Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa cảnh báo mưa dông có thể kéo dài tại Hà Nội hết tuần này. Việc này làm nhiều người lo ngại về sức chống chịu của hệ thống thoát nước, đặc biệt là sau trận mưa lớn bất ngờ khiến quận Hoàn Kiếm ngập sâu hôm 17/8.
Hệ thống thiếu đồng bộ
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Khu vực Tô Lịch, khu vực Tả Nhuệ, khu vực Hữu Nhuệ, khu vực Hà Đông và khu vực Long Biên. Trong số này chỉ có khu vực sông Tô Lịch được đầu tư hoàn chỉnh.
Một số trạm bơm tiêu chính như Liên Mạc, Yên Nghĩa hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh dẫn, kênh xả chưa đồng bộ. Còn trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được cải tạo, nạo vét ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trong hệ thống.
Phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) ngập sâu sau trận mưa hôm 22/8. Ảnh: Minh Quân. |
Trong 6 tháng đầu năm, TP còn 6 điểm không giảm úng ngập là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, đường Cao Bá Quát, đường Nguyễn Khuyến, đường Trường Chinh và Đại lộ Thăng Long.
Ngoài ra, Hà Nội có 6 điểm ngập úng nhẹ ở các phố Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp. Với các trận mưa cường độ 50-100 mm trong 2 giờ, 12 điểm này chắc chắn bị úng ngập.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, một số điểm ngập úng dai dẳng do thi công các dự án giao thông, hạ tầng gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu úng. Trong số này có thể kể đến dự án ga tàu điện S12 trên phố Trần Hưng Đạo, dự án cống hóa một số đoạn của tuyến mương Thụy Khuê hay dự án mở rộng đường vành đai 2 gây ngập úng chân cầu Vĩnh Tuy...
"Còn tồn tại 12 điểm úng ngập, nhưng thời gian nước rút cũng nhanh hơn, chúng tôi cố gắng mỗi điểm ngập chỉ kéo dài 1 giờ. Một số điểm xa cổng xả nên thời gian rút có thể lâu hơn", đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay.
Cảnh báo ngập úng qua ứng dụng
Theo thống kê, khu vực trung tâm Hà Nội còn 12 điểm ngập úng đã nhiều năm chưa thể giải quyết, chưa kể các điểm nhỏ lẻ khác. Trong các giải pháp đưa ra, ngoài cải tạo, nâng cấp, xây mới các hạng mục trong hệ thống thoát nước, đơn vị chức năng Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, khống chế mực nước tại các hồ điều hòa; bảo dưỡng, nâng cấp các trạm bơm; dọn dẹp tấm chắn, vật cản tại các miệng cống; thường xuyên vớt rác, nạo vét cống trước mùa mưa...
Việc đưa vào vận hành Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước Hà Nội giúp phát hiện, dự báo nhanh và cập nhật các điểm ngập úng theo thời gian thực, thông báo cho người dân thông qua các phương tiện truyền thông và ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ huy động các xe bơm nước đến các điểm ngập úng, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 và xây hồ điều tiết ngầm với dung tích 2.300 m3 tại điểm ngập quận Hoàn Kiếm.
Các điểm ngập nặng chủ yếu tập trung ở các quận nội thành Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nhìn nhận về thực trạng ngập úng của thủ đô, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng tốc độ phát triển đô thị ở Hà Nội quá nhanh, hệ thống hạ tầng xã hội không đáp ứng nổi.
"Đây là hệ quả của việc quản trị đô thị không nhất quán, quy hoạch chắp vá. 10 năm vừa rồi, ta xây nhiều nhà cao tầng trong nội đô, gia tăng dân số và áp lực lên hạ tầng xã hội quá mức thì việc quá tải là hoàn toàn dễ hiểu", ông Tùng nói.
Chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề thoát nước và ngập úng đô thị không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp giải pháp theo từng khu vực đô thị cũng như điều kiện hạ tầng. Trước mắt, TP cần hết sức hạn chế xây mới nhà cao tầng, đẩy nhanh quá trình giãn dân tại khu vực nội đô và các dự án thoát nước bị đình trệ.