Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt gà các loại đạt 195.000 tấn, trị giá 166,6 triệu USD. Mỹ là nước xuất khẩu thịt gà sang Việt Nam nhiều nhất với tỷ trọng 61,8%, tiếp theo là Brazil (13,1%) và Hàn Quốc (12,3%).
Tính ra, giá nhập bình quân mặt hàng thịt gà trong 8 tháng đầu năm là 850 USD/tấn, tương đương 19.500-20.000 đồng/kg. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao gà Mỹ, Brazil về Việt Nam lại có giá quá “bèo”.
Giá nhập bình quân mặt hàng thịt gà trong 8 tháng đầu năm là 19.500-20.000 đồng/kg. Ảnh minh họa. |
Việt Nam nhập hàng thứ phẩm, người Mỹ không chuộng
Thịt gà nhập về Việt Nam chủ yếu là gà công nghiệp, tập trung vào 2 loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà. Trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%), tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Giá nhập khẩu bình quân thịt gà về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm là 850 USD/tấn, tương đương 19.500-20.000 đồng/kg. Giá này chưa bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và bảo quản kho lạnh.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Chăn nuôi, cho biết trong 195.000 tấn thịt gà nhập khẩu, thịt đùi có giá trị cao nhất chỉ chiếm gần 6%. Những loại thịt khác như nội tạng, đầu, cổ, chân gà không có giá trị.
Giá bình quân thịt gà nhập khẩu những năm gần đây dao động 0,85-1 USD/kg, do đó, giá hiện tại không thấp so với mặt bằng chung. Thậm chí, giá đã tăng khá mạnh từ tháng 6.
Báo cáo liên quan đến nhập khẩu thịt gà 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy Việt Nam nhập 62.418 tấn thịt gà đông lạnh từ Mỹ với giá trị nhập khẩu đạt 48,62 triệu USD. Tính trung bình, thịt gà nhập Mỹ về có giá dưới 18.000 đồng/kg, riêng giá nhập cánh gà Mỹ trung bình chỉ 16.428 đồng/kg.
Thị trường Mỹ chủ yếu tiêu thụ thịt trắng phần ức gà, đầu cánh gà. Đùi, cổ, cánh gà chỉ được coi là hàng thứ phẩm. Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, giá thịt gà nhập khẩu tháng 8 là 910 USD/tấn, tương đương 21.500 đồng/kg. Với tháng 9 là 857 USD/tấn, tương đương khoảng 20.000 đồng/kg.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, phân tích tại nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, thịt lườn gà mới là mặt hàng được ưa chuộng với mức giá đắt. Còn các loại thịt như đùi, cánh không được ưa chuộng.
“Đây thực chất là sản phẩm phụ phẩm cho chế biến song vẫn xuất khẩu được sang các nước châu Á thì họ vẫn xuất sang”, ông Thắng nói.
Tổng cục Hải quan cũng từng khẳng định điều này trong thông báo phát đi hồi tháng 6. "Thực tế, mức giá nhập khẩu gà rẻ vì Việt Nam chủ yếu nhập mặt hàng được coi là thứ phẩm, không được ưa chuộng tại thị trường Mỹ", thông báo nêu.
Thịt gà bù đắp cho lượng thịt lợn thiếu hụt
Bộ Công Thương chỉ ra các số liệu về nhập khẩu thịt gà cho thấy lượng nhập khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Trọng cũng khẳng định cần có thêm sản lượng thực phẩm khá lớn bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt, chủ động được nguồn thịt trong 3-4 tháng cuối năm và không lo thiếu dịp Tết Nguyên đán.
Thịt gà được cho là sẽ bù đắp một phần cho lượng thịt lợn thiếu hụt. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn khá hạn chế. Ảnh: Báo Công Thương. |
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2 khiến cả nước thiệt hại khoảng 5,5 triệu con lợn, tương đương khoảng 8% tổng sản lượng thịt. Trong khi đó, thịt lợn chiếm tới trên 70% nhu cầu thực phẩm hàng ngày.
Thực tế, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã chuyển sang chăn nuôi gà. Tuy nhiên, việc nuôi gà công nghiệp ồ ạt, thiếu kiểm soát dẫn đến việc giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước thấp hơn giá gà nhập khẩu.
Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia hội nhập cho rằng mức giá trung bình 19.500-20.000 đồng/kg gà nhập khẩu chưa hẳn đã thấp. Mức giá trên chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh... trong khi tổng những loại phí này không hề nhỏ.
Thêm nữa, cách tính giá trung bình lấy trị giá nhập chia tổng lượng nhập có thể không phù hợp với mặt hàng thịt gà. Cần chi tiết hơn như bình quân mỗi kg đùi gà giá bao nhiêu, cánh gà giá bao nhiêu hay chân gà giá bao nhiêu.
Một khả năng khác được đưa ra là doanh nghiệp khai báo không đúng giá nhập khẩu đầu vào, mục đích giảm một phần thuế. Tổng cục Hải quan từng trả lời không có cơ sở để kết luận điều này.