Giữa lúc các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh trên toàn cầu, Tunisia gây lo ngại vì là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao ở châu Phi. Mối đe dọa từ đại dịch ngày càng nguy hiểm hơn khi quốc gia này không có đủ nguồn cung vaccine.
Tính đến giữa tháng 7, chỉ khoảng 6% trong số 11 triệu dân của Tunisia được tiêm chủng đầy đủ. Song nhiều quốc gia khác đã cam kết hỗ trợ gần 4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Tunisia, theo Washington Post.
Sự đoàn kết quốc tế
Các nhà phân tích cho biết hệ thống y tế của Tunisia có dấu hiệu sụp đổ vì dịch bệnh. Song đây là dịp hiếm hoi để khu vực Trung Đông thể hiện sự đoàn kết.
Sarah Yerkes từ tổ chức Carnegie Endowment for International Peace nhận xét: “Bạn đang nhìn thấy một cuộc chiến trong thế giới Arab, không chỉ về ngoại giao vaccine mà còn về cung cấp sự hỗ trợ nói chung cho Tunisia”.
Tuần trước, Saudi Arabia tuyên bố sẽ gửi một triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và các vật tư, thiết bị y tế tới người dân tại Tunisia. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng gửi 500.000 liều vaccine tự sản xuất tới nước bạn.
Người dân ở Tunisia xếp hàng để tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Anadolu. |
Quốc gia láng giềng Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt gửi 250.000 và 50.000 liều vaccine cho Tunisia. Một vài quốc gia khác trong khu vực, như Ai Cập, Morocco và Qatar cũng sẵn sàng hỗ trợ vật tư y tế, bao gồm bệnh viện dã chiến.
Ngoài ra, Tunisia cũng trực tiếp nhận khoảng 800.000 liều vaccine từ Pháp. Thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, Mỹ đã cung cấp cho quốc gia này khoảng 500.000 liều vaccine.
Hồi tháng 4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD, nhằm hỗ trợ việc đặt hàng và phân phối vaccine ở Tunisia. Đầu tháng này, Tunisia tuyên bố sẽ đặt mua 3,5 triệu liều vaccine Johnson & Johnson và một số khác từ nhà sản xuất Pfizer.
Trước quốc hội, Bộ trưởng Y tế Tunisia Faouzi Mehdi đã ca ngợi “sự đoàn kết quốc tế và viện trợ từ các nước hữu nghị anh em”.
Nhà phân tích Mohamed-Dhia Hammami nhận định Tunisia đang chứng kiến “một phong trào đoàn kết toàn diện”, đặc biệt trong các nước Arab. Ông Hammami nói: “Các quốc gia Arab không có lợi ích chiến lược quan trọng ở Tunisia. Song họ không muốn bị đánh giá là không giúp đỡ gì”.
Ngoại giao vaccine
“Giờ đây, vấn đề không phải là sản xuất vaccine, mà là có khả năng đặt hàng vaccine. Saudi Arabia có thể làm tốt điều này. Đây là một cách để thể hiện”, nhà phân tích độc lập Oussama Helal cho biết.
Với Saudi Arabia, cuộc khủng hoảng sức khỏe ở Tunisia là cơ hội để “tái khẳng định vai trò, đặc biệt trong lĩnh vực viện trợ từ thiện mà Saudi Arabia vốn luôn tự hào”, nhà phân tích Elham Fakhro từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận xét.
Hiện Saudi Arabia đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực tiêm chủng toàn dân. “Chúng ta có thể thấy nước này đang mở rộng sự viện trợ, tập trung vào các chính sách ngoại giao mang tính thời sự hơn”, bà Fakhro cho biết.
Thủ đô Tunis của Tunisia. Ảnh: Anadolu. |
Nhà phân tích Youssef Cherif, từ Trung tâm Toàn cầu Columbia ở Tunisia, cho rằng khoản viện trợ đáng kể cũng giúp Saudi Arabia quảng bá và khôi phục hình ảnh quốc gia với cộng đồng quốc tế.
Trong những năm gần đây, Saudi Arabia hứng chịu làn sóng chỉ trích vì vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại và về số liệu thương vong trong cuộc chiến Yemen. “Chính sách ngoại giao vaccine thực sự giúp Saudi Arabia giành được sự ủng hộ tại Tunisisa”, ông Cherif nói.
Song chuyên gia này cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của ngoại giao vaccine lên mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Tunisia. “Đây là một động thái PR tuyệt vời của người Saudi Arabia”, ông Cherif nhận xét.
Trên thực tế, Tunisia đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị, khi tổng thống và thủ tướng “về cơ bản là xảy ra xung đột”, chuyên gia Yerkes nói. Trong tình huống này, hai bên thường tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài.
Đảng Hồi giáo Ennahda đang ủng hộ thủ tướng Tunisia và là đảng lớn nhất trong quốc hội. Đảng này hiện tìm kiếm sự giúp đỡ từ Qatar và các nước đồng minh, như Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, phe chống Hồi giáo lại ngăn cản sự trợ giúp từ các nước này. Tổng thống không theo đạo Hồi của Tunisia đang theo đuổi sự ủng hộ từ Saudi Arabia, đối thủ trong khu vực của Qatar.
Tunisia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe và hệ thống y tế bị quá tải. Đối với người dân, bất kỳ động cơ chính trị nào đằng sau việc hỗ trợ vaccine đều không quá quan trọng.
Một bác sĩ 25 tuổi làm việc ở thủ đô Tunis cho biết: “Các lô vaccine đến từ đâu là mối quan tâm nhỏ nhất đối với chúng tôi”. Vị bác sĩ này dự đoán đợt bùng phát sẽ nghiêm trọng hơn, và người dân sẽ bị ảnh hưởng ngay cả khi có vaccine.
Nhân viên y tế khử khuẩn đường phố ở Tunisia. Ảnh: Anadolu. |
Một bác sĩ khác làm việc trong Bệnh viện Mongi Slim miêu tả bệnh nhân phải mang ghế từ nhà để xếp hàng trong bệnh viện. “Đây là nỗi đau cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ”, vị bác sĩ giấu tên nêu cảm nghĩ.
Tính đến ngày 19/7, Tunisia ghi nhận tổng cộng 546.233 ca mắc và 17.527 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.