Google đang đưa mô hình AI mới vào hàng loạt sản phẩm hiện có. Hàng tỷ người dùng sẽ sớm thấy PaLM 2, AI mới của Google, được tích hợp vào Maps, Docs, Gmail, Sheets và chatbot Bard. Ví dụ, khi nhập yêu cầu “Viết mô tả công việc” vào Google Docs, AI sẽ soạn một khung văn bản mà người dùng có thể tùy chỉnh chi tiết.
Vì các rủi ro về an toàn và uy tín, Google đã chậm hơn so với các đối thủ trong việc tung ra các sản phẩm tích hợp AI. Bây giờ, sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Microsoft, OpenAI và những công ty khác đã khiến họ không còn lựa chọn nào khác, Chirag Shah, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Washington, cho biết.
Google cần chứng minh năng lực AI so với các đối thủ
Việc ra mắt hệ thống AI đã được Google chuẩn bị vào phút chót trước I/O, các bản cập nhật thông tin được gửi tới báo chí chỉ vài giờ trước khi sự kiện bắt đầu, theo The Guardian.
Các chuyên gia cảnh báo tung ra hàng loạt sản phẩm AI một cách vội vã tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các mô hình AI còn nhiều lỗi chưa có cách khắc phục, và "nhúng" AI vào các sản phẩm có thể gây hại cho người dùng và vấp phải sự phản đối của các cơ quan quản lý.
Với bộ sản phẩm và tính năng được hỗ trợ bởi AI mới, Google không chỉ nhắm mục tiêu đến các cá nhân mà còn cả khách hàng doanh nghiệp, nhóm sẵn sàng trả tiền để có các phần mềm cải thiện hiệu suất, Shah cho biết.
Google ra mắt hàng loạt tính năng tích hợp AI tại I/O 2023. Ảnh: The Washington Post. |
Thông báo của Google được đưa ra khi các đối thủ như Microsoft, OpenAI và Meta và các nhóm nguồn mở như Stability.AI đang chạy đua để tung ra các công cụ AI ấn tượng có thể tóm tắt văn bản, trả lời trôi chảy các truy vấn của người dùng và thậm chí tạo ảnh, video từ đầu vào văn bản.
“Google cần giữ vị thế là nơi có thể cung cấp tất cả các tính năng đó", Shah nói.
Trong nhiều năm, Google đã nghiên cứu AI mà không đưa ra các sản phẩm mới. Bây giờ, công ty phải đánh đổi giữa việc phát hành các sản phẩm AI mới và nghiên cứu đảm bảo an toàn, Sasha Luccioni, nhà nghiên cứu AI tại công ty khởi nghiệp AI Hugging Face, cho biết.
Trước đây, Google có cách tiếp cận cởi mở hơn, mở mã nguồn các mô hình ngôn ngữ, chẳng hạn như BERT ra mắt năm 2018. Với các hệ thống mã nguồn mở, các nhà nghiên cứu bên ngoài có thể kiểm thử AI và chỉ ra các vấn đề an toàn. “Nhưng do áp lực từ thị trường và từ OpenAI, họ phải thay đổi”, Luccioni nói.
Hàng loạt rủi ro với người dùng và cả Google
Luccioni cho biết với các AI hỗ trợ lập trình, nhiều người dùng sẽ không đủ kỹ năng để phát hiện lỗi, làm hỏng toàn bộ tác vụ hoặc phần mềm đang thực hiện. Nguy cơ tương tự khi AI đưa cho người dùng những lời khuyên về cuộc sống, chuyên gia cho biết.
Google đã "rào trước" bằng các tuyên bố miễn trách nhiệm với thông tin từ các mô hình AI. Zoubin Ghahramani, Phó chủ tịch Google Deepmind, cảnh báo rằng các doanh nghiệp nên cẩn trọng khi ứng dụng những công cụ này và cần kiểm tra kỹ kết quả đầu ra.
Gã khổng lồ tìm kiếm hứa hẹn AI sẽ cải thiện hiệu suất cho mọi tác vụ của người dùng, nhưng trên thực tế công nghệ còn nhiều lỗ hổng nghiêm trọng. Ảnh: AP. |
Ngoài ra còn có những rủi ro liên quan đến các mô hình ngôn ngữ AI mà ngay cả những người am hiểu công nghệ cũng chưa hiểu rõ. Các mô hình dễ bị “bẻ khóa” để đưa ra những thông tin vi phạm chính sách an toàn, chẳng hạn như hướng dẫn người dùng thực hiện hành vi bất hợp pháp. AI tích hợp trên web và hộp thư cũng dễ bị tin tặc tấn công, khai thác thông tin người dùng.
Ghahramani thừa nhận Google chưa tìm ra cách vá các lỗ hổng này, hay cách hạn chế thông tin sai hoặc bịa đặt từ chatbot. Google từng trực tiếp gánh hậu quả tại buổi công bố Bard, khi trợ lý chatbot đưa thông tin sai ngay trên video quảng cáo, gây thiệt hại hàng tỷ USD giá cổ phiếu.
Vội vã tung ra các sản phẩm AI có thể phản tác dụng với Google trong bối cảnh các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ các sản phẩm AI.
EU đang hoàn thiện Đạo luật AI và OpenAI có nguy cơ đối mặt với án phạt vì sử dụng dữ liệu công dân châu Âu. Tại Mỹ, Nhà Trắng gần đây đã triệu tập các nhà lãnh đạo từ Google, Microsoft và OpenAI để thảo luận về nhu cầu phát triển AI một cách có trách nhiệm. Các cơ quan liên bang Mỹ, chẳng hạn như Ủy ban Thương mại, đã báo hiệu rằng họ đang chú ý nhiều hơn đến tác hại mà AI có thể gây ra.
Nếu một số nguy cơ liên quan đến sản phẩm AI trở thành hiện thực, các cơ quan quản lý sẽ có cơ sở để buộc Google phải chịu trách nhiệm, nhưng mặt khác Google không thể chậm chân so với đối thủ trong cuộc chiến giành thị trường phần mềm doanh nghiệp, Shah cho biết.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.