Vì sao Heineken muốn thâu tóm hãng bia Tiger?
Heineken muốn mua cổ phần bia Tiger không phải vì chuyển hướng tăng trưởng mạnh hơn ở châu Á, mà là họ lo sợ lý do khác.
> Heineken muốn thâu tóm toàn bộ hãng sản xuất bia Tiger
Để hiểu tại sao hãng bia của Hà Lan, Heineken, chuẩn bị mua lại toàn bộ số cổ phần còn lại của Tiger Beer, công ty bia châu Á – Thái Bình Dương (APB), với giá 5,1 tỷ đôla Singapore, tương đương 4 tỷ USD, hãy lưu ý đến điều đang diễn ra trên thị trường Việt Nam.
Từ trước đó, Heineken đã sở hữu 9,49% cổ phần tại APB. Sau động thái mua cổ phần mới nhất, tổng số cổ phần tại APB mà Heineken nắm giữ lên tới 42%.
Tại châu Á, tiêu thụ bia của Việt Nam cao hơn bất kỳ nước nào, trừ Trung Quốc. Năm 2011, trung bình mỗi người Việt uống khoảng 37 lít bia. Công ty nhà máy Bia Việt Nam (VBL) - công ty con tại Việt Nam của APB hiện đứng thứ 2 về thị phần bia tại Việt Nam với các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue...
Heineken muốn thâu tóm hãng bia Tiger vì lo lắng "vị trí" của mình tại Công ty bia châu Á Thái Bình Dương (APB). |
Trong khi đó, số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Canadean cho thấy mức tiêu thụ bia trung bình của người Anh khoảng 75 lít/người.
Theo báo cáo thường niên năm tài chính 2011 của APB, thị trường Đông Dương và Thái Lan đóng góp 47% lợi nhuận trước thuế và lãi vay. So với năm 2010, doanh thu từ khu vực này tăng 10% và lợi nhuận tăng 17%.
Ở thời điểm kinh tế châu Âu đang khó khăn, doanh số bán bia của các hãng tại thị trường này giảm, tỷ lệ tiêu thụ bia ở châu Á khá cao có thể là một điểm sáng. Tháng 4/2012, Heineken công bố doanh số bán bia tại châu Âu giảm 1,2% trong quý I/2012 trong khi đó doanh số bán bia tại tất cả các thị trường khác đều tăng.
Ông Nirgunan Tiruchelvam, giám đốc bộ phận nghiên cứu về thị trường tiêu dùng tại ngân hàng Standard Chartered, chỉ ra nhiều hãng bia phương Tây như Heineken, Carlsberg hay Anheuser-Busch InBev hiện có rất nhiều tiền. Công việc kinh doanh của họ tại thị trường chính quốc lại đang gặp khó khăn khi kinh tế Mỹ và châu Âu đối đầu với nhiều thách thức.
Ông phân tích: “Giá trị thị trường của nhiều công ty kinh doanh bia tại nhóm thị trường mới nổi hiện đang bị định giá thấp, vì vậy các công ty phương Tây lập tức chớp cơ hội để thâu tóm”. Heineken muốn mua cổ phần bia Tiger không phải bởi họ bất ngờ chuyển hướng muốn tăng trưởng mạnh hơn ở châu Á, mà vì họ lo lắng sau động thái mới đây của Thai Beverage, hãng bia lớn nhất tại Thái Lan.
Thai Beverage đã mua lại 22% cổ phần của Fraser & Neave (F&N), tập đoàn đã liên doanh cùng Heineken để điều hành APB suốt từ năm 1931. Thai Beverage mua cổ phần của F&N từ tay ngân hàng OCBC của Singapore.
Động thái của hãng bia Thái Lan đe dọa ảnh hưởng xấu đến quan hệ của F&N cũng như quan hệ kinh doanh của Heineken đến công ty bia APB, vốn đang tăng trưởng nhanh. Lợi nhuận trước thuế của công ty bia APB có trụ sở tại Singapore này đã tăng trung bình 24%/năm suốt từ năm 2007. Năm 2011, lợi nhuận đạt 613 triệu đôla Singapore.
Hơn thế nữa, hãng bia Kirin của Nhật hiện đang nắm 15% cổ phần tại F&N, điều này khiến Heineken cảm thấy không vui vì theo lời ông Jean-François van Boxmeer, CEO của Heineken, hãng này đang đối đầu với Kirin tại rất nhiều thị trường ở châu Á.
Giới chuyên gia đánh giá dù Heineken đã đạt được thỏa thuận để giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Kirin lên APB, nhưng việc hãng bia Thái Lan tham gia vào liên doanh này cũng khiến Heineken không khỏi dè chừng.
Động thái của Heineken có thể khiến nhiều đối thủ của hãng tại châu Á, đặc biệt là công ty Nhật Bản, tham gia vào làn sóng thâu tóm tài sản. Đối với các công ty của Nhật, đồng Yên giá cao mạnh mang đến cho họ lợi thế rất lớn. Tháng 7/2012, Asahi đã phát đi tín hiệu về khả năng thâm nhập vào thị trường Indonesia bằng việc thành lập nhà máy liên doanh sản xuất đồ uống với Indofood.
Theo CafeF/TTVN