Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 31/5, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã rơi một mạch từ hơn 76 USD/thùng xuống 72,59 USD/thùng. Các dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - đang đè nặng lên thị trường này.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 31/5, chỉ số quản lý thu mua chính thức (PMI) của khu vực sản xuất đã giảm từ 49,2 điểm xuống 48,8 điểm. Đây là chuỗi giảm kéo dài 3 tháng theo sau đợt tăng ngắn trong 2 tháng đầu năm.
Con số này thậm chí còn thấp hơn dự báo trước đó của giới quan sát là 49,4 điểm. PMI rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp.
Biến động của giá dầu trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp
Các chỉ số phụ của PMI bao gồm số lượng đơn đặt hàng mới và tồn kho nguyên liệu thô đều giảm trong tháng 5. Điều này cho thấy cả xuất khẩu lẫn đầu tư vốn đang sụt giảm.
"Các chỉ số PMI chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi trong tháng 5, dù với tốc độ chậm hơn", Reuters dẫn lời ông Julian Evans-Pritchard - Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics.
"Ngành công nghiệp đang gặp khó khăn. Dòng tiền chảy vào các hoạt động xây dựng cũng suy yếu", vị chuyên gia nhận định.
Việc Trung Quốc không phục hồi mạnh mẽ như dự kiến là tin xấu với giá dầu. Nhu cầu đối với nhiên liệu sẽ bị đè nặng nếu các hoạt động kinh tế như sản xuất, vận tải và di chuyển yếu đi.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tin rằng đất nước 1,4 tỷ dân sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của thị trường dầu toàn cầu. Theo lập luận của IEA, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - có thể chiếm tới 60% tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong năm nay.
Cơ quan này tin rằng đà giảm trên thị trường dầu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã lung lay. Họ thậm chí phớt lờ thực tế là cầu chuẩn bị vượt quá cung.
"Sự bi quan trên thị trường hiện tại hoàn toàn trái ngược với tình trạng khan hiếm trên thị trường, mà chúng tôi tin rằng sẽ xảy ra vào cuối năm nay, khi nhu cầu dự kiến vượt cung 2 triệu thùng/ngày", IEA cảnh báo.
Trong báo cáo được công bố hồi giữa tháng 5, OPEC cũng thừa nhận rằng trong tương lai, nhu cầu dầu đối với hầu hết sản phẩm tại Trung Quốc sẽ tăng lên. Hoạt động di chuyển nội địa và hàng không trong nước đã phục hồi lên gần 80% so với mức trước đại dịch.
Mỹ tiến gần suy thoái
Hiện tại, trong khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm hơn dự báo, Mỹ đang tiến gần hơn đến một cuộc suy thoái. Kể từ tháng 3 năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 10 lần để hạ nhiệt lạm phát.
Những dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy các động thái này đang phát huy tác dụng. Hơn thế nữa, thỏa thuận sơ bộ giữa Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy về trần nợ công có thể làm gia tăng rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ.
Theo đó, hai bên đồng ý tạm thời đình chỉ mức trần nợ công 31.400 tỷ USD đến ngày 1/1/2025, để chính phủ có thể vay tiền thanh toán chi phí.
Đổi lại, chi tiêu chính phủ (ngoại trừ quốc phòng) trong năm tài chính 2024 sẽ được giữ nguyên ở mức hiện tại và tăng tối đa 1% trong năm 2025.
Trong những quý vừa qua, chi tiêu liên bang đã thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Nhưng động lực này có thể sớm bị triệt tiêu sau thỏa thuận mới, từ đó giáng đòn lên tăng trưởng kinh tế vốn đang bị bóp nghẹt bởi các chính sách tiền tệ thắt chặt.
Cuộc họp giữa OPEC và đồng minh cũng sắp diễn ra. Cuộc họp này sẽ quyết định về việc liệu nhóm có tiếp tục cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thị trường chịu sức ép lớn hay không.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.