạo cho nhiều người một cái nhìn tương đối “thiện cảm” với Moscow trong giao tranh này.

Một số người Hungary tin rằng phương Tây chính là yếu tố thúc đẩy Nga tiến hành "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine, khi NATO liên tục mở rộng về phía đông, trái với mong muốn của Moscow, theo Reuters.

Đồng minh của ông Putin kêu gọi Nga lập tức ngừng bắn

Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi Moscow lập tức ngừng bắn, đồng thời đề nghị lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức tổ chức cuộc gặp ở Budapest.

Hungary triệu tập đại sứ Ukraine

Bộ Ngoại giao Hungary ngày 6/4 triệu tập đại sứ Ukraine để phản đối những bình luận được cho là “công kích” từ phía Kyiv về lập trường của Budapest trong xung đột tại Ukraine.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm