Trong tuần tới, Google sẽ ra mắt mẫu Pixel 4. Nhiều chuyên gia công nghệ đánh giá đây là sự kiện lớn trong năm, và mẫu Pixel 4 có tầm quan trọng đối với thế giới Android ngang iPhone.
Năm 2018, khi Pixel 3 ra mắt, nhiều trang công nghệ gọi chiếc điện thoại này là "smartphone Android tốt nhất năm". Thế nhưng Pixel có thực sự là một ví dụ chuẩn mực cho điện thoại Android hay không?
Smartphone Google đời nào cũng gặp lỗi
Lịch sử dòng máy Android do chính Google phát triển cùng đối tác đã kéo dài hơn 10 năm. Ba năm gần đây, hãng chuyển từ thương hiệu Nexus sang Pixel, cũng nâng cấp từ mức giá tầm trung lên cao cấp, nhưng không đời nào là không dính lỗi khó chịu, thậm chí lỗi nghiêm trọng.
Từ Nexus đến Pixel, hầu như năm nào cũng có sản phẩm gặp lỗi. Ảnh: The Verge. |
Nexus 4, Nexus 5 đều bị than phiền về pin. Nexus 6P thì gặp 2 vấn đề nghiêm trọng hơn là bootloop, tình trạng không thể khởi động được máy và sập nguồn, khiến Google, Huawei phải bồi thường cho nhiều người dùng.
Smartphone nào cũng có vấn đề, tuy nhiên dòng Google Pixel dường như luôn gặp lỗi với những thứ cơ bản nhất.
Cây viết Ben Schoon, 9to5Google.
Sang tới dòng Pixel, thế hệ đầu tiên bị than phiền về lỗi camera, máy nóng nhanh. Thế hệ 2 và 3 thì đều bị than phiền về mặt hiệu năng, quản lý RAM kém.
Đó là chưa kể đến những lỗi về phần cứng như màn hình, microphone, sạc không dây… bị nhiều người dùng phản ánh.
“Smartphone nào cũng có vấn đề, đó là sự thật. Tuy nhiên dòng Google Pixel dường như luôn gặp lỗi với những thứ cơ bản nhất, và họ cứ chấp nhận lỗi rất lâu mà chẳng thèm sửa”, cây viết Ben Schoon của 9to5Google chia sẻ.
Thiết kế thiếu sáng tạo
Nhiều năm liền, Google gắn bó với mặt lưng nhựa trên Pixel. Mặc dù đây là chất liệu nhựa cao cấp, cảm giác sử dụng một chiếc điện thoại như vậy cũng khó mà so sánh với những chất liệu kim loại hay kính ở các đối thủ cùng tầm giá.
"Đặt Pixel 3 XL cạnh Galaxy S9, chiếc điện thoại Samsung trông đắt tiền và thiết kế tốt hơn hẳn. Nó cũng giống như đỗ một chiếc Bentley Continental cạnh một chiếc VW Golf với màu xanh cơ bản vậy, thậm chí là một màu không hề đẹp", cây viết Andy Boxall của Digital Trends nhận xét.
Thiết kế của Pixel 3 XL khó có thể gọi là hấp dẫn, nhất là khi so trực tiếp với những đối thủ cao cấp. Ảnh: Lê Trọng. |
Đó là mặt sau, mặt trước của Pixel 3 XL còn tệ hơn khi sao chép cụm khuyết màn hình "tai thỏ" của iPhone X chậm hơn một năm, với phần khuyết sâu hơn hẳn. "Đây là phần khuyết sâu nhất tôi từng thấy", cây viết của Digital Trends chia sẻ.
Bên cạnh Pixel 3 XL, Pixel 3 có thiết kế an toàn hơn với phần viền trên và dưới màn hình khá dày. Theo những hình ảnh rò rỉ, thiết kế của Pixel 4 vẫn sẽ giữ hai phần viền dày này, cộng với cụm camera lớn, vuông ở mặt sau.
Thực tế là thiết kế của các dòng máy Pixel khá an toàn, không có nhược điểm quá lớn. Tuy nhiên chính sự an toàn này khiến cho ngoại hình của máy thiếu phá cách, cũng không thực sự bắt kịp những xu hướng như màn hình tràn viền.
Xây dựng tên tuổi nhờ nhiếp ảnh điện toán
Một chiếc điện thoại thiết kế khá nhàm chán, giá cao lại nhiều lỗi thường không thể thu hút người dùng, và thực tế là dòng Pixel chỉ bán được vài triệu chiếc mỗi năm, tương đương doanh thu 1 tháng của iPhone. Nhiều năm nay, lợi thế về "Android gốc" của dòng Pixel cũng không còn vượt trội, khi nhiều hãng đã phát triển phiên bản Android nhanh, mượt và tối giản.
Thực tế lý do lớn nhất để những chiếc Pixel thu hút người dùng là camera, và điểm nhấn này thậm chí không đến từ phần cứng như cảm biến hay ống kính.
Triết lý trong camera Pixel là sự đơn giản. Trải nghiệm trơn tru đó đem lại ảnh đẹp mà không cần nhiều chế độ hay tính năng.
Trang DPReview đánh giá camera Google Pixel 3.
Tính năng HDR+ ở đời đầu, chụp ảnh xóa phông ở đời hai và Night Sight ở Pixel 3 đều đem lại kết quả rất ấn tượng, và càng ấn tượng hơn khi những chiếc điện thoại này đều chỉ dùng 1 camera, trong khi các đối thủ đã có 2, 3 camera.
Bí kíp của Google là nhiếp ảnh điện toán, hay nói rõ hơn là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện tấm ảnh.
Họ rất tự hào về nhiếp ảnh điện toán, và với mỗi thế hệ đều viết một bài blog chi tiết để mô tả mình đã làm được gì trong thế hệ vừa qua.
Nhiều tính năng chụp ảnh như xóa phông chỉ với 1 camera xuất hiện trên Pixel, trước khi Apple tích hợp vào năm sau. Ảnh: Cnet. |
Thực tế là ở khía cạnh nhiếp ảnh, Google đã đi trước Apple trong vài năm qua. Sau khi họ ra mắt HDR+ năm 2016, Apple mới ra Smart HDR trên iPhone 2018. Chế độ chân dung với 1 camera xuất hiện trên Pixel năm 2017, và 1 năm sau iPhone mới có. Chế độ chụp đêm của iPhone cũng chậm hơn smartphone Pixel một năm.
Pixel 4 mang tới tương lai mới cho smarthome
Ngoài nhiếp ảnh, Google cũng hé lộ nhiều tính năng thú vị trên Pixel 4. Cụm camera trước giống như FaceID sẽ được sử dụng để mở khóa khuôn mặt, bên cạnh đó còn có tính năng điều khiển từ xa mà Google gọi là Motion Sense.
Pixel cạnh tranh với iPhone về vị trí trong suy nghĩ của người dùng, chứ không phải trên bảng doanh số.
Biên tập viên Vlad Savov, The Verge.
Theo nhà phân tích Bob O'Donnell của Technalysis Research, tính năng này sẽ mở ra khả năng điều khiển mới cho smarthome. Mặc dù Google đã tham gia cuộc chạy đua loa thông minh với Amazon và Apple, việc thu thập giọng nói đang đặt ra lo ngại về quyền riêng tư.
Việc sử dụng thao tác cử chỉ điều khiển từ xa sẽ giảm bớt những lo ngại đó.
Frank Gillett, nhà phân tích tại Forrester thì cho rằng tính năng này có thể được thử nghiệm trên smartphone Pixel, nhưng sẽ sớm được đưa vào màn hình thông minh. Như vậy, người dùng có thể ra lệnh mà không cần động tay, nói chuyện với thiết bị trong căn bếp.
Hầu hết thông tin về Google Pixel 4 đã được tiết lộ trước ngày ra mắt. Ảnh: evleaks. |
Không gây ấn tượng bằng thiết kế, thậm chí cũng chẳng thể thuyết phục với độ ổn định, Google vẫn đang có cách nói với giới yêu thích công nghệ tương lai của smartphone cũng như smarthome.
Đó là lý do Google Pixel 4 sẽ tiếp tục thu hút những người mê công nghệ, nhưng nhiều khả năng vẫn không phải là thành công về thương mại.