Trước thềm mùa giải 2021, nhiều tên tuổi ở cả băng ghế huấn luyện lẫn trên sân cỏ đều đồng ý quay lại Việt Nam. HLV Kiatisak Senamuang nhận lời bầu Đức trở lại CLB HAGL, HLV Ljupko Petrovic quay lại Thanh Hóa, còn đội TP.HCM thuyết phục thành công Lee Nguyễn sau nhiều lần thương thảo.
Cả ba người đều là những ngôi sao ở V.League, đều rời đi khi công việc còn dang dở. Kiatisak mới chỉ vô địch V.League khi còn thi đấu, HLV Petrovic cùng CLB Thanh Hóa hụt mất chức vô địch, còn Lee Nguyễn có giai đoạn thăng hoa nhưng chưa đủ dài để khẳng định đẳng cấp vượt trội.
Với HLV Petrovic hay Lee Nguyễn, sự ra đi của họ còn bị tác động từ những mâu thuẫn bên lề sân cỏ. Cơ duyên đã đưa họ trở lại cùng lúc, điều tưởng chừng như khó có thể xảy ra ấy lại sắp hiện hữu ở mùa giải 2021.
HLV Petrovic tạm gác lại công việc để trở lại dẫn dắt CLB Thanh Hóa. Ảnh: Minh Chiến. |
Sân chơi V.League chứng kiến không ít thầy ngoại đến làm việc, nhưng trong số những người đã chia tay, HLV Petrovic là chiến lược gia đẳng cấp nhất. Kinh nghiệm dẫn dắt những đội bóng hàng đầu châu Âu suýt giúp ông đưa đội bóng xứ Thanh lên ngôi vương ở V.League 2017 khi chỉ kém nhà vô địch Quảng Nam thành tích đối đầu.
Một chiến lược gia lão làng và từng vô địch cúp châu Âu ấy đã phải thốt lên lời phàn nàn về sự chuyên nghiệp của V.League chỉ sau một thời gian ngắn. Ông nói: "Sao không trao cúp cho đội vô địch từ đầu đi, để các đội khác biết trước mà phấn đấu tranh hạng 2, hạng 3?". Ra đi vì sự bất mãn, người đàn ông ấy tưởng như không bao giờ còn muốn quay trở lại.
HLV Kiatisak thì khác. Sau mùa giải 2010 kết thúc với kết quả không như kỳ vọng của bầu Đức, cựu danh thủ bóng đá Thái Lan trở về quê nhà phát triển sự nghiệp huấn luyện. Có trong tay lứa cầu thủ "thế hệ vàng", HLV Kiatisak liên tiếp gặt hái những thành công cùng các đội tuyển quốc gia Thái Lan ở đấu trường khu vực. Ông cũng có một học viện bóng đá mang thương hiệu của chính mình, xây dựng tầm ảnh hưởng lớn ở quê nhà. Một người như thế lẽ ra khó có thể tạm gác lại mọi thứ để trở lại Việt Nam.
Câu chuyện của Lee Nguyễn cũng tương tự. Mang trong mình dòng máu Việt Nam, Nguyễn Thế Anh (tên gọi khác) đã tạo cơn sốt khi tạm gác lại sự nghiệp ở châu Âu để nhận lời bầu Đức đến với HAGL. Một cầu thủ được đào tạo bài bản ở Mỹ, từng thi đấu ở châu Âu, được giới chuyên môn trong và ngoài nước thừa nhận đẳng cấp lại không thể thích nghi với môi trường V.League.
Lee Nguyễn sau đó đã trở lại Mỹ, gây dựng được tên tuổi, trở thành một trong những tượng đài ở MLS. Tầm ảnh hưởng cũng như sự yêu mến từ người hâm mộ đã cho Lee nhiều thứ lẽ ra có thể khiến anh yên tâm ở lại cống hiến lâu dài, nhưng Lee đã chọn trở lại Việt Nam. Lần này không phải là CLB HAGL hay Bình Dương mà là CLB TP.HCM.
Lee Nguyễn hoàn toàn có thể dưỡng già ở một nền bóng đá khác ngoài Việt Nam. Ảnh: MLS. |
Như HLV Kiatisak hay Petrovic, Lee Nguyễn cũng khao khát vinh quang ở V.League. Ẩn sâu trong ý chí của những tên tuổi một thời là cái tôi khẳng định mình, dù khoảng thời gian chờ đợi là 3 năm (với HLV Petrovic) hay 10 năm (với Kiatisak và Lee Nguyễn). Với họ, chức vô địch V.League là điều còn thiếu.
Sau ngần ấy năm, với Lee Nguyễn, Kiatisak hay Petrovic, V.League giờ đã khác. Những điểm đến của họ đã phần nào được "thay da, đổi thịt". CLB Thanh Hóa đang được đầu tư mạnh mẽ dưới triều đại mới, đội HAGL gây được tiếng vang nhờ dàn cầu thủ tài năng tới từ sản phẩm đào tạo của bầu Đức, trong khi CLB TP.HCM vẫn kiên trì thực hiện cách làm từng giúp họ lên ngôi á quân mùa giải 2019.
Điểm chung của 3 CLB trên đây là họ có những ông chủ không thiếu tiền bạc. Các ông bầu sẵn sàng "bạo chi" để hướng đến những mục tiêu cụ thể. Lãnh đạo CLB Thanh Hóa muốn đưa đội trở lại vị thế như thời điểm năm 2017, CLB TP.HCM dưới thời Chủ tịch Hữu Thắng vẫn luôn khát khao vô địch, còn bầu Đức muốn chiều lòng các học trò, chiến đấu vì người hâm mộ.
Để đạt được những mục tiêu đó, các ông bầu cần những bản hợp đồng chất lượng. Quỹ thời gian hạn hẹp khiến họ khó mạo hiểm tìm người mới, nên những gương mặt quen thuộc là phương án đủ tin tưởng hơn cả. Lee Nguyễn, HLV Kiatisak hay Petrovic đều là những người đã biết hoặc hiểu rất rõ về bóng đá Việt Nam, không hề xa lạ với người hâm mộ.
Quay lại một sân chơi quen thuộc như V.League và hưởng mức lương cao là việc không quá khó để quyết định, nhất là với một cầu thủ đã qua thời đỉnh cao như Lee Nguyễn hay một chiến lược gia lớn tuổi như Petrovic. Với Kiatisak, ngoài vấn đề tiền bạc, đó còn là hành động thể hiện tình cảm sâu nặng với bầu Đức và HAGL.
Bóng đá Việt Nam ngày một chuyên nghiệp hơn, sự xuất hiện của những tên tuổi một thời cho thấy V.League giống như mảnh đất lành, thu hút nhân tài đến thể hiện. Sức hấp dẫn của giải đấu phần nào chịu ảnh hưởng từ thành công từ các đội tuyển quốc gia những năm qua. Khi hình ảnh của bóng đá Việt Nam xuất hiện nhiều hơn, các ông bầu cùng đầu tư nhiều hơn, V.League sẽ trở nên đáng xem hơn.