Ngày 12/3, ngay sau khi tuyên bố trên Twitter: “các cuộc chiến thương mại là điều tốt”, Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh ngăn chặn một trong những vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử làng công nghệ.
Kế hoạch được đưa ra bởi Broadcom Ltd., một công ty sản xuất chip của Singapore, với ý đồ thâu tóm Qualcomm Inc., nhà sản xuất modem di động hàng đầu thế giới, với giá 117 tỷ USD. Trump cho biết ông hủy bỏ thỏa thuận vì sợ Broadcom “có thể có hành động đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ”.
Vụ chuyển giao lớn nhất làng công nghệ "bể kèo"
Động thái này khiến Hock Tan - Giám đốc điều hành của Broadcom giận dữ. Tại Nhà Trắng vài tháng trước đó, ông Trump đã ca ngợi Tan không tiếc lời. Broadcom có vẻ như được tôn trọng không khác gì các công ty Mỹ.
Ông Tan là công dân Mỹ, phần lớn nhân viên của họ đến từ California. Hợp đồng của vụ mua bán này được bảo lãnh bởi một công ty Mỹ và Broadcom đã hứa sẽ chuyển trụ sở chính trở lại California như một phần của hợp đồng.
Huawei gặp nhiều khó khăn khi gia nhập thị trường Mỹ, một phần do chính sách hạn chế của chính phủ Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Những người quan tâm đến an ninh quốc gia Mỹ còn muốn điều gì khác? Gần như ngay lập tức, cuộc đàm thoại chuyển sang chủ đề gây lo ngại thực sự cho Washington: Huawei.
Huawei Technologies Co. là công ty công nghệ có doanh thu lớn nhất Trung Quốc với doanh số lớn hơn đến 60% so với người đứng thứ 2 là JD.com Inc. Huawei cũng là một trong những nhà sản xuất hạ tầng viễn thông lớn nhất thế giới dù gần như không có thị phần tại Mỹ. Chính quyền Mỹ ngăn cấm 4 nhà mạng lớn là AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint sử dụng thiết bị Huawei.
Huawei cũng có thị phần ngày càng tăng ở mảng điện thoại thông minh. Hai yếu tố này khiến cho hãng trở nên đáng sợ với nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ. Từ đó, họ sẵn sàng bỏ rơi Broadcom trong cuộc chơi lớn.
Nỗi sợ của người Mỹ
Chuck Grassley - một trong những Thượng nghị sĩ lâu đời nhất của Đảng Cộng hòa – cho biết ông lo lắng trước viễn cảnh các hãng viễn thông Mỹ bị phụ thuộc vào nhà sản xuất Trung Quốc. “Tôi không thể phát âm chuẩn tên của họ nhưng nó bắt đầu với chữ H và kết thúc với W-E-I. Khi họ gia nhập thị trường, họ làm tôi lo sợ”.
Sự sợ hãi này, phần nào xuất phát từ thành công đầy hoang dại của Huawei. Ngoài việc phát triển nhanh hơn Apple hay Samsung, công ty này còn có năng lực sản xuất và bí quyết kỹ thuật để cạnh tranh với Qualcomm trong cuộc chạy đua phát triển thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Đây là công nghệ hứa hẹn tạo ra kết nối siêu nhanh phục vụ xe tự lái, thiết bị y tế điều khiển từ xa và thiết bị công nghiệp.
Với thị phần 11%, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sau Samsung, Apple.
Một khi Huawei có thị phần lớn hơn ở thị trường 5G, họ có thể chiếm lợi hàng tỷ USD so với đối thủ từ Mỹ và thu phí bất cứ công ty nào với bằng sáng chế của mình.
Ông Trump ngăn việc Broadcom mua lại Qualcomm vì một lý do khá nhạy cảm. Nhà Trắng lập luận rằng ông Tan là người cực kỳ tiết kiệm. Ông ta có thể cắt giảm một nửa chi tiêu của Qualcomm cho việc nghiên cứu và phát triển, gián tiếp đem lại lợi thế cho Huawei trong cuộc đua 5G.
Trong một bức thư gửi ngày 5/3, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cảnh báo rằng bản hợp đồng khi được ký sẽ làm “suy yếu vị trí của Qualcomm”, để cho Trung Quốc rộng cửa tiến lên chuẩn 5G.
Hồi tháng 1, một đảng viên Cộng hòa tại Texas đã trình dự luật cấm chính phủ liên ban làm ăn với bất kỳ thực thể nào sử dụng thiết bị của Huawei. 2 tuần sau, một bản ghi chú nội bộ rò rỉ từ Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về 5G mô tả sự tiến bộ của Huawei như một mối đe dọa với an ninh Mỹ. Một cái tên khác cũng xuất hiện trong bản ghi chú này là ZTE.
Huawei phủ nhận những cáo buộc từ phía Mỹ. Họ nói rằng họ không có mối liên hệ nào với chính phủ Trung Quốc và việc cài cửa hậu gián điệp trên thiết bị hạ tầng mạng hoặc phần mềm chẳng khác nào tự sát. “Chúng tôi đã ở trong ngành này 30 năm và chưa gặp vấn đề nào về bảo mật”, Joe Kelly – Phó chủ tịch phụ trách truyền thông quốc tế của Huawei nói. “Nước Mỹ có gì để lo sợ từ chúng tôi về mảng an ninh mạng? Câu trả lời là không”.
Nhà vô địch quốc gia
Tuy nhiên, có một thực tế là Huawei nhận sự trợ giúp rất lớn từ chính phủ với các hợp đồng cung cấp thiết bị cho chính phủ và dòng tín dụng gần như bất tận. Công ty này có khoảng 180.000 nhân viên, phần lớn là kỹ sư và bán sản phẩm tại 170 quốc gia.
Là một công ty tư nhân, Huawei lại chỉ công bố báo cáo tài chính 2 lần mỗi năm, như một nỗ lực làm minh bạch bản thân để thuyết phục chính phủ nước ngoài ký hợp đồng, theo Bloomberg. Hãng này được cho đạt doanh thu 92 tỷ USD trong năm 2017, tăng mạnh so với mức 35 tỷ USD 3 năm trước đó và đặt mục tiêu 12 con số năm 2018 (trên 100 tỷ USD).
Doanh thu năm 2017 của Huawei so với 2 đối thủ lớn ở mảng thiết bị viễn thông là Nokia và Ericsson. |
Huawei có nhiều hướng để phát triển, đặc biệt là 5G. Hãng này hiện sở hữu khoảng 10% bằng sáng chế 5G. Họ khẳng định đang nuôi 300 kỹ sư tốt nhất để toàn tâm phát triển dự án này, cùng sự trợ giúp của hàng nghìn người khác.
Huawei chi 600 triệu USD cho nghiên cứu 5G và kỳ vọng chi thêm 800 triệu USD nữa trong năm nay để đưa công nghệ này ra thị trường. Họ sở hữu khoảng 50 hợp đồng với các nhà mạng để thử nghiệm thiết bị. Tổng cộng, công ty Trung Quốc chi 12 tỷ USD cho R&D năm 2016, so với mức 5,1 tỷ USD của Qualcomm và 4,9 tỷ USD của Nokia.
Công ty này được điều hành bởi 3 vị CEO, lãnh đạo theo hình thức quay vòng sau mỗi 6 tháng. Người có vai trò nổi bật nhất là Ren, sở hữu chỉ 1% cổ phần nhưng có quyền phủ quyết với những quyết định quan trọng.
Bó buộc lẫn nhau
Theo nhiều người, cái cách chính phủ Mỹ e ngại Huawei chẳng khác gì việc Trung Quốc cấm cản Google và phần nào đó là Apple thời gian qua. Theo James Lewis, cựu chuyên gia về an ninh không gian mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, “Trung Quốc rất lo lắng về sự bành trướng của các ông lớn công nghệ Mỹ. Điều này diễn ra trong hơn một thập kỷ. Giải pháp của họ là phát triển một ‘nhà vô địch quốc gia’ riêng. Đó là lý do Huawei lớn mạnh như hiện nay”.
Tuy nhiên, nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang động thái ngăn chặn các công ty công nghệ của nhau, họ có thể làm chậm tiến trình đổi mới của thế giới. Lewis nghĩ rằng Mỹ có 3 lựa chọn, nhưng không lựa chọn nào trong số này tối ưu.
Hình ảnh được cho là của bộ 3 smartphone sắp ra mắt của Huawei. |
Hai trong số đó được coi là chính sách “tự sát”: Bơm tiền cho các công ty trong nước như Qualcomm, giúp họ lớn mạnh hơn Huawei hoặc trợ cấp cho các công ty ngoài Trung Quốc như Ericsson hay Nokia để giành các hợp đồng lớn từ Huawei.
Lựa chọn thứ 3 ít thực tế hơn. Chính phủ phải làm việc ít nhất 15 năm để tạo ra loại phần mềm mã hóa không thể phá vỡ để bảo vệ dữ liệu của mình, nếu họ không tin tưởng vào thiết bị phần cứng của Huawei.