Giá dầu biến động mạnh trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 20/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI có lúc lao dốc từ ngưỡng cao 109 USD/thùng (ngày 19/2) xuống còn 102 USD/thùng, rồi bật tăng lên 103,6 USD/thùng, đánh dấu mức tăng 0,96% so với 24 giờ trước đó.
Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent dao động quanh vùng 107-112 USD/thùng. Tính đến 16h20, loại hàng hóa này được giao dịch ở mức 108,23 USD/thùng, tăng gần 1% so với một ngày trước đó.
Nói với Zing, các chuyên gia nhận định giá dầu liên tục đảo chiều vì nhiều yếu tố. Cùng với đó là việc thị trường thường phản ứng thái quá với những thông tin liên quan tới nguồn cung dầu.
Giá dầu Brent dao động mạnh quanh vùng 107-112 USD/thùng trong vòng một ngày qua. Ảnh: Trading Economics. |
Biến động mạnh
"Thị trường dầu vừa trải qua một ngày biến động mạnh", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính tại UK & EMEA OANDA (có trụ sở ở London) - nhận xét với Zing.
Theo vị chuyên gia, giá dầu lao dốc sau những dự báo về triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc vì làn sóng Covid-19 mới và các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch.
Cụ thể, trong báo cáo mới được công bố hôm 19/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ hứng chịu những tác động tiêu cực trong vài tuần tới do nỗ lực chống dịch.
IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 xuống còn 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với con số được đưa ra hồi tháng 1.
Tình trạng gián đoạn tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn - đè nặng lên giá dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022, sau khi Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19 mới.
Các yêu cầu gắt gao nhằm chống dịch tại Trung Quốc đè nặng lên nhu cầu dầu, khiến giá dầu đi xuống. Ảnh: Reuters. |
Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo dữ liệu của Nomura Holdings, các thành phố chiếm tới 40% GDP, tương đương 7.200 tỷ USD, của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
IEA đã hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu trong năm nay 260.000 thùng/ngày. Cơ quan này thậm chí còn hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc trong tháng 4 tới 925.000 thùng/ngày.
"Tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc lao dốc đồng nghĩa với việc tiêu thụ dầu giảm, từ đó tác động mạnh lên giá dầu", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao ở Asia Pacific OANDA (có trụ sở tại Singapore) - nói với Zing.
Nhanh chóng bật tăng
"Nhưng giá dầu nhanh chóng bật tăng sau thông tin về các cuộc biểu tình ở Libya, khiến sản lượng dầu giảm khoảng nửa triệu thùng/ngày", ông Erlam giải thích. Cụ thể, những mỏ dầu và cảng xuất khẩu của nước này liên tiếp phải đóng cửa do các cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah.
Vị chuyên gia cho rằng việc sản lượng giảm do các cuộc biểu tình chỉ là tạm thời. Nhưng điều này xảy ra ngay vào thời điểm thị trường dầu nhạy cảm vì nguồn cung toàn cầu khan hiếm.
"Cùng với đó là việc tăng sản lượng dầu thô của OPEC+ vẫn thấp hơn kế hoạch đề ra", ông Erlam giải thích. Trong tháng 3, sản lượng khai thác dầu của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với kế hoạch.
Giá dầu vẫn sẽ biến động mạnh bởi thị trường thường phản ứng thái quá với các thông tin. Tôi tin rằng giá dầu Brent sẽ được duy trì ở phạm vi 100-120 USD/thùng, còn giá dầu WTI dao động quanh vùng 95-115 USD/thùng
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao ở Asia Pacific OANDA (có trụ sở tại Singapore)
Nguyên nhân là sản lượng của Nga bắt đầu giảm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo đó, sản lượng của Nga giảm khoảng 300.000 thùng/ngày vào tháng 3, tương đương 10 triệu thùng/ngày.
Theo ước tính của IEA, sản lượng trong tháng 4 có thể thấp hơn tháng trước 1,5 triệu thùng/ngày. Trước đó, mức giảm được IEA dự báo lên tới 3 triệu thùng dầu/ngày. Tuy vậy, cơ quan này cảnh báo lượng dầu Nga bị mất đi có khả năng tăng gấp đôi vào tháng 5.
Mức độ tuân thủ của OPEC+ đối với việc cắt giảm sản lượng đã tăng lên 157% trong tháng 3, từ 132% vào tháng 2, mức cao nhất kể từ khi nhóm này đưa ra mức cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày nhằm đối phó với những tác động từ đại dịch.
Mới đây, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn 432.000 thùng/ngày trong tháng 5 trước sức ép của các nước tiêu thụ lớn.
Ngoài ra, theo ông Halley, sau khi giá dầu lao dốc, các nhà giao dịch ở châu Á đã tranh thủ mua vào với giá rẻ, điều này khiến giá điều chỉnh tăng.
"Giá dầu vẫn sẽ biến động mạnh bởi thị trường thường phản ứng thái quá với các thông tin. Trong thời gian tới, tôi tin rằng giá dầu Brent sẽ được duy trì ở phạm vi 100-120 USD/thùng, còn giá dầu WTI dao động quanh vùng 95-115 USD/thùng", ông Halley dự báo với Zing.
Ông cảnh báo rằng những diễn biến liên quan đến chiến sự ở Ukraine sẽ khiến giá dầu trồi sụt mạnh hơn nữa.