Tuần trước, New York Times dẫn nguồn thông tấn nhà nước Saudi Arabia cho hay hoàng tử Turki bin Saud al-Kabeer bị xử tử tại thủ đô Riyadh vì bắn chết một người đàn ông trong một vụ ẩu đả.
Sự kiện hy hữu không chỉ làm dậy sóng mạng xã hội tại quốc gia Hồi giáo mà còn khiến thế giới bất ngờ. Đây là lần đầu tiên một thành viên hoàng tộc Saudi Arabia bị hành quyết vì tội giết người kể từ năm 1975.
Các thành viên của nhóm Magic Movement tại Bangladesh mô phỏng một vụ xử tử để phản đối Saudi Arabia thi hành án tử hình với 8 công nhân Bangladesh vào tháng 10/2011. Ảnh: Reuters. |
Luật Hồi giáo nghiêm khắc
Bản án được cho tuân theo chỉ thị trực tiếp của Quốc vương Salman đã làm lung lay quan niệm Saudi Arabia là nơi những người giàu và quyền thế có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Việc tử hình hoàng tử Saud al-Kabeer cho thấy giáo luật Shariah của đạo Hồi không phân biệt thường dân hay hoàng tộc.
Trên thực tế, hoàng tử Saud al-Kabeer không phải hạng "thường thường bậc trung" hay là con tốt thí mạng giữa 6.000 thành viên của hoàng gia Saudi Arabia. Tên của vị hoàng tử cho thấy anh ta là thành viên của dòng dõi Saud al-Kabeer danh giá.
Hình ảnh được cho là hoàng tử bị tử hình Turki bin Saud Al Kabeer. Ảnh: newsofbahrain.com. |
Robert Lacey, chuyên gia về Saudi Arabia, nói với tờ Daily Beast rằng tuy gia tộc Saud al-Kabeer không nằm trong diện thừa kế ngai vàng hiện do dòng họ Abdul Aziz nắm giữ, họ vẫn được trọng vọng trên toàn vương quốc.
Thông điệp của quốc vương
Chuyên gia Lacey cho rằng dù chưa từng có hoàng tử nào bị xử tử kể từ năm 1975, việc Quốc vương Salman mạnh tay như vậy "không phải bất thường".
Theo Daily Beast, vị quốc vương đã cho thiết kế riêng một "nhà tù" trong cung điện của mình. Đây là nơi những hoàng tử cư xử không đúng mực được đưa đến để "cải tạo".
"Là một vị vua, ông ấy rõ ràng đã dùng vụ việc lần này để truyền đi thông điệp rằng không ai ở Saudi Arabia có thể tự cho mình đứng trên pháp luật", Lacey cho hay.
Quốc vương Salman lên ngôi từ tháng 1/2015. Ảnh: AFP. |
Quốc vương Saudi Arabia đã phần nào đạt được mục đích của mình khi không ít người dân nước này lên tiếng ca ngợi ông về bản án. Trên Twitter hôm 18/10, hashtag "Quốc vương Salman quyết đoán trừng phạt hoàng tử" lan truyền nhanh chóng.
Một số người cho rằng hoàng gia Saudi Arabia muốn dùng bản án để để lấy lại niềm tin từ công chúng. Đất nước Vùng Vịnh đang phải qua thời kỳ khó khăn khi dầu mỏ rớt giá liên tục từ năm 2014 đến nay. Nguồn thu chính của quốc gia giảm sút trong khi cuộc sống của phần lớn người dân phụ thuộc vào trợ cấp nhà nước. Điều đó khiến dân chúng mất niềm tin vào tầng lớp lãnh đạo.
Chuyên gia Lacey nói ông không ngạc nhiên với bản án vì nó phản ánh đúng nguyên tắc và tính cách của Quốc vương Salman. Tuy nhiên, ông bác bỏ những nhận định thiếu căn cứ cho rằng hoàng gia Saudi Arabia "hiến tế" hoàng tử Saud al-Kabeer để khôi phục hình ảnh của vương triều.
"Một số người vẫn luôn phê phán những nền quân chủ chuyên chế ở Vùng Vịnh", ông nói. "Cần phải nhớ rằng Saudi Arabia chưa từng xử tử một người biểu tình hay một nhà hoạt động nhân quyền nào như Iran".
Việc kết án hoàng tử trên thực tế đúng theo quy định của giáo luật Shariah dành cho tội giết người. Một số nguồn tin cho hay bản án đã được toàn bộ thành viên hoàng tộc chấp nhận mà không có bất cứ sự phản kháng nào.
Theo Washington Post, bản án đã được thi hành trước sự chứng kiến của cha vị hoàng tử. Ông được cho đã giữ khuôn mặt không biến sắc khi con trai bị hành quyết.
Thông tin về những giờ phút cuối cùng của vị hoàng tử cũng được lan truyền trên mạng xã hội. Đây cũng là điều hiếm gặp tại đất nước có nhiều luật lệ hà khắc như Saudi Arabia. Hoàng tử đã đọc một đoạn kinh Quran khi gặp người thân lần cuối khoảng 4 giờ trước khi bị hành hình.