Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao HĐND không biết sai phạm mua sắm thiết bị y tế ở địa phương?

Nêu thực tế sai phạm của các địa phương khi mua sắm thiết bị y tế chủ yếu được phát hiện qua điều tra, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về vai trò giám sát của HĐND trong việc này.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố phía bắc diễn ra sáng 21/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, HĐND tỉnh, thành phố đã bắt tay ngay vào công việc với nhiều cố gắng, nỗ lực, thích ứng với thực tiễn từng địa phương.

Ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường, trong đó một số nơi đã tổ chức 3-6 kỳ họp để quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá HĐND các tỉnh, thành đã thực hiện tốt hoạt động giám sát; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề.

Vi sao HDND khong biet sai pham mua sam thiet bi y te o dia phuong? anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Huệ cũng đề cập một số tồn tại, hạn chế khi chất lượng kỳ họp của HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri.

Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác giám sát được đánh giá còn hạn chế, hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND còn hình thức, chất lượng thấp.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, công tác giám sát của HĐND vẫn còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường.

Sai phạm trong việc huy động, quản lý và phân bổ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế (điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á), cũng chưa được phát hiện qua công tác giám sát của HĐND.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 30 của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ ban hành sau đó đã quy định rất cụ thể về việc mua sắm công, nhất là mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc hay kit xét nghiệm Covid-19. Nhưng bên cạnh một số địa phương làm tốt, vẫn có nơi không mua sắm được hoặc không dám mua.

Trong khi đó, không ít địa phương có sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế. Ông Vương Đình Huệ băn khoăn về vai trò giám sát của HĐND trong lĩnh vực này khi hầu hết sai phạm được phát hiện qua điều tra và công tác của cơ quan chức năng. “Những việc như vậy tại sao chúng ta không biết được. HĐND là cơ quan giám sát thường xuyên ở dưới nên đây là vấn đề cần phải suy nghĩ”, ông Huệ đặt vấn đề.

Đề cập đến phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND; tổ chức giám sát theo hướng dẫn với hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban TVQH để có kết quả cao nhất.

Từ kinh nghiệm của Quốc hội, ông Huệ đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ.

22 bí thư tỉnh ủy đồng thời là chủ tịch HĐND

HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 nhân sự giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND. Trong 63 chủ tịch HĐND, 22 nhân sự là ủy viên Trung ương, bí thư tỉnh ủy.

Thấy gì sau kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội?

"Nên tổ chức họp bất thường, hoặc các kỳ họp ngắn để giải quyết ngay vấn đề cuộc sống đặt ra", đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận sau hoạt động lần đầu trong lịch sử Quốc hội.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm