Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Emmanuel Macron quyến rũ được cử tri Pháp?

Trẻ tuổi và đầy tham vọng, Emmanuel Macron đã từng bước chiếm được cảm tình của cử tri Pháp với những bước đi táo bạo, như tên phong trào “Tiến bước!” mà ông lập ra cách đây 1 năm.

'Obama của xứ Gaulois' và cơ hội làm tổng thống trẻ nhất nước Pháp Emmanuel Macron, 39 tuổi, là nhân tố bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, với tư tưởng trung lập và là biểu tượng cho sự trẻ trung, tươi mới của nền chính trị Pháp già cỗi.

Sau vòng bầu cử sơ bộ, cả đảng Cộng hòa và đảng Xã hội, 2 chính đảng cánh hữu và cánh tả của Pháp, đều không vào được vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 7/5.

Thay vào đó, ứng viên bước vào vòng 2 là lãnh đạo trẻ tuổi của phòng trào chính trị đột phá mới “Tiến bước!” (En Marche!) vừa được thành lập cách đây 1 năm.

Trong thời gian ngắn ngủi đó, Emmanuel Macron đã tạo được dấu ấn đậm nét khi chấp nhận mạo hiểm, thách thức hệ thống chính trị đảng phái của Pháp để tìm cách đáp ứng mong đợi của người dân trong thế kỷ 21 toàn cầu hóa.

Trẻ tuổi và táo bạo

Theo học giả người Pháp Bernard-Henri Levy, việc Emmanuel Macron tiến bước vào vòng chung kết của cuộc bầu cử là tin tốt với nước Pháp. Lãnh đạo 39 tuổi này có nhiều khả năng chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống dù được cho là trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm.

Levy cho rằng Macron không hẳn thiếu kinh nghiệm vì ứng viên này từng có 5 năm gắn bó với Tổng thống Francois Hollande khi đảm nhiệm vị trí cố vấn chính của đương kim tổng thống và chức vụ Bộ trưởng Kinh tế.

“Đúng là anh ta còn trẻ. Trẻ tuổi có thể là một khuyết điểm nhưng cũng có thể ưu thế và mặt tốt”, Levy bình luận trên ABC News.

Lãnh đạo phong trào Các nhà triết học Mới năm 1976 cũng ca ngợi ông Macron vì không phải là người cả đời làm chính trị.

Emmanuel Macron anh 1
Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào "Tiến bước!" tham gia bỏ phiếu hôm 23/4. Ảnh: Getty.

“Anh ta không cố gắng làm nên một thành tựu để đời. Anh ta quyết định ra tranh cử vì nhận thấy hệ thống chính trị ở Pháp đã trì trệ, quan điểm của cánh hữu và cánh tả đã lỗi thời và chúng ta cần chấm dứt thời kỳ này”, ông nói.

Tối 23/4, ông Francois Hollande đã gọi điện cho Macron, thông báo sẽ bỏ phiếu cho người từng là cố vấn của mình.

Macron gặp François Hollande lần đầu tiên vào năm 2006. Ông nhanh chóng hòa nhập với các thành viên thuộc đảng Xã hội dù được cho là người có khuynh hướng thiên hữu.

Với những tham vọng chính trị riêng ngày càng lớn, Macron cảm thấy vị trí trong chính phủ khiến ông khó xử. Năm 2016, ông rút khỏi chính quyền của ông Hollande để lập ra “En Marche!” Nhiều người cho rằng phong trào này sẽ sớm thất bại.

6 tháng trước, Macron bước vào vòng đua cuối cùng của cuộc đua tranh cử tổng thống Pháp mà không có sự ủng hộ nào của một trong hai chính đảng. Hiện tại, “En Marche!” đã có hơn 200.000 thành viên đăng ký.

Sự ôn hòa tạo nên sức hút

Macron chiến thắng vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, đánh bại Marine Le Pen của đảng Mặt trận Dân tộc, người chỉ về nhì.

Tại Brussels, thủ đô của Bỉ, những khuôn mặt đã mỉm cười nhẹ nhõm sau thông báo kết quả vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Việc Emmanuel Macron, người vận động tranh cử với khẩu hiệu củng cố liên minh châu Âu, vượt lên Marine Le Pen, người chủ trương rút khỏi liên minh, là một bất ngờ thú vị đối với các thành viên của Hội đồng châu Âu.

Tuy nhiên, một số người cho rằng đây chưa phải là lúc để mừng vội. “Việc Mặt trận Dân tộc thu hút được 7,6 triệu phiếu bầu quả là đáng sợ”, Pierre Moscovici, thành viên Cao ủy châu Âu về các vấn đề kinh tế và tài chính, nói với Le Temps. “Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn Le Pen giành được 40% số phiếu trong vòng 2”, ông nói.

Emmanuel Macron anh 2
Emmanuel Macron gặp gỡ các cử tri ở Lyon ngày 24/9/2016. Ảnh: Sipa Press.

Đối với Pierre Moscovici, cựu Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp, vòng bầu cử thứ 2 sẽ giống như một cuộc “trưng cầu dân ý về châu Âu”. Cử tri có hai lựa chọn rõ ràng: “Một nước Pháp cởi mở với trung tâm châu Âu và một nước Pháp co cụm lại, tìm cách rời bỏ liên minh”. Vì vậy, ông kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron.

Theo nhà chính trị học Frédéric Saint-Clair, kết quả Macron đạt được trong vòng bầu cử đầu tiên cho thấy chiến thắng của một hiện tượng truyền thông đáng kinh ngạc, vượt qua những lề lối cũ. Macron thu hút các phương tiện truyền thông để tiếp cận với khoảng 24% cử tri. Ông có khả năng tạo sự đồng cảm, tái lập niềm tin đã xói mòn giữa tầng lớp tinh hoa và người dân cả nước.

Giống như Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, Macron cũng xây dựng hình ảnh một ứng viên tổng thống thân thiện và cởi mở trong chiến dịch tranh cử, tách biệt với xuất thân từ Trường Hành chính Quốc gia (ENA), nơi sản sinh ra giới tinh hoa Pháp.

Bình luận trên Le Figaro, Saint-Clair cho rằng Macron đã dần dần chinh phục được công chúng với lập luận chính phủ có thể được quản trị bằng xã hội dân sự, qua đó khắc phục được những điểm yếu của nền chính trị và các đảng phái truyền thống. Quan điểm phi chính trị của Macron hoàn toàn phù hợp với tâm tư của cử tri.

3 năm trước, Emmanuel Macron là một gương mặt ít người biết đến trong chính trường Pháp. Hiện tại, ứng viên độc lập này là trở ngại duy nhất giữa lãnh tụ phe cực hữu của Đảng Mặt trận Dân tộc với chiến thắng ngày 7/5.

Với đường lối trung dung và ôn hòa, Macron cho thấy các chính trị gia không nhất thiết phải cực đoan hay theo chủ nghĩa dân túy để được cử tri yêu thích.

Trong bài phát biểu chiến thắng tối 23/4, ông Macron tuyên bố sẽ giành được phiếu bầu của các cử tri còn lại bằng việc đưa ra cảnh báo về mối đe dọa từ “cánh hữu”.

“Tôi hy vọng trong 2 tuần nữa, tôi sẽ trở thành tổng thống của mọi người. Tôi muốn trở thành tổng thống của tất cả người dân Pháp, một tổng thống của những người yêu nước nhằm đối mặt với mối đe dọa từ những người theo chủ nghĩa dân tộc”, ông nói.

Từ nụ hôn đầu đến đám cưới của ứng viên TT Pháp và vợ hơn 24 tuổi Ở tuổi 17, cậu học sinh Emmanuel Macron khẳng định sẽ cưới cô giáo Brigitte Trogneux. Năm 2017, họ đã bên nhau được 10 năm và đang có cơ hội trở thành ông bà chủ của Điện Elysee.

Chuyện tình bị cấm cản vì lệch 24 tuổi của ứng viên tổng thống Pháp

Ứng viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc hôn nhân đặc biệt với người vợ hơn ông 24 tuổi đồng thời là giáo viên trung học của ông.

Đương kim tổng thống Pháp ủng hộ 'Obama xứ Gaulois'

Tổng thống Francois Hollande ủng hộ ứng viên Emmanuel Macron trở thành tân tổng thống Pháp, cảnh báo những hệ lụy nguy hiểm nếu "Trump phiên bản nữ" Marine Le Pen đắc cử.



Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm