Vì sao Hoàng Anh Gia Lai mua lại trái phiếu quốc tế?
Thất bại khi đánh cược vào thị trường bất động sản trong vụ phát hành trái phiếu quốc tế năm 2011, HAG có thể phải mua lại toàn bộ 90 triệu USD trái phiếu này
Vừa qua, Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã quyết định mua lại 15 triệu USD trái phiếu quốc tế trong tổng số 90 triệu USD sau khi phát hành chỉ hơn một năm đồng thời hủy niêm yết trái phiếu này tại Singapore. Ngược lại, các khoản vay trái phiếu trong nước của HAG thời gian qua lại tăng mạnh.
Liên tiếp các động thái trong hoạt động huy động vốn của HAG đang để lại nhiều câu hỏi cho nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu này. Ngày 6/9, cổ phiếu HAG đóng cửa ở giá 26.000 đồng, giảm 300 đồng, sau khi đã mất 16% trong 3 tuần cuối tháng 8.
HAG đã đánh cược vào thị trường bất động sản
Theo HAG, 90 triệu USD trái phiếu quốc tế có kỳ hạn 5 năm sau khi phát hành (5/2011) sẽ được đầu tư vào các dự án thủy điện, cao su và hoạt động kinh doanh khác của tập đoàn.
Tuy nhiên một trong các điều khoản của hợp đồng vay trái phiếu là chỉ số lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) trên tổng lãi vay của tập đoàn không thấp hơn 3,5 lần. Nếu chỉ số này xuống thấp hơn, khả năng vay vốn của HAG sẽ bị giới hạn ở một mức đã định trong hợp đồng.
Trong khi tổng lãi vay là một con số có thể dự báo tương đối chính xác thì EBITDA hay nói cách khác là lợi nhuận của HAG lại khó dự báo và nếu không đạt kế hoạch, tập đoàn này sẽ ‘vi phạm’ hợp đồng vay trái phiếu. Và thông thường, các trái chủ khi đó có quyền thoái vốn trước hạn.
Thực tế là ngay trong năm 2011, HAG chỉ đạt 1.702 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch 3.000 tỷ. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, HAG mới chỉ đạt 210 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch năm 1.200 tỷ.
Cơ cấu doanh thu của HAG – Nguồn: Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt. |
Trong 4 năm gần đây, nguồn doanh thu từ bán căn hộ chiếm trung bình 65% doanh thu của HAG. Và khi thị trường bất động sản ở trạng thái đóng băng, nhu cầu mua hầu như không phục hồi trong hai năm qua đã làm giảm doanh thu và lợi nhuận của HAG.
Kết quả là chỉ số EBITDA/ Tổng lãi vay của HAG liên tục ở dưới mức 3,5 trong khoảng 1 năm qua. Trong báo cáo phân tích HAG công bố hồi tháng 4/2012, Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng dự báo chỉ số này của HAG gần như không thể đạt mức 3,5 lần cho đến năm 2016.
Sẽ mua lại toàn bộ 90 triệu USD trái phiếu quốc tế?
Vào ngày 5/7 và 13/7, HAG đã quyết định mua lại tổng cộng 15 triệu USD trái phiếu quốc tế của Credit Suisse với giá bằng 97% mệnh giá, đây chính là tổ chức bảo lãnh duy nhất trong đợt phát hành năm ngoái của HAG.
Việc mua lại này đã giúp HAG giải tỏa phần lớn các tài sản thế chấp và dỡ bỏ điều khoản đảm bảo chỉ số EBITDA/ Tổng lãi vay trên 3,5 lần. Điều này giúp HAG có thể vay nợ thêm mà không bị giới hạn đồng thời có thêm tài sản thế chấp cho các khoản vay.
HAG cho biết sẽ tiếp tục mua vào trái phiếu để giảm dự nợ của Credit Suisse nhằm giảm bớt rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, điều tương tự có thể sẽ diễn ra với các trái chủ còn lại, nhất là khi số trái phiếu này bị hủy niêm yết.
Nếu điều này diễn ra, HAG sẽ phải cần thêm khoảng 1.500 tỷ để đáp ứng nhu cầu thoái vốn của trái chủ. Đây có thể là lý do tại sao HAG đã liên tiếp phát hành hai đợt trái phiếu trong nước trong thời gian ngắn với tổng giá trị 2.550 tỷ đồng.
Đợt đầu tiên là ngày 25/4, HAG bán 450 tỷ cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, 450 tỷ cho Công ty Chứng khoán ACB và 800 tỷ cho Eximbank. Một trong các mục đích sử dụng nguồn vốn này là tái cấu trúc nợ vay của công ty.
Đợt phát hành trái phiếu mới đây nhất diễn ra ngày 17/8 với giá trị 850 tỷ. Số tiền này được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh và thanh toán các khoản nợ của công ty. Theo một báo cáo công bố ngày 31/8 của Công ty Chứng khoán Bản Việt, toàn bộ trái phiếu này được bán cho BIDV, chủ nợ lớn nhất của HAG hiện nay.
Theo Cafef/TTVN