Những con số này được Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (gồm 25 địa phương).
Hội nghị diễn ra sáng 21/2 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các phó chủ tịch Quốc hội.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, sau cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kỳ họp thứ nhất để xem xét nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ.
Bên cạnh đó, kỳ họp còn xem xét, quyết định một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quốc hội. |
Kết quả cho thấy HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 nhân sự giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND (gồm 63 chủ tịch, 114 phó chủ tịch).
Cụ thể, trong 63 chủ tịch HĐND có 22 nhân sự là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, 34 chủ tịch HĐND là phó bí thư tỉnh, thành ủy (gồm 2 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng); 7 nhân sự là ủy viên ban thường vụ tỉnh, thành ủy, trong đó có một ủy viên Trung ương dự khuyết; 9 chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách và 54 người hoạt động kiêm nhiệm.
Bà Thanh cho biết hiện còn 3 tỉnh thiếu một phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (Bà Rịa -Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang).
Để phục vụ hoạt động của HĐND, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều địa phương đã trang bị máy tính bảng, máy tính xách tay tới 100%, đại biểu, xây dựng phần mềm “hệ thống quản lý văn bản HĐND tỉnh”, cung cấp thông tin hỗ trợ kỳ họp trên thiết bị di động, thực hiện biểu quyết trên máy tính bảng.
Đối với cấp huyện, một số nơi được cung cấp, trang bị tương tự cấp tỉnh, còn lại hầu hết đại biểu HĐND được trang bị máy tính bàn để tiếp nhận thông tin qua hộp thư công vụ; đối với cấp xã, thường trực HĐND được trang bị máy tính để bàn.
Đề cập đến phương hướng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đại biểu HĐND. Từ đó, HĐND địa phương tích cực tham gia đề xuất với Quốc hội hoàn thiện thể chế, giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương…
Một định hướng khác được bà Thanh đề cập là tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ của HĐND cũng như phương thức hoạt động, đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”.
Bà Thanh nhấn mạnh trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND, cần tập trung vào vấn đề “nóng”, quan trọng, được cử tri, dư luận quan tâm và có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.