Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 30/5 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin bất ngờ tăng 4,76% so với 24 giờ trước đó và chính thức xuyên thủng ngưỡng 30.000 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 577 tỷ USD. Khối lượng giao dịch tăng 23,81% lên 22 tỷ USD.
Thị trường tiền mã hóa cũng phục hồi mạnh mẽ. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa tăng 4,82% lên 1.260 tỷ USD. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - tăng gần 6% lên 1.879 USD/đồng.
Riêng đồng Cardano - nằm trong nhóm 10 đồng tiền có vốn hóa lớn nhất - ghi nhận mức tăng gần 12% sau vỏn vẹn một ngày.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích rằng thông tin mới về lạm phát của Mỹ làm dấy lên hy vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ không tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vẫn rất dễ tổn thương trước những áp lực bán tháo.
Giá Bitcoin lấy lại mốc 30.000 USD/đồng hôm 30/5. Ảnh: CoinMarketCap. |
Sức ép lạm phát giảm đi
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 27/5 đã tăng 4,9% so với một năm trước đó.
Tăng trưởng PCE của Mỹ đã giảm tốc so với những tháng trước đó. Giá tiêu dùng cá nhân tăng 6,6% trong tháng 3. Hồi tháng 2, tốc độ tăng là 6.3%.
PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác. Đáng nói, đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trong tháng 4, mức tăng hàng tháng của PCE là 0,3%, tương tự tốc độ vào tháng 3 và phù hợp với dự báo trước đó của giới quan sát.
Giá Bitcoin có thể trở lại đà tăng lành mạnh nếu khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. Và điều đó xảy ra khi lạm phát được kiểm soát tốt
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA
Mức tăng tháng 4 của PCE thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố. Theo đó, CPI tháng trước của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng giá tiêu dùng của Mỹ giảm tốc trong tháng 4 là tin tốt đối với các thị trường rủi ro, vốn bị đè nặng bởi rủi ro lạm phát.
Để đối phó với áp lực lạm phát, FED đã thực hiện 2 đợt nâng lãi suất với tổng cộng 75 điểm cơ bản. Cơ quan này cũng phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi lạm phát tiến gần hơn đối với mục tiêu 2%.
Trong vòng 2 năm qua, các thị trường rủi ro như cổ phiếu và tiền mã hóa đã tăng phi mã nhờ những chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ chưa từng có nhằm đối phó với ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cụ thể, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Cơ quan này cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.
Việc lãi suất rơi xuống mức thấp khiến chi phí cơ hội của các khoản đầu tư giảm đi, thúc đẩy giới đầu tư tìm đến những tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu meme và tiền mã hóa. Nhưng giờ, đà tăng phi mã của thị trường đã kết thúc nhanh như khi nó bắt đầu.
Tiếp tục biến động
"Giá Bitcoin chịu áp lực lớn khi các nhà đầu tư lo ngại rằng FED sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong những cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sắp tới", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA - giải thích với Zing. FOMC là cơ quan hoạch định chính sách của FED.
"Thông tin đà tăng của PCE trong tháng 4 - thước đo lạm phát yêu thích của FED - giảm tốc có thể làm giảm bớt lo ngại về việc ngân hàng trung ương Mỹ mạnh tay nâng lãi suất, từ đó thúc đẩy thị trường tiền mã hóa", vị chuyên gia nói thêm.
Theo chuyên gia Moya, giá Bitcoin có thể trở lại đà tăng lành mạnh nếu khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. "Và điều đó xảy ra khi lạm phát được kiểm soát tốt", ông nói thêm.
Khẩu vị rủi ro là thuật ngữ chỉ quan điểm, mức chấp nhận của mỗi cá nhân, tổ chức về mức độ xuất hiện rủi ro trong việc đầu tư.
Giá Bitcoin lao dốc mạnh trong vòng một tháng qua. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới bị đè nặng bởi lãi suất tăng cao. Ảnh: CoinMarketCap. |
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng giá Bitcoin còn rất dễ biến động trong thời gian tới bởi FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ngay cả khi đã sụt giảm, giá tiêu dùng của Mỹ vẫn tăng với tốc độ cao.
"Người nắm giữ Bitcoin rất dễ nương theo đà bán tháo, tức bán ra khi thấy giá giảm", vị chuyên gia nói thêm.
Sau thông tin về PCE tại Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số NASDAQ - thiên về công nghệ - đã tăng 390,48 điểm (3,33%) lên 12.131,13 điểm. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 4.158 điểm, tăng 100,4 điểm (2,47%), còn chỉ số Dow Jones tăng 575,77 điểm (1,76%) lên 33.212.
"Thời gian qua, Bitcoin được giao dịch giống cổ phiếu công nghệ hơn là một loại tiền mã hóa. Giá của đồng tiền này có mối tương quan chặt chẽ với NASDAQ", ông Emile Phaneuf - nhà kinh tế học tại công ty nghiên cứu tiền mã hóa Brave New Coin - nhận định.