Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 30/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế có thời điểm vượt mốc 120 USD/thùng, rồi điều chỉnh giảm nhẹ về 119,79 USD/thùng. Đây là mức cao nhất trong vòng gần 3 tháng qua.
Còn giá dầu WTI - được sản xuất tại các nhà máy lọc dầu ở Mỹ - tăng 0,5% lên 115,6 USD/thùng. Đây cũng là mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Nói với Zing, ông Jeffrey Halley - nhà phân tích tại Asia Pacific OANDA (có trụ sở ở Singapore) - nhận định giá dầu tăng do giới đầu tư cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được thỏa thuận cấm dầu Nga.
Hôm 30/5, giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 120 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics. |
EU tiến gần hơn với lệnh cấm
Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cuộc họp hôm 30 và 31/5 để thảo luận về các đòn trừng phạt nhắm vào Nga nhằm trả đũa "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow tại Ukraine.
Đồng quan điểm, bà Madhavi Mehta - nhà phân tích tại Kotak Securities - cho rằng thị trường dường như đã tin rằng EU sẽ đạt được thỏa thuận về một số hình thức hạn chế đối với dầu thô Nga.
Theo bà, bất cứ thỏa thuận nào, ngay cả với các trường hợp miễn trừ, cũng sẽ không đem lại nhiều tác động tích cực cho nguồn cung.
Theo các quan chức EU, hôm 29/5, giới chức khối này đã không thể thống nhất lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu Nga, nhưng sẽ tiếp tục đàm phán về thỏa thuận cấm dầu Nga vận chuyển bằng đường biển, trong khi vẫn cho phép dầu vận chuyển qua đường ống.
Liên minh châu Âu vẫn còn gặp khó trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga thời gian tới
Nhà phân tích Leona Liu của DailyFX
"Khối này vẫn còn gặp khó trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong thời gian tới. Điều đó cho thấy lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn ít khả thi hơn, và nhu cầu sẽ tăng trong thời gian tới", nhà phân tích Leona Liu của DailyFX bình luận.
Theo chuyên gia Halley, bất cứ hạn chế nào đối với dầu Nga từ phía EU cũng sẽ gia tăng căng thẳng trên thị trường dầu, nhất là khi Mỹ đang bước vào mùa lái xe cao điểm.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 482.000 thùng trong tuần trước xuống còn 219,7 triệu thùng. Lượng tiêu thụ xăng thường đi lên trong mùa hè - mùa lái xe cao điểm tại nước này.
"Thông tin về việc OPEC+ từ chối lời kêu gọi tăng nhanh sản lượng để hạ nhiệt giá dầu của phương Tây cũng góp phần làm thị trường dầu đi lên", chuyên gia Halley giải thích.
Theo Reuters, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) sẽ tuân theo thỏa thuận về việc nâng sản lượng dầu được đưa ra vào năm ngoái, và từ chối lời kêu gọi thúc đẩy sản lượng của phương Tây.
Thị trường dầu cũng bị ảnh hưởng sau khi Iran cho biết hải quân nước này đã bắt giữ 2 tàu chở dầu của Hy Lạp, nhằm trả đũa việc Mỹ tịch thu dầu Iran từ một tàu chở dầu ngoài khơi biển Hy Lạp.
Nhu cầu có khả năng tăng cao
Ngoài ra, theo ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại The Americas OANDA (có trụ sở ở Mỹ), giá dầu cũng được thúc đẩy sau khi Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới - nới lỏng các lệnh phong tỏa.
Thượng Hải và Bắc Kinh - 2 thành phố lớn của Trung Quốc - đã bắt đầu nới lỏng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh sau khi số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng giảm xuống. Hôm 29/5, chính quyền Thượng Hải cho biết các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại mà không cần xin cấp phép.
Hôm 29/5, tại Bắc Kinh, các trung tâm mua sắm lớn bắt đầu thông báo sẽ mở cửa trở lại. Khách sạn, công viên giải trí cũng được khôi phục lại hoạt động.
Dịch vụ gọi xe và hầu hết phương tiện giao thông công cộng được hoạt động trở lại tại các khu vực kinh doanh chính. Nhiều người lao động được phép trở lại làm việc.
Kể từ tháng 3, việc Trung Quốc áp dụng các lệnh phong tỏa góp phần giúp giá dầu hạ nhiệt. Nhưng sau khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng. Ảnh: Trading Economics. |
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã phong tỏa hàng loạt thành phố lớn để đối phó với làn sóng dịch bệnh. Trong đó, Thượng Hải - trung tâm tài chính với 25 triệu cư dân, nơi có cảng biển đông đúc nhất - chịu tác động nặng nề nhất.
Những lệnh phong tỏa làm gián đoạn các hoạt động từ di chuyển, sản xuất tới vận tải, từ đó đè nặng lên nhu cầu dầu toàn cầu. Vài tháng qua, cùng với những nỗ lực tăng nguồn cung dầu từ các chính phủ trên thế giới, chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc góp phần lớn trong việc hạ nhiệt giá dầu.
Do đó, giới quan sát cảnh báo giá dầu có thể tăng mạnh sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế.