Các nhà phân tích đang lạc quan rằng cuối cùng, thỏa thuận về trần nợ công của Mỹ sẽ được thông qua trong một Quốc hội chia rẽ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào cuối tuần trước và đang chờ Quốc hội thông qua. Như vậy, Mỹ có thể thoát khỏi kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc vỡ nợ.
Theo ông Stephen Pavlick - Trưởng bộ phận Chính sách tại Renaissance Macro Research, các nhà đầu tư có thế tìm thấy cơ hội trong thời kỳ hỗn loạn.
Cơ hội thị trường
"Tôi gần như chắc chắn rằng thỏa thuận sẽ được thông qua", CNBC dẫn lời ông Jeremy Siegel - giáo sư tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania - bình luận về thỏa thuận trần nợ công của Mỹ.
"Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải lấp đầy kho tiền của mình. Nếu các nhà đầu tư đang trông chờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, đây sẽ là một cơ hội của thị trường", ông Pavlick nhận định.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải lấp đầy kho tiền của mình. Nếu các nhà đầu tư đang trông chờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, đây sẽ là một cơ hội của thị trường
Ông Jeremy Siegel - giáo sư tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania
Vị chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư có thể cân nhắc việc mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ, rồi chốt lời ở mức giá cao hơn.
Trở lại với cuộc khủng hoảng trần nợ gần đây nhất, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 16% trong khoảng 5 tuần vào năm 2011. Thời điểm đó, Mỹ thoát được một vụ vỡ nợ vào phút chót, nhưng nước này vẫn bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Đáng nói, chỉ 2 tháng sau khi bị hạ xếp hạng, S&P 500 đã bật tăng và phục hồi hoàn toàn vào cuối năm.
"Mọi người có thể lãi đậm nếu mua vào trong thời kỳ thị trường suy yếu. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tiếc nuối vì không mua thêm cổ phiếu với giá thấp trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch", bà Callie Cox - nhà phân tích đầu tư của eToro (Mỹ) - nói với CNN.
Dù vậy, bà cảnh báo các nhà đầu tư không nên đánh giá thị trường "trong môi trường chân không". Bởi vẫn còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến biến động của thị trường.
"Rất nhiều áp lực khác nhau đang đè nặng lên nền kinh tế. Theo một cuộc khảo sát mới đây, nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng trong năm ngoái bất chấp những dự báo về một cuộc suy thoái, nhưng may mắn sẽ không kéo dài sang năm nay", bà Cox cảnh báo.
Sức ép vẫn còn
Trong khi đó, ông Siegel cho biết sau khi tổng thống Mỹ và chủ tịch Hạ Viện đạt được thỏa thuận sơ bộ, các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán của Mỹ chỉ tăng nhẹ. Theo vị chuyên gia, nguyên nhân là vẫn còn sự thiếu chắc chắn xoay quanh thỏa thuận này.
"Nhưng nỗi lo ngại lớn nhất với các nhà đầu tư là việc Fed thắt chặt thái quá", ông cảnh báo.
"Các vấn đề trong ngành ngân hàng không dẫn tới một cuộc khủng hoảng tiền gửi, mà là sự thắt chặt trong các tiêu chuẩn cho vay, nhất là với những công ty vừa và nhỏ. Tôi lo ngại về tình hình trong nửa cuối năm nay và giờ đây, chúng ta nên tập trung vào những vấn đề đó", vị chuyên gia cảnh báo.
Hơn nữa, giới quan sát cũng cảnh báo rằng dù ít hay nhiều, thỏa thuận đình chỉ trần nợ công vẫn làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thỏa thuận mới yêu cầu chi tiêu chính phủ (trừ quốc phòng) trong năm 2024 sẽ phải giữ nguyên so với mức của năm nay và chỉ được tăng 1% trong năm sau đó.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.