Vào khoảng 15h30 chiều 17/9, theo giờ địa phương, các máy nhắn tin đã phát nổ gần như đồng thời ở Lebanon và Syria hôm 17/9, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái 8 tuổi, và gần 2.800 người bị thương.
Có vẻ như nhiều người trong số đó là thành viên của Hezbollah, nhưng cũng chưa rõ liệu có phải chỉ có thành viên nhóm này mới sử dụng loại máy nhắn tin đó.
Những vụ nổ bí ẩn xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn, hai bên đã có những giao tranh xuyên biên giới Israel-Lebanon kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas tại Israel.
Máy nhắn tin phát nổ như thế nào?
Hezbollah và chính phủ Lebanon đổ lỗi cho Israel cho sự việc được gọi là một cuộc tấn công từ xa và tinh vi này.
AP cho biết một quan chức Mỹ nói rằng Israel đã thông báo cho Washington về hoạt động hôm 17/9 - trong đó một lượng nhỏ chất nổ trong các máy nhắn tin đã bị kích nổ. Quan chức này chia sẻ với điều kiện giấu tên vì không được phép thảo luận công khai thông tin.
Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia lại cho rằng vụ nổ này rất có thể là kết quả của sự can thiệp vào chuỗi cung ứng.
“Sự phức tạp cần thiết để thực hiện điều này là không thể tin được. Nó sẽ đòi hỏi nhiều thành phần tình báo và cách thức thực hiện khác nhau", David Kennedy, cựu chuyên gia phân tích tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nhận định. Ông Kennedy cho rằng để máy nhắn tin phát nổ đồng thời, đã có quá trình chặn chuỗi cung ứng để sửa đổi bên trong,
Phần còn lại của một máy nhắn tin bị nổ. Ảnh: Telegram. |
Theo ông Kennedy, vụ nổ được thấy trong các video chia sẻ trên mạng dường như "quá lớn để có thể là một vụ tấn công từ xa và trực tiếp nhằm làm quá tải máy nhắn tin, gây ra vụ nổ pin lithium".
“Rất có thể Israel đã cài điệp viên trong Hezbollah. Các máy nhắn tin được cấy thuốc nổ và có khả năng chỉ phát nổ khi nhận được một tin nhắn nhất định”, vị chuyên gia nói thêm.
Sean Moorhouse, một cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia xử lý vật liệu nổ, cho biết các video về các vụ nổ máy nhắn tin cho thấy lượng vật liệu nhỏ, chỉ như một cục tẩy bút chì, có thể đã được cài vào các thiết bị.
Những thiết bị như vậy hẳn đã bị cài đặt trước khi giao hàng, rất có thể do Mossad, cơ quan tình báo nước ngoài của Israel, ông nói.
Trong khi đó, New York Times trích dẫn nguồn tin từ các quan chức được thông báo về hoạt động này cho biết, phía Israel đã đặt vật liệu nổ vào một lô máy nhắn tin được sản xuất ở Đài Loan, nhập khẩu vào Lebanon và chuyển đến Hezbollah.
Rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng
Một số chuyên gia nhận định với AP rằng các thiết bị nổ cực nhỏ có thể đã được gắn vào máy nhắn tin trước khi chuyển giao cho Hezbollah, và sau đó tất cả đều được kích hoạt từ xa cùng một lúc, có thể bằng tín hiệu vô tuyến.
Theo Fortune, một cựu sĩ quan xử lý bom của quân đội Anh giải thích một thiết bị nổ bao gồm 5 thành phần chính là hộp chứa, cục pin, thiết bị kích nổ, kíp nổ và một lượng thuốc nổ.
Lính gác bảo vệ một trung tâm y tế ở Beirut, nơi tiếp nhận và điều trị nạn nhân do máy nhắn tin phát nổ. Ảnh: Reuters. |
“Bản thân một máy nhắn tin đã có 3 thứ đó rồi. Những gì bạn cần thêm chỉ là kíp nổ và thuốc nổ”, chuyên gia này giải thích.
Sẽ mất nhiều thời gian để lên kế hoạch cho một cuộc tấn công ở quy mô này. Theo AP, các chuyên gia ước tính vụ việc đã được lên kế hoạch trong khoảng từ vài tháng đến 2 năm.
Nicholas Reese, giảng viên thỉnh giảng tại trung tâm các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học New York cho biết sự tinh vi của cuộc tấn công này cho thấy bất kỳ ai đứng sau vụ việc đều đã thu thập thông tin tình báo trong một thời gian dài.
"Một cuộc tấn công có quy mô như thế này đòi hỏi phải xây dựng các mối quan hệ cần thiết để có thể tiếp cận vật lý với máy nhắn tin trước khi chúng được bán ra. Sau đó, công nghệ sẽ được phát triển để nhúng vào các thiết bị. Ngoài ra, các nguồn tin cũng phải được thiết lập để có thể xác nhận mục tiêu đang mang theo máy nhắn tin", Reese giải thích.
Bên cạnh đó, rất có khả năng là những máy nhắn tin bị can thiệp đã hoạt động bình thường trong một thời gian trước vụ tấn công.
Elijah Magnier, một cựu chiến binh tại Brussels và là một nhà phân tích rủi ro chính trị cấp cao với hơn 37 năm kinh nghiệm trong khu vực, cho biết ông đã có cuộc trò chuyện với các thành viên của Hezbollah sau vụ nổ và được tiết lộ những máy nhắn tin này được mua cách đây hơn 6 tháng.
Magnier cho biết nguyên nhân gây ra vụ nổ dường như là một thông báo lỗi được gửi đến tất cả thiết bị. Dựa trên các cuộc trò chuyện với các thành viên Hezbollah, họ đi đến kết luận rằng có từ 3-5 gram vật liệu nổ mạnh được giấu hoặc nhúng trong mạch điện.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.